Rác thải nông thôn: Thủ tướng yêu cầu 3 bộ xử lý

Việc xử lý và thu gom rác thải, công nghệ và khả năng xử lý rác thải ở nông thôn nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Cách nào để giải quyết triệt để tình trạng này đang được nhiều bộ ngành và người dân quan tâm.

Sống chung với rác

Quê tôi là làng nghề nổi tiếng vùng Kinh Bắc (Đồng Kỵ – Bắc Ninh). Tuy nhiên, cùng với sự nổi tiếng về sản phẩm đồ gỗ làm giàu vùng quê là thực trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Từ rác sinh hoạt đến rác sản xuất ùn ứ khắp đầu làng, ngõ xóm nhiều năm nay nhưng chưa có phương án xử lý triệt để.

“Nhiều năm nay, rác thải của làng được thu gom rồi đưa ra khu đất trống cuối làng, và đống rác thải cứ ngày một rộng ra, cao lên. Đến nay, tôi chưa nghe thấy có phương án nào xử lý tình trạng này. Vẫn sống chung với rác”, ông Nguyễn Văn S., người dân trong làng cho biết.

Công nghiệp về làng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các xã Đông Phong, Long Châu, Yên Trung và Đông Tiến (Yên Phong – Bắc Ninh). Làng xưa nay đã như phố, thu nhập của người dân ngày càng tăng cao. Nhưng đổi lại, người dân xung quanh khu công nghiệp Yên Phong đang trăn trở, bức xúc, chịu sức ép từ vấn nạn rác thải gây ra.

Long Châu có hơn 9.200 nhân khẩu nhưng địa phương tiếp nhận khoảng 16.000 công nhân, người lao động tạm trú. Dân số cơ học tăng cao đột biến, làm cho rác thải sinh hoạt mỗi ngày một nhiều hơn. Cả xã hiện có 4 bãi rác trung chuyển, nhưng đều trong tình trạng quá tải. Ông Nguyễn Trọng Oánh, cán bộ địa chính, nông nghiệp, môi trường xã Long Châu, cho biết: “Mỗi tháng, địa phương xả ra môi trường hơn 120 tấn rác. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

Bắc Ninh hiện có 125 xã, phường, thị trấn nhưng mới chỉ có 3 địa phương là thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành), thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) thành lập được hợp tác xã dịch vụ-môi trường. Còn lại một số thôn, cụm công nghiệp làng nghề tuy có tổ vệ sinh môi trường nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp. Ở hầu hết các địa bàn, nơi có đội tự quản về vệ sinh môi trường mới chiếm chưa tới 20% so với tổng số khu dân cư nên việc quản lý các hoạt động làm vệ sinh, chống ô nhiễm, xuống cấp môi trường hầu như còn buông lỏng.

Mỗi ngày ở vùng nông thôn Bắc Ninh thải ra gần 400 tấn rác thải sinh hoạt các loại nhưng 80 % không được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình…, lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch, gây ô nhiễm nặng nguồn nước, không khí. Nhiều nơi hình thành bãi rác thải tự nhiên có diện tích, khối lượng không nhỏ, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm mất mĩ quan.

Giải quyết tình trạng này, Bắc Ninh bước đầu triển khai một số dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê, các làng nghề sắt thép Đa Hội, Đồng Kỵ (Từ Sơn), Văn Môn (Yên Phong), Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Liên minh các hợp tác xã tiến hành 3 giải pháp lớn về tăng cường công tác truyền thông, vận động giáo dục quần chúng; nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả và khuyến khích, giúp đỡ các địa phương thành lập các hợp tác xã dịch vụ, các tổ đội môi trường tự quản ngay trong khu vực làng xã, khu dân cư, các cụm công nghiệp làng nghề.

Chính quyền thờ ơ

Việt Nam hiện có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm khoảng 73% dân số cả nước. Trung bình mỗi ngày khu vực nông thôn phát sinh hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. CTR sinh hoạt có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải làm vườn và phần lớn đều là chất thải hữu cơ dễ phân hủy.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40-55%. Phần lớn CTR được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mỗi năm tại khu vực nông thôn phát sinh khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và CTR phát sinh từ nhóm làng nghề tái chế phế liệu (kim loại, giấy, nhựa…) với nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom CTR sinh hoạt. Hiện, có hơn 40% tổng số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó doanh nghiệp thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn.

Rác thải tràn ngập ở nhiều vùng nông thôn.

Ở khu vực đô thị, công ty dịch vụ môi trường là doanh nghiệp công ích, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, 20% do người dân đóng góp. Trong khi đó, ở nông thôn, kinh phí hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp, chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức thu nhập chỉ bằng 30-40% so với người thu gom rác ở đô thị. Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề quản lý chất thải. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải, chưa có biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng.

Việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa và nylon; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt nông thôn; thu hồi các bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; vận động nhân dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Thủ tướng yêu cầu xử lý rác tồn đọng ở nông thôn

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “13 triệu tấn rác thải nông thôn giải quyết thế nào? Rác bây giờ rất lớn nhưng nhà đầu tư xử lý rác không có rác để làm việc này, trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Các container nằm đầy ở các cảng trách nhiệm thế nào?”.

Để giải quyết vấn đề đặt ra, Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ thực trạng vấn đề thu gom, xử lý và tái chế rác, đặc biệt là các loại túi nylon, chai nhựa hiện nay, để tập trung giải quyết, có bước chuyển biến trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình xử lý, cần coi rác là nguồn tài nguyên, tái chế sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác.

Về vấn đề hơn 13 triệu tấn rác thải hiện đang còn tồn đọng ở khu vực nông thôn, Thủ tướng yêu cầu tới đây, các bộ trưởng phải phối hợp làm rõ trách nhiệm thuộc về bộ nào: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, để xử lý dứt điểm, không để tình trạng rác thải tồn đọng ở nông thôn, ngoài cảng biển, trong khi nhà máy chế biến xử lý lại không có nguồn nguyên liệu.

Đông Kỳ – Báo KTNT

Theo Kinh tế nông thôn

Ảnh: Cách nào để giải quyết 13 triệu tấn rác thải nông thôn đang tồn đọng hiện nay?

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtenongthon.vn/rac-thai-nong-thon-thu-tuong-yeu-cau-3-bo-xu-ly-post25113.html