Rác thải nhựa đang ‘uy hiếp’ nghiêm trọng quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng được thiên nhiên ưu đãi với những danh thắng ‘cần phải đến ít nhất một lần trong đời’ như vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, kết nối với vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tạo thành một quần thể di sản thiên nhiên có một không hai.

Tuy nhiên, cũng giống như vịnh Hạ Long, vấn đề rác thải trôi nổi trên mặt vịnh đang khiến cho Ban quản lý (BQL) các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phải dành nhiều công sức cho việc ngăn chặn và xử lý.

Theo ông Phạm Vĩnh Toàn, Phó Giám đốc BQL các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, BQL mới chỉ được thành lập vào năm 2010 với bảy chức năng, nhiệm vụ được giao, một trong số đó là công tác vệ sinh môi trường trên các vịnh.

Với 51 người trong BQL, nhưng có tới 23 người làm công tác liên quan đến môi trường vịnh, 14 người trực tiếp thu gom rác trên 3 điểm vịnh chính gồm: Vịnh Cát Bà, vịnh Bến Bèo và vịnh Lan Hạ.

Để làm sạch rác tại 3 khu vực vịnh nói trên, BQL trang bị 4 phương tiện thuyền máy hoạt động liên tục từ 7h – 17h30 tất cả các ngày trong tuần.

Công việc của công nhân trên các phương tiện này là thu gom rác thải từ các bè nuôi trồng thủy sản; thu gom rác thải trôi nổi trên mặt vịnh, trong đó chủ yếu là túi nilon, vỏ chai nhựa được thải ra môi trường từ sự thiếu ý thức của không ít người dân và du khách.

Đây cũng là những loại rác thải gây khó khăn nhất cho BQL trong việc thu gom, bởi mỗi ngày thu gom được từ 8-10m3 rác trôi nổi thì có khoảng 70% là rác thải nhựa.

Thu gom rác trên vịnh Bến Bèo.

“Việc thu gom rác trên mặt vịnh được thực hiện từ năm 2010, thời điểm thành lập BQL. Tuy nhiên, với mỗi thời điểm, lượng rác luôn có xu hướng tăng theo thời gian, nhất là vào mùa gió Nam, lượng rác trôi nổi từ các cửa sông lớn trôi về,” ông Phạm Vĩnh Toàn nói.

Tuy nhiên, ông Toàn thừa nhận hiện nay BQL vẫn chưa thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Sau khi thu gom, rác sẽ được vận chuyển vào bờ, Công ty Quản lý môi trường đô thị và Dịch vụ công cộng Cát Hải sẽ đảm nhiệm việc vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của huyện Cát Hải.

Khu vực quần đảo Cát Bà hiện có tới 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó chỉ khoảng 10% chủ cơ sở là người địa phương.

Chỉ sau khoảng 3 giờ đồng hồ, những công nhân này đã thu được đầy một thuyền rác.

Điều đáng ghi nhận là BQL Vịnh Cát Bà đã cơ bản giải quyết được vấn nạn rác thải từ các tấm phao xốp. Trước đây, phao xốp cũng là một nguồn rác gây nhức nhối cho môi trường trong khu vực quần đảo Cát Bà vì hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh dùng phao xốp làm vật liệu nâng nổi. Sau một thời gian, các tấm xốp vỡ ra và trôi nổi trên mặt vịnh gây mất mĩ quan và làm ô nhiễm môi trường.

Có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng hệ thống lồng bè kiên cố trên quần đảo Cát Bà.

BQL đã có nhiều biện pháp xử lý với chiến dịch vận động các hộ nuôi trồng thủy sản hạn chế sử dụng phao xốp, thay thế các phao xốp bằng các vật liệu nâng nổi thân thiện hơn như phao nhựa, composite,…

Đã có hàng vạn tấm phao xốp cũ hỏng được thu gom, tháo dỡ và tiêu hủy trong 3 năm gần đây. “Thực tế hiện nay phao xốp vẫn còn được người dân sử dụng, nhưng đã có sự giảm mạnh trong thời gian qua,” ông Toàn nói.

Việc tập trung số lượng lớn các lồng bè cũng tác động không nhỏ đến hệ sinh thái nơi đây.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng phao xốp, UBND huyện Cát Hải chủ trương giảm số lượng cơ sở nuôi trồng thủy sản trên mặt vịnh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường chung, cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Bởi khi có quá nhiều cơ sở, nguồn nước ô nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của nghề nuôi trồng thủy sản nơi đây, ảnh hưởng đến sinh kế của chính người dân.

Thu gom rác tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh.

Với 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên quần đảo Cát Bà, trong đó vịnh Bến Bèo 266 cơ sở, vịnh Lan Hạ có 127 cơ sở, và vịnh Cát Bà 47 cơ sở. Theo chủ trương của UBND huyện Cát Hải, đến năm 2025 trên địa bàn huyện Cát Hải chỉ còn lại 152 cơ sở, có nghĩa là gần 300 hộ gia đình phải ngừng sản xuất hoàn toàn và tháo dỡ toàn bộ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên mặt vịnh.

Đây là một chủ trương lớn và cũng rất khó khăn trong thực hiện, nhưng bắt buộc phải làm để có sự đột phá trong cải thiện môi trường các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Đối với những hộ dân bị buộc phải ngừng sản xuất kinh doanh, UBND huyện Cát Hải đang đề xuất thành phố Hải Phòng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ như chi phí đầu tư, chi phí tháo dỡ, và điều quan trọng là hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới.

Đến năm 2025, trên địa bàn huyện Cát Hải chỉ còn lại 152 cơ sở.

Để giảm thiểu rác thải và đưa Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh, ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, chính quyền huyện đảo đã vận động các chủ cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng không sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Kế hoạch này đã được các chủ cơ sở kinh doanh đồng thuận và sẽ triển khai vào đầu tháng 8/2019.

Tàu du lịch neo đậu trên vịnh Bến Bèo.

Cũng theo ông Cường, huyện đảo Cát Hải phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa dùng một lần trên địa bàn huyện, bao gồm các cơ sở kinh doanh và các hộ dân. Trước mắt, các du thuyền hoạt động trên vịnh Lan Hạ sẽ thực hiện không dùng rác thải nhựa dùng một lần trong quý 4 năm nay.

Nguyễn Tuân – Báo Infonet

Theo Infonet

Ảnh: Người của BQL đang thu gom rác trôi nổi trên vịnh Lan Hạ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://infonet.vn/rac-thai-nhua-noi-am-anh-cua-ban-quan-ly-vinh-cat-ba-va-du-khach-post307482.info