Rác thải nhựa có thể chế tạo thành hương liệu vani

Một nhóm các nhà khoa học Scotland đã chế tạo thành công hương vani từ rác thải nhựa. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.

Nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Green Chemistry ngày 15/6 cho biết, rác thải nhựa có thể chế tạo thành công hương vani, loại hương liệu được dùng rộng rãi trong thực phẩm và mỹ phẩm. Nghiên cứu này được các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Scotland) thực hiện.

Theo đó, các nhà khoa học đã phát triển các enzyme đột biến để phân hủy polyme polyethylene terephthalate được sử dụng trong chai nhựa thành axit terephtalic (TA). Sau đó, sử dụng vi khuẩn biến đổi gen E coli để chuyển đổi TA thành vani, tạo thành một sản phẩm có giá trị, hứa hẹn giúp việc tái chế phế liệu nhựa trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn.

TS Stephen Wallace tại Đại học Edinburgh cho biết, nhóm nghiên cứu đã làm ấm môi trường nuôi cấy vi sinh vật ở nhiệt độ 37 độ C, điều kiện tương tự như ủ bia, nhằm chuyển đổi 79% TA thành vani. Tiếp theo, họ điều chỉnh thêm vi khuẩn để tăng tỉ lệ biến đổi hơn nữa. Bên cạnh ứng dụng trong thực phẩm và mỹ phẩm, hương vani còn được sử dụng rộng rãi trong dược phẩm, sản phẩm tẩy rửa và thuốc diệt cỏ.

“Nghiên cứu này sẽ thay đổi nhận thức cho rằng nhựa là một loại rác thải có vấn đề. Thay vào đó, nó chứng minh rằng việc sử dụng rác thải nhựa như một nguồn carbon mới có thể tạo ra các sản phẩm giá trị cao”, ông Stephen chia sẻ và cho biết họ sẽ tiếp tục tiến hành mở rộng quy trình để chuyển đổi lượng nhựa lớn hơn.

Hiện nay, nhựa sẽ mất đi khoảng 95% giá trị sau khi sử dụng một lần. Việc thu gom và tái chế nguồn vật liệu này được xem là điều quan trọng giúp đối phó vấn nạn rác thải nhựa trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhu cầu vani trên toàn cầu đang tăng mạnh mẽ, lên tới 37.000 tấn vào năm 2018, vượt xa nguồn cung từ vani tự nhiên, được chiết xuất từ cây vani. Ngoài ra, có khoảng 85% vani hiện được tổng hợp từ các hóa chất có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Cứ mỗi phút trôi qua, có khoảng 1 triệu chai nhựa sẽ được bán ra trên khắp thế giới. Trong khi đó, chỉ 14% chúng được tái chế.  Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rác thải từ chai nhựa là loại ô nhiễm nhựa phổ biến thứ hai trong các đại dương, sau túi nhựa.

Châu Á đang phải đối mặt với hiểm họa ‘làn sóng’ rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19

Mặc dù tình trạng ô nhiễm nhựa ở châu Á đã khá nghiêm trọng trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, nhưng chính đại dịch đã làm vấn nạn trở nên tồi tệ hơn. Đặc biệt, lượng rác thải nhựa từ các hoạt động y tế liên quan đến dịch bệnh Covid-19 cũng đang tạo nên gánh nặng môi trường khổng lồ tại châu Á.

Đầu năm 2020, tổ chức Oceans Asia (trụ sở tại Hong Kong), đã bắt đầu lên tiếng về những lo ngại ô nhiễm đại dương. Sau cuộc khảo sát quần đảo Soko, dù không có người sinh sống nhưng quần đảo này đã xuất hiện hàng chục khẩu trang dùng một lần. Cứ 100 m bờ biển lại có tới 70 khẩu trang.

Báo cáo mới đây từ Ngân hàng Phát triển châu Á, thủ đô Manila của Philippines dự kiến là thành phố thải ra nhiều rác y tế nhất khu vực Đông Nam Á, với 280 tấn mỗi ngày.

Ngoài ra, có đến 8.300 triệu tấn vi nhựa đã được sản sinh cho đến nay trong đó chỉ có 9% được tái sử dụng, 12% được đốt, 79% được tập kết trong bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường. Dự báo đến năm 2050, khoảng 12 tỉ tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên.

Thùy Linh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Một cơ sở tái chế chai nhựa ở Bangladesh. (Ảnh: Guardian)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/rac-thai-nhua-co-the-che-tao-thanh-huong-lieu-vani-56447.html