Cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua đã tạo nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Nhưng có một điểm chung được chỉ ra, đó là có nhóm lợi ích xung quanh các cuộc đấu giá đất. Có thể nói, việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Lập “quân xanh, quân đỏ” để đấu giá đất
Thông tin mới nhất từ cục Thuế TP HCM cho biết, 2 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega tiếp tục bị cơ quan thuế tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03% và cho đến nay, số tiền này đã lên đến hơn 150 tỷ đồng.
Tính đến ngày 17/5, tức sau 10 ngày kể từ khi Chi cục Thuế TP Thủ Đức ra quyết định cưỡng chế thuế với 2 công ty trúng đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm (Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega), cơ quan Thuế vẫn chưa thu được tiền. Nguyên nhân do tài khoản ngân hàng của cả 2 doanh nghiệp này đều không có tiền.
Sau vụ quay xe đấu giá đất Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, việc hai doanh nghiệp còn lại không chịu đóng thuế đất đã trúng thầu đấu giá cho thấy những điểm chưa hoàn thiện của quy trình đấu giá đất.
Có thể khẳng định rằng vụ đấu giá đất Thủ Thiêm với những sai phạm được chỉ ra chỉ là dẫn chứng mới nhất, nổi nhất và dễ thấy trong hoạt động đấu giá đất nói chung hiện nay. Trước, trong và kể cả sau Thủ Thiêm, nhiều nơi vẫn xảy ra các vụ đấu giá đất với nhiều dấu hiệu bất thường.
Ngay tại Đông Anh, Hà Nội cuộc đấu giá đất gắn với bà Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex cũng đã từng rất đình đám với hàng loạt sai phạm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội chỉ ra rằng, bà Loan cùng nhiều cá nhân khác có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm để đấu giá đất tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội).
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex Nguyễn Thị Loan lập nhiều công ty để làm “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Kết quả điều tra xác định, chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu/m2 tùy vị trí.
Hơn 1 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của các phiên đấu giá đất tại các địa phương. Nhiều lô đất có mức giá đấu cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Nhưng ngược lại cũng có nhiều lô đất bán thấp hơn giá quy định, sau đó lại được chuyển nhượng lòng vòng gây thất thoát.
Ở Phú Yên thời điểm cuối năm 2021, Công an tỉnh cũng đã khởi tố bắt giam bà Ngô Thị Điều, 57 tuổi, về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Theo đó Phú Yên bán đấu giá 262 lô đất tại khu đô thị ở TP Tuy Hòa. Bà Điều tham gia nộp hồ sơ và trúng đấu giá với số tiền hơn 154 tỷ đồng (khoảng 4,6 triệu đồng/m2), đã được giảm 5% so với mức trúng đấu giá, thấp hơn 8 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Sau đó bà đã chuyển nhượng 259 trong số 262 lô đất cho khách hàng.
Theo cơ quan điều tra, bà Điều có hành vi trốn thuế trong quá trình giao dịch bất động sản, gây thất thoát tiền thuế Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Cụ thể, bà này đã kê số tiền chuyển nhượng mỗi lô đất trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn tiền thu của khách hàng.
Thực tế trong hoạt động đấu giá, đấu thầu tại một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “sân sau”, “quân xanh, quân đỏ”. Những hành vi này diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và khó phát hiện.
Nhiều địa phương đưa ra giá khởi điểm của tài sản đấu giá không sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi hoặc có địa phương, khi chuẩn bị đấu giá đất thì chỉ ra thông tin cho doanh nghiệp “sân sau” chuẩn bị các điều kiện tham gia đấu giá.
Còn những đơn vị khác khi nhận được thông tin chính thức mới chuẩn bị hồ sơ thì gần như không thể kịp, do đó không thể tham gia.
Tăng cường quản lý
Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Công văn tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động đấu giá đất đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số tồn tại, bất cập đã làm hạn chế hiệu quả của chính sách này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã từng chỉ ra thực tế tại một số địa phương có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá…”.
Bộ trưởng Hà cho rằng quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của Việt Nam còn bất cập, hạn chế. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt như đấu giá quyền sử dụng đất.
Cụ thể là quy định về mức tiền đặt cọc chưa phù hợp, chưa có quy định về thời gian, trách nhiệm của người có tài sản trong việc thẩm tra hồ sơ, điều kiện và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến đối với các tài sản công có giá trị cao như thông lệ đấu giá tài sản công của các nước trên thế giới…
Nhà đầu tư xem bảng thông tin đấu giá đất tại Trung tâm Đấu giá Tài sản tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quang Vinh
Minh bạch thông tin
Giới chuyên gia cũng thừa nhận rằng việc đấu giá tài sản công nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 ở nhiều nơi đã mang lại những kết quả tích cực, nguồn lực thu về cho ngân sách Nhà nước từ việc đấu giá là rất lớn. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp xảy ra những tiêu cực trong đấu giá, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Và nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên thì có nhiều, trong đó, Quản lý nhà nước về đấu giá mà trọng tâm là các quy định của pháp luật về đấu giá còn có những quy định bất cập và việc chấp hành pháp luật về đấu giá bị xem nhẹ; một số nơi còn để xảy ra tình trạng sai sót, vi phạm trong thủ tục, quy trình đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá…
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần xây dựng cơ chế, quy chế giám sát đấu giá chung và tổ chức giám sát việc đấu giá có hiệu quả (việc thực hiện thủ tục, quy trình; lựa chọn tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá; quá trình tổ chức đấu giá…). Đặc biệt chú trọng xây dựng, thực thi, thanh kiểm tra thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên, các tổ chức đấu giá và định giá khởi điểm.
Còn luật sư Nguyễn Đức Mạnh – Công ty Luật TNHH BizLink cho hay, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án trong thời gian vừa qua đã cho thấy nhiều bất cập trong việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức này. Ngoài khả năng về tài chính, để thực hiện dự án, nhà đầu tư còn phải đảm bảo các điều kiện về ngành nghề, kinh nghiệm…
Việc đấu giá chỉ xem xét đến việc bỏ giá để lựa chọn ra người trúng đấu giá có thể dẫn tới việc sau khi lựa chọn được người trúng đấu giá, người này lại thiếu kinh nghiệm, không có khả năng thực hiện được dự án, bỏ dở dự án.
Theo đại diện Công ty Luật TNHH BizLink, để có thể lựa chọn được người trúng đấu giá – nhà đầu tư phù hợp để thực hiện dự án một cách hiệu quả, tối ưu thì cần có cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư, tương tự như thủ tục đấu thầu (xem xét đề xuất về tài chính, kỹ thuật để sàng lọc, lựa chọn ra 1 danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, có khả năng thực hiện tốt dự án) rồi mới chính thức tham gia vào đấu giá để tiến hành bỏ giá?
Cơ chế này không những mang lại lợi ích cho Nhà nước (vì đã lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, có năng lực để thực hiện dự án, đã bỏ giá cao để được giao đất, cho thuê đất và đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước) mà còn giúp phát triển kinh tế- xã hội nói chung, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, khai thác hiệu quả đất đai.
TS Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Cần rà soát lại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu Hiện có khá nhiều bất cập trong vấn đề đấu giá đất. Chẳng hạn như phương thức định giá còn bất cập, rất khó đưa ra mức giá khởi điểm hợp lý. Ngoài ra, quy trình đấu giá, nộp tiền, quyết toán sau khi trúng thầu cũng là vấn đề cần rà soát. Theo đó, nên sửa đổi luật và quy định liên quan như Luật Đất đai (Điều 108,119,120). Cần rà soát lại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu những vấn đề liên quan đến điều kiện nhà đầu tư. Hết sức quan tâm đến vấn đề công khai minh bạch. Cũng phải sửa lại quy trình, quy định về phương thức định giá, cơ sở để đưa ra mức định giá. GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): Cần sự công khai, minh bạch trong đấu giá, đấu thầu Công khai, minh bạch là việc cần làm trong đấu giá, đấu thầu. Không có nước nào trên thế giới không coi đất đai là tài nguyên quan trọng nhất. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch nhằm lựa chọn nhà thầu đủ tiềm lực tài chính và năng lực. Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp sẽ bị đẩy lùi, tạo ra một môi trường đấu giá công bằng và minh bạch. T.Hằng |
H.Hương – M.Sang – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Khu đất Thủ Thiêm (TP HCM) xảy ra rất nhiều tranh cãi xung quanh việc đấu giá đất. Ảnh: Thành Luân.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/ra-soat-lai-hoat-dong-dau-gia-dat-5687466.html