Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực cốt lõi: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường và phát triển bền vững.
Ngày 12/9, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững (RIFISD) đã chính thức ra mắt, do TS Phạm Ngọc Minh – nguyên Giám đốc Văn phòng Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ – làm Viện trưởng.
Tham dự buổi lễ ra mắt có lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; các cơ quan và đối tác Hàn Quốc.
Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững (RIFISD), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật
Trụ sở chính của Viện RIFISD tại TP.HCM, là nơi tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động khoa học quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp. RIFISD có 12 cán bộ, viên chức được đào tạo trong và ngoài nước với trình độ chuyên môn sâu.
Trước mắt cũng như lâu dài, Viện RIFISD có nhiều hoạt động, tập trung chủ yếu trên 3 lĩnh vực cốt lõi gồm: Phát triển năng lượng tái tạo; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, khoa học và công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng và là yếu tố chủ đạo cốt lõi chi phối trên các lĩnh vực ưu tiên của Viện.
Cụ thể, Viện thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo và dịch vụ khoa học công nghệ về đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế và phát triển doanh nghiệp.
Về dịch vụ KH&CN, Viện tham gia tư vấn, phản biện các chương trình, đề tài, đề án, dự án về các lĩnh vực trong chức năng của Viện, trong đó có tư vấn lập các dự án đầu tư, ứng dụng, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, môi trường và các giải pháp tiên tiến nhằm phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, triển lãm, sự kiện về xúc tiến hợp tác đầu tư, kết nối cung cầu công nghệ…
RIFISD hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Viện hiện có các đối tác trong nước như Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), Công ty TEQTO,…Đặc biệt là đối tác chiến lược tầm quốc tế – Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Hàn Quốc (KOPIA) với thành viên gồm 80 tập đoàn, tổng công ty, công ty từ những nhà sản xuất polysilicon, pin mặt trời và các sản phẩm modun cho đến những nhà tích hợp hệ thống; trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty lớn xuyên quốc gia như Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai, Tập đoàn OCI, Năng lượng mặt trời Shinsung, LG, Samsung, Hóa chất Hnwwha,…có vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp và công cuộc công nghệ hóa – hiện đại hóa của Hàn Quốc, góp phần đóng góp vào sự phát triển và kinh tế thế giới. Trong đó, nhiều tập đoàn, công ty cũng đã và đang đầu tư FDI vào Việt Nam như Samsung, Hyundai, LG,…đóng góp vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cũng tại buổi lễ ra mắt, Viện đã ký kết hợp tác với đối tác chiến lược KOPIA và các đối tác trong nước trong trước./.
PV (T/H)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Đại diện RIFISD cùng đại diện đối tác chiến lược trong lễ ra mắt
Xem bài viết gốc tại đây: