Quỳ Hợp (Nghệ An): Khốn khổ sống cạnh mỏ đá đồi Con Trâu

Đồi keo, khe suối bị chất thải của mỏ đá tràn vào; nhà dân luôn bị rung lắc, thậm chí nứt nẻ mỗi khi mỏ đá nổ mìn khai thác… đó là nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống gần khu vực đồi Con Trâu ở xã Tân Xuân (huyện Tân Kỳ) và xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp), nơi một ngọn đồi nhưng có tới 2 mỏ đá trắng của 2 doanh nghiệp đang khai thác từ nhiều năm nay.

Dấu hiệu xả thải tràn lan, lấn ra ngoài ranh giới thuê đất?

Trước đây, đồi Con Trâu là nơi trồng rừng và là nơi tạo môi trường xanh, sạch cho bà con xã Tân Xuân. Thế nhưng, trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sống của nhiều hộ dân ở xóm Xuân Yên, xã Tân Xuân bị đảo lộn khi có 2 doanh nghiệp về khai thác đá trắng tại 2 mỏ trên đồi Con Trâu. Họ bức xúc vì nhiều thửa ruộng của bà con ở gần đồi Con Trâu và một số diện tích keo dưới chân đồi bị chất thải của mỏ đá vùi lấp. Chưa hết, mương dẫn nước tưới của xóm cũng bị đá trắng vùi lấp nhiều đoạn.

Theo con đường đá được đắp để vào khai thác mỏ, chúng tôi thấy, nhiều nơi có dấu hiệu của bột đá trắng chảy trôi ra ruộng của dân. Trên đồi Con Trâu, nhiều máy múc đang phá đá, xung quanh, chất thải đổ tràn xuống chân đồi, một số tràn xuống cả khu vực trồng keo của bà con.

5(1).jpg
Chất thải tràn ra khe suối.

 

Ông Trương Văn H. nhà ở xóm Yên Xuân, xã Tân Xuân than thở: “Bột đá nhiều nơi chảy xuống ruộng của người dân. Mương nước, người dân khơi thông được ít ngày thì xe chạy, đá vụn lại rơi xuống, bồi lấp. Người dân ở đây nhiều lần đòi rào đường không cho xe chạy qua vì làm hỏng đường, mương nước và cây cầu bắc qua mương đi vào xóm nhưng sợ vi phạm pháp luật. Sợ sập cầu, có lần doanh nghiệp lại chở đất trong mỏ ra đắp đường ở dưới cầu để cho xe tải đi qua, nhưng lại đắp luôn mương nước của chúng tôi. Sau đó, người dân đã lấy máy xúc đào đi”.

6(1).jpg
Lấp cây keo mà người dân trồng.

 

Còn ông Nguyễn Văn T. cũng là công dân ở xóm Yên Xuân cho biết thêm: “Mỏ đá của Công ty CP Nam Trung Nghệ An, của ông Tùng, trước đây có hố thải, nhưng sau này hố thải cũng đầy tràn nên chất thải đã chảy xuống ruộng của dân. Xe chạy đường hư nhiều nên doanh nghiệp lại đổ đất đắp chồng lên. Đó là chưa nói, trời mưa to, dài ngày, bột đá còn chảy ra tận ngoài đập nước của dân”.

Ám ảnh mìn nổ

Không những khổ sở vì chất thải của mỏ xâm thực từng ngày trên đồng ruộng, đồi keo mà người dân ở gần mỏ đá đồi Con Trâu, phía bên xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp) còn lo sợ bởi tiếng mìn nổ mỗi khi trời về trưa hay cuối buổi chiều tà. Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở xã Hạ Sơn, cử tri xóm Đồng Nang đã phản ánh việc mỏ đá ở đồi Con Trâu nổ mìn làm nứt nhà dân.

1(2).jpg
Một góc mỏ đồi Con Trâu nhìn từ vườn keo người dân xã Tân Xuân.

 

Có mặt tại một số nhà dân ở khu vực này, chúng tôi thấy có hiện tượng tường nứt ở nhà dân. Dẫn chúng tôi đi xem tường nhà, anh Trương Văn Ái, ở xóm Đồng Nang nói: “Thường thì vào cuối buổi chiều là họ nổ mìn. Lúc đầu thấy dàn tôn rung chuyển như động đất, một lát sau mới nghe tiếng mìn nổ đinh tại. Xóm này có nhiều nhà bị nứt như nhà tôi”.

Một người dân ở xóm Đồng Nang, cho biết thêm: “Nhà cửa trước đây lợp ngói, nhưng bị mìn nổ rung mạnh quá nên phải lợp lại bằng tôn cho an toàn. Trước đây, đồi càng cao khi mìn nổ thì ảnh hưởng càng lớn, nay họ khai thác đồi thấp dần nhưng cũng bị rung mạnh khi nổ mìn”.

2(2).jpg
Góc nhìn mỏ đồi Con Trâu từ phía xã Hạ Sơn.

 

Một người dân địa phương xin dấu tên nói với chúng tôi: “Mỏ đá nổ mìn đá rơi xuống gãy nhiều cây keo của người dân, khiến cho người dân phải lên bắt đền. Đáng lẽ doanh nghiệp phải thoả thuận mua keo của người dân để thuận tiện cho việc khai thác, đằng này cứ nổ mìn, đổ thải là làm gãy cây trồng”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2008, Công ty Cổ Phần Nam Trung Nghệ An được UBND Tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác đá vôi trắng tại Mỏ đá Đồi Con Trâu với thời hạn 5 năm.

4(3).jpg
Anh Trương Văn Ái, ở xóm Đồng Nang, xã Hạ Sơn bên nhà bếp bị nứt nẻ mà anh cho rằng do rung lắc từ quá trình nổ mìn khai thác đá mỏ đồi Con Trâu.

 

Năm 2014, theo quyết định 1939/TTg-TKN của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Nam Trung Nghệ An (có địa chỉ tại xã Nghĩa Mỹ, TX. Thái Hoà, tỉnh Nghệ An) được tái cấp phép khai thác đá vôi trắng tại mỏ đá đồi Con Trâu với tổng diện tích trên 3,6 hecta với thời gian khai thác là 25 năm.

Vào tháng 5/2014, Chính phủ cũng đã có chủ trương cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản đá hoa trắng ở khu vực đồi Con Trâu, cho Công ty CP Khoáng sản Đông Á, có địa chỉ tại xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Mỏ đá Đồi Con Trâu được biết đến như một trong những mỏ đá có trữ lượng lớn, chất lượng ổn định nhất khu vực, được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao.

7.jpg
Mỏ đá đồi Con Trâu đang tồn tại những bất cập mà các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra toàn diện…

 

Ông Trương Văn An, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn, xác nhận có hiện tượng rung lắc và nứt nẻ một số nhà của người dân xóm Đồng Nang nghi do hiện tượng nổ mìn khai thác đá tại đồi Con Trâu phía Tân Kỳ. “Vừa rồi sau khi cử tri phản ánh thì đoàn công tác của Bộ có đưa máy móc về đo, kiểm tra thử. Thế nhưng có thể do họ nổ thử khi có đoàn kiểm tra đến là nổ với khối lượng thuốc nổ ít hơn nhiều nên không thấy có hiện tượng rung lắc nhà dân nữa. Trước đây nổ thì ngay cả nhà của tôi ở xã khu vực mỏ cũng rung cả giàn mát…”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Kỳ, cho biết: Khu vực đồi Con Trâu có 2 doanh nghiệp được cấp phép và đang khai thác. Việc người dân phản ánh nổ mìn gây rung lắc thì Bộ Công Thương đã đưa máy vào kiểm tra nhưng kết quả khi đó là trong chuẩn cho phép. Còn về việc mỏ lấn đất, xả thải… thì chúng tôi mới kiểm tra đang trong quá trình xử lý.

Nguyễn Dũng – Đình Tiệp – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Toàn cảnh mỏ đá đồi Con Trâu – Nơi 2 Doanh nghiệp đang khai thác đá.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/quy-hop-nghe-an-khon-kho-song-canh-mo-da-doi-con-trau-346401.html