Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Vì sao vẫn chậm?

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều nên có sự chậm trễ nhưng dự kiến quy hoạch sẽ duyệt vào quý I/2022.

Vướng Luật Đê điều

Mới đây, ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, vào nửa đầu tháng 1/2022, thành phố sẽ có đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống.

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống sẽ thỏa sự mong mỏi của người dân Thủ đô về một diện dạo mới của Hà Nội cũng như hai bờ sông Hồng với các không gian mở như quảng trường đô thị, công viên ngập lũ…

Tuy nhiên, do là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu về Luật Đê điều nên Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đó là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong duyệt Quy hoạch.

Cụ thể, Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xác định không gian thoát lũ gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê;

Giữ nguyên vị trí các tuyến đê hiện có; không nâng cao các tuyến đê hiện có; không xây dựng các đê bối mới; đất phát triển đô thị tại các khu vực được phép nhỏ hơn 15% diện tích bãi sông…

Điều đó dẫn đến việc phải nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan đến khu vực ngoài bãi sông Hồng đã và đang được nghiên cứu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, việc không cho phép xây dựng các đê bối mới, giữ nguyên các đê cũ cũng gây khó khăn và hạn chế lớn cho thành phố trong việc nghiên cứu xây dựng các tuyến đường giao thông kết hợp phòng, chống lũ và làm cơ sở cho việc tạo lập các quỹ đất phát triển đô thị, tạo không gian cảnh quan kiến trúc.

Hơn nữa, tiến độ lập các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống cũng bị ảnh hưởng lớn sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành, có hiệu lực, điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến các bộ luật khác.

Do đó, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành 66/68 đồ án quy hoạch chung, còn quy hoạch phân khu (cấp 1) và đang gấp rút triển khai việc cụ thể hóa ở cấp độ tiếp theo tại các đô thị vệ tinh (cấp 2).

Thành phố cũng đang chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, bảo đảm đúng quy trình, quy định; phấn đấu trình, phê duyệt hai đồ án trong quý I/2022.

Cần có sự vào cuộc đồng bộ

Để sớm phê duyệt quy hoạch được thông qua các chuyên gia cho rằng cần sự vào cuộc thật sự đồng bộ không chỉ của Hà Nội mà của cả các Bộ, ngành liên quan.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, một số thách thức lớn có thể kể đến như là việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng. Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm. Hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Giao thông thủy chưa phát huy khả năng.

Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.

“Sự đồng bộ của quy hoạch phân khu sông Hồng với quy hoạch vùng Thủ đô cần nghiên cứu một cách thấu đáo những bài học của thế giới như kinh nghiệm như phát triển khu vực hai bên sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp)” – vị chuyên gia cho biết.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng để hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng cần cập nhật cơ sở nền tảng pháp lý mới ban hành mà mới đây nhất là ý kiến của cơ quan chuyên ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu. Việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đặc biệt lợi thế khi mở ra trục kết nối phía đông với những tiềm năng cần khai thác để hướng tới cực tăng trưởng phía bắc và phía đông.

ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Đồ án sẽ di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Từng bước di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn. Các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có (khoảng 60ha) để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.

“TP sẽ cải tạo chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh, hạ tầng xã hội, các khu vực đất ở hiện có xuống cấp; phần đất ở còn lại sau khi mở đường theo quy hoạch sẽ được cải tạo, xây dựng lại, tái thiết đô thị” – ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Hà Lan (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều nên có sự chậm trễ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/quy-hoach-phan-khu-do-thi-song-hong-vi-sao-van-cham-62868.html