Việc quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc các bộ, ngành và trường đại học là để tối ưu các nguồn lực đầu tư và góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức đó hoạt động ngày một hiệu quả hơn.
Hai tháng sau phiên tọa đàm đầu tiên với các địa phương, vào ngày 8/9/2021, Bộ KH&CN tiếp tục tổ chức phiên tọa đàm thứ hai với các bộ, ngành và trường đại học ở trung ương với mục tiêu góp ý cho hướng dẫn của Bộ KH&CN về việc lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập. Dù diễn ra trực tuyến nhưng sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành, các trường đại học cấp quốc gia và cấp vùng cho thấy, cả những nhà tổ chức và các đơn vị này đều gặp nhau ở một điểm, đó là tìm được giải pháp để hệ thống hóa và sắp xếp các tổ chức một cách hợp lý, đem lại điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát triển một cách bền vững và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành, của lĩnh vực hoạt động.
Tuy nhiên, do những cách hiểu khác nhau về quy hoạch nên nhiều tổ chức cảm thấy lo ngại về tương lai phát triển của mình. Do đó, trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh “Chúng ta thực hiện quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập để các tổ chức này phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành và lĩnh vực mình hơn thông qua việc áp dụng KH&CN để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Về bản chất, việc chúng ta sắp xếp, quy hoạch lần này là nhằm tinh gọn các tổ chức và đảm bảo nó hoạt động hiệu quả, tiến tới có đủ năng lực và điều kiện đáp ứng một cách tốt nhất hoạt động ở ngành và lĩnh vực”.
Băn khoăn của các viện chuyên ngành
Qua cuộc tọa đàm với các địa phương về việc quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập do UBND tỉnh quản lý, người ta cảm thấy bất ngờ trong độ phong phú và đa dạng của các tổ chức này về hình thức tổ chức, cách thức hoạt động, mức độ tự chủ… Còn ở cuộc tọa đàm lần này, người ta cũng thấy được những sắc thái khác biệt ở mọi khía cạnh của các tổ chức KH&CN cấp trung ương. Nếu xét trên phạm vi lĩnh vực hoạt động thì hệ thống của các viện nghiên cứu công lập ở cấp trung ương có hai dạng truyền thống là viện nghiên cứu cơ bản và viện nghiên cứu ứng dụng. Trải qua các đợt quy hoạch, gần nhất là theo Quyết định 171 về quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hay các đợt đánh giá, sắp xếp theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập…, tình hình ở các tổ chức này đã có nhiều thay đổi.
Hầu hết đại diện các Bộ, ngành có mặt tại tọa đàm đều cho biết, họ đã và đang trải qua các đợt sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KH&CN trong phạm vi bộ, ngành mình. Ví dụ, hiện tại, một bộ đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ NN&PTNT quản lý tổng số 11 viện, trong đó có “ba viện đặc biệt đã quy tụ hầu hết viện nhỏ là Viện KH Nông nghiệp VN, Viện KH Thủy lợi VN, Viện KH Lâm nghiệp VN”, theo ông Phạm Xuân Nam, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT. Tương tự, ở Bộ Công thương cũng đang diễn ra phương án tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị của Bộ. Về mặt quy mô, Bộ Công thương không có mô hình viện nhỏ trong viện lớn như Bộ NN&PTNT nhưng lại khác biệt về tính chất. Theo bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ hiện có tổng số 13 tổ chức KH&CN, trong đó hai đã thực hiện cổ phần hóa, 11 đang trực thuộc bộ.
Việc lần lượt trải qua các cuộc quy hoạch và điều chỉnh, sắp xếp theo các nghị định khác nhau trong quá khứ đem lại những chuyển biến mới của các tổ chức, khiến họ có phần năng động hơn. “Nếu chiểu theo Nghị định 54 về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập thì trong số khoảng 25 tổ chức KH&CN công lập của ĐHQG TPHCM, hầu hết là tổ chức loại 1 và 2 – tự chi thường xuyên và chi đầu tư, trên 10 tổ chức theo loại 3 – hỗ trợ một phần chi thường xuyên”, PGS. TS Lâm Quang Vinh, trưởng ban Ban KH&CN, ĐHQG TPHCM, cho biết.
Tuy vậy việc triển khai hoạt động như vậy làm dấy lên một băn khoăn là liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của họ trong tương lai. Ông Đinh Văn Tuấn, Viện KH&CN Giao thông vận tải (Bộ GT&VT) cho biết, Bộ GT&VT chỉ có một tổ chức KH&CN và ứng dụng KH&CN là viện của ông và một tổ chức nghiên cứu cơ bản là Viện Chiến lược và phát triển GTVT. “Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã thực hiện đúng theo quy hoạch, trong đó Viện Chiến lược và phát triển GTVT chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chính sách cho nhà nước, cho Bộ và được Bộ đầu tư hoàn toàn.
Còn Viện KH&CN Giao thông vận tải được xếp loại hạng 1 về mức tự chủ chi thường xuyên – chi đầu tư theo Nghị định 54, và được Bộ quy hoạch là đơn vị sự nghiệp KH&CN tự chủ một phần chi thường xuyên”, ông nói và cho biết thêm là “sau đó mức độ tự chủ của viện không đạt được nữa, phải quay lại về tự chủ một phần”. Hiện trạng này khiến ông và cán bộ ở Viện bối rối không biết “mình đang đứng ở đâu?”, “liệu điều đó có ảnh hưởng đến quy hoạch lần này và tương lai của viện không?” khi có thể phải vừa “tinh gọn giảm đầu mối, vừa phải đóng góp cho ngân sách nhà nước, vừa phải chi lương, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của ngành”.
Trong quá trình sẵn sàng chuẩn bị cho đợt quy hoạch này, nhiều viện trực thuộc các bộ, ngành đều gặp nhau ở một điểm “làm thế nào để vừa tinh gọn bộ máy, tăng phần trăm tự chủ mà vẫn thực hiện được tốt nhiệm vụ của ngành?” – một câu hỏi về liên quan đến vai trò và ý nghĩa của họ trong bối cảnh mới. Đại diện của Viện nghiên cứu phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL) nêu khó khăn “với một ngành kinh tế mũi nhọn như hiện nay, cần rất nhiều nghiên cứu cơ bản về du lịch, chính sách du lịch nhưng biên chế dành cho một viện nghiên cứu chiến lược của ngành chỉ gồm 28 biên chế, 3 lao động hợp đồng. Vì vậy làm sao mình có thể duy trì phát triển, đáp ứng yêu cầu của ngành, yêu cầu tự chủ trong khi không thể ‘bán’ được sản phẩm nghiên cứu cơ bản?”.
Đó cũng là phần nào băn khoăn của nhiều viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực khoa học cơ bản, như phần lớn các tổ chức loại ba của ĐHQG TPHCM. “Tôi đề xuất là khi quy hoạch mạng lưới chung của nền giáo dục đại học, Bộ KH&CN chú ý thêm đến các tổ chức trong lĩnh vực khoa học cơ bản và KHXH bởi sẽ rất khó khăn nếu để họ tự trang trải”, PGS. TS Lâm Quang Vinh nói.
Đâu là giải pháp?
Trong cả hai cuộc tọa đàm với các địa phương và với các bộ ngành trung ương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đều giải thích bản chất của quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập là tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động tốt hơn và đáp ứng những yêu cầu của ngành, của xã hội hiệu quả hơn bằng các giải pháp KH&CN. Đây chính là mục tiêu của đợt quy hoạch này. “Chúng ta sắp xếp, quy hoạch không phải vì chúng ta đặt mục tiêu là giảm số lượng tổ chức mà ở đây bản chất của nó là tinh gọn và hiệu quả trong bộ máy để các lực lượng KH&CN ở các ngành sau này có đủ năng lực, điều kiện để làm việc và đáp ứng tốt nhất hoạt động ở ngành và lĩnh vực”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Do đó, dù là tổ chức KH&CN công lập thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thì vẫn sẽ được các cơ quan quản lý tạo điều kiện hoạt động tốt. “Nếu là các tổ chức nghiên cứu cơ bản, định hướng chính sách, xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật cho bộ, ngành thì nguồn lực dành cho tổ chức ấy về cơ bản là từ nhà nước. Nhà nước phải đầu tư từ chi thường xuyên cho đến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức này”, ông nói và phân tích lý do vì sao nhà nước vẫn rót nguồn lực đầu tư vào đây: “Ở các viện như vậy, sản phẩm làm ra không tới thị trường được và đây cũng không phải mục tiêu hoạt động của họ. Ngược lại, kết quả nghiên cứu của họ chính là nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước làm căn cứ xây dựng chính sách, tư vấn… hoặc tạo tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng sau này có thể phát triển thêm”.
Với các viện nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng KH&CN và có khả năng thương mại hóa sản phẩm, việc hoạt động theo cơ chế tự chủ được chú trọng hơn. Tuy vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đặt yêu cầu này cho họ theo lộ trình. “Trong quá trình hoạt động, một số tổ chức có rất nhiều sản phẩm từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN mà sau này có thể triển khai thương mại hóa và hình thành được sản phẩm có thể đưa ra thị trường để có nguồn thu. Lúc đó, chúng ta mới yêu cầu các tổ chức này tự chủ với mức độ tự chủ tăng dần, ví dụ như tự chủ toàn phần, một phần chi thường xuyên và chi đầu tư như cách sắp xếp hiện nay”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng giải thích.
Phân tích trường hợp điển hình đã triển khai theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Viện KH&CN Giao thông vận tải, ông cho rằng, các cơ quan quản lý sẽ không căn cứ vào mức độ này để xác định viện tồn tại hay không bởi “sự tồn tại là để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu đưa những ứng dụng KH&CN mới của ngành GTVT chứ không phải là căn cứ vào mức độ tự chủ, kể cả đến mức tự chủ về chi đầu tư và chi thường xuyên. Thậm chí ngay cả tự chủ chi thường xuyên thì viện vẫn có thể nhận được chi đầu tư của nhà nước, tăng cường năng lực để viện có thể đáp ứng yêu cầu của phát triển của ngành. Nếu Bộ GTVT không còn có viện nào như vậy để giúp việc cho mình thì Bộ sẽ phải thành lập thành một viện khác để giúp cho ngành GTVT”.
Do việc nghiên cứu và phát triển được một sản phẩm đòi hỏi rất nhiều thời gian và đầu tư nhiều kinh phí nên ông gợi ý các tổ chức KH&CN ứng dụng “cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, giải quyết các bài toán kinh tế xã hội để tăng cường mức độ tự chủ trong định hướng phát triển và cơ chế tài chính.
Cách làm này đã được một số viện nghiên cứu áp dụng, đặc biệt trong nhiều trường đại học. “Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, chúng tôi có một số tổ chức KH&CN chuyển sang hình thức doanh nghiệp hay hợp tác với doanh nghiệp. Hiện một số doanh nghiệp muốn đầu tư vào phòng thí nghiệm của trường hoặc lập phòng thí nghiệm chung”, PGS. TS Lâm Quang Vinh chia sẻ. Tuy nhiên việc thành lập các công ty startup, spinoff để thương mại hóa kết quả nghiên cứu lại đang gặp phải một số vướng mắc bởi việc thành lập một đơn vị như vậy trong trường đại học hết sức phức tạp, “có liên quan nhiều đến các văn bản pháp quy của các cơ quan liên bộ”, PGS. TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên nói. “Nếu chiểu theo quy định hiện hành thì nguồn lực từ nghiên cứu ra thực tế, chuyển giao cho xã hội phải đi vòng rất phức tạp, kém hiệu quả hơn rất nhiều”.
Trước những vướng mắc mới nảy sinh này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, sẽ cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) làm việc trực tiếp với ĐH Thái Nguyên để cùng trao đổi về việc hình thành doanh nghiệp KH&CN tại trường. “Trước mắt theo tôi, có thể đăng ký doanh nghiệp KH&CN với sở KH&CN địa phương nhưng nếu vấn đề lớn và phức tạp mà sở KH&CN địa phương không có khả năng xem xét thì các anh có thể đề xuất đăng ký tại Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN để tìm giải pháp”, ông nói.
Mục tiêu của đợt quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập là tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động tốt hơn và đáp ứng những yêu cầu của ngành, của xã hội hiệu quả hơn bằng các giải pháp KH&CN. Thứ trưởng Trần Văn Tùng |
Theo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, trong số 314 tổ chức thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có 175 tổ chức đã được phân loại và phê duyệt phương án tự chủ, trong đó 3 tổ chức tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư,18 tổ chức tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; 103 tổ chức bảo đảm một phần chi thường xuyên; 51 tổ chức do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Đối với 146 tổ chức KH&CN công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh, có 121 tổ chức đã được phê duyệt phương án tự chủ, trong đó 2 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 30 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên; 66 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 23 tổ chức do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên”. (Theo Báo cáo thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập và phát triển các doanh nghiệp KH&CN giai đoạn 2011 – 2020) |
Theo KH&PT