Quy hoạch chắp vá vì vướng dự án ‘treo’

Đây là thực trạng kéo dài nhiều năm qua tại TPHCM. Các ‘siêu dự án’ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vẫn còn dang dở sau gần 30 năm quy hoạch là một trong những ‘lát cắt’ điển hình của câu chuyện quy hoạch chung TPHCM, tầm nhìn đến 2050.

Khi quy hoạch bị bế tắc

Cuối quý I/2023, UBND TPHCM đã thống nhất thu hồi dự án khu “đất vàng” Mả Lạng tại trung tâm quận 1 sau 23 năm quy hoạch treo. Khu Mả Lạng (còn gọi là Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh) bao quanh bởi 4 mặt tiền đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Trần Đình Xu và Nguyễn Cư Trinh. Cùng với chủ trương giải tỏa khoảng 6,8ha tại khu Mả Lạng, TPHCM giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng đến năm 2007 phải chuyển lại cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Dù vậy, quá trình giải tỏa, di dời hàng nghìn căn nhà xuống cấp, xập xệ, việc bố trí quỹ đất tái định cư bị khó khăn (bắt đầu từ năm 2018) khiến cho quy hoạch di dời của TPHCM bị bế tắc và “treo” cho đến thời điểm được quyết định xóa quy hoạch vào cuối quý I năm nay.

Tại “siêu dự án” Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP Thủ Đức sau gần 30 năm quy hoạch treo hiện mới chỉ hình thành được một số hạ tầng khu đô thị; khu tái định cư Bình Khánh và một số cầu giao thông kết nối với quận 1 và quận Bình Thạnh. Đến nay việc giải quyết tố cáo, khiếu nại của người dân Thủ Thiêm liên quan đến bồi thường, tái định cư vẫn còn vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm. Phần lớn quỹ đất tại Khu đô thị này cho đến nay vẫn để hoang hóa, cỏ mọc um tùm.

Liên quan “siêu dự án” Thủ Thiêm, vụ cả 4 tập đoàn bất động sản lớn đều bỏ cọc trúng đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị với số tiền 37.346 tỷ đồng, diện tích hơn 30.014m2 khiến TPHCM chịu thiệt hại về nhiều phương diện. Để tái khởi động, từ tháng 7/2023 Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có văn bản gửi UBND thành phố đề xuất kế hoạch tổ chức đấu giá hàng chục lô đất và 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong số này, có 4 lô đất nghìn tỷ đã bị bỏ cọc vào năm 2021. Tương tự, Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, có sông Sài Gòn bao quanh nhưng do quy hoạch treo kéo dài 3 thập kỷ (dự án được phê duyệt vào năm 1992, tổng diện tích khoảng 426,93ha) khiến cuộc sống của khoảng 4.000 hộ dân nơi đây khó khăn.

Mục tiêu hướng đến phát triển bền vững

Tại Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia giữa kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 do UBND thành phố tổ chức ngày 25/11, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đã đặt ra rất nhiều nội dung nhưng cần phải nhấn mạnh vào phát triển bền vững, làm sao ít tác động đến môi trường và di sản văn hóa đô thị. Ông Sơn đề xuất 6 chiến lược cho TPHCM phát triển. Trong đó, quan trọng nhất cần phát triển được hệ thống đô thị đa trung tâm với các mục tiêu bền vững, sát với thực tế. Kế đến, phát triển kinh tế biển với logistics liên kết vùng và quy hoạch khu đô thị TOD theo tư duy kinh tế thị trường. Mục tiêu của quy hoạch phải kết nối được khu trung tâm với các đô thị ven sông Sài Gòn và bảo tồn trọn vẹn di sản hơn 300 năm và khu trung tâm lịch sử của thành phố.

Trong khi đó, KTS Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý, quy hoạch chung TPHCM cần chú ý đến vấn đề văn hóa đô thị. Bởi vì, dù là thành phố lớn nhất nước, nơi hội nhập kinh tế xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước nhưng TPHCM phải quy hoạch làm sao có đặc trưng riêng và chuẩn bị một kế hoạch cụ thể để thực hiện. Theo ông Lưu, việc quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn nếu quy hoạch không đi theo hướng mục tiêu mong muốn, đi nửa đường sẽ khiến phá vỡ cả quy hoạch.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM sẽ được áp dụng cho nội dung quy hoạch chung của thành phố. Ông Mãi cho rằng, quy hoạch sẽ thể hiện rõ nét đặc trưng, thể hiện rõ vai trò vị trí của TPHCM trong vùng Đông Nam bộ và với cả nước. Quy hoạch chung TPHCM sẽ kiến tạo những không gian mới, những động lực mới về cơ chế, chính sách sát sườn với thực tiễn phát triển của thành phố.

Lê Anh – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Một khu vực dân cư nhà “siêu xuyệt” tại huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) do bất cập trong công tác quy hoạch. Ảnh: Hồng Phúc.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://daidoanket.vn/quy-hoach-chap-va-vi-vuong-du-an-treo-10267587.html