Quy hoạch bãi xe thành cao ốc vì lợi ích của ai?

Những vị trí bãi xe ở đất ‘vàng’ được vẽ ra phục vụ nhu cầu của người dân dần biến thành chung cư, trung tâm thương mại.

Sau gần 20 năm, quy hoạch bãi đỗ xe của Hà Nội liên tục bị điều chỉnh, những vị trí đất “vàng” được vẽ ra phục vụ nhu cầu của người dân dần biến thành chung cư, trung tâm thương mại.

Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

Năm 2003, UBND TP Hà Nội phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020”. Quy hoạch do Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng) lập dựa trên Quyết định 108 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, cùng kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và các đơn vị chuyên môn uy tín.

Theo quy hoạch này, diện tích dành cho việc xây dựng điểm đỗ và bãi đỗ xe công cộng phải đạt 2,0 – 3,5% đất xây dựng đô thị; đối với chung cư cao tầng là 4,0 – 5,0% diện tích đất xây dựng đô thị.

Quy hoạch được kỳ vọng giải quyết tối đa nhu cầu điểm đỗ xe, các vị trí được quy hoạch điểm đỗ đều tọa lạc tại những vị trí rất thuận lợi cho việc di chuyển của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch tới nay lại không đúng tiêu chí ban đầu.

Cụ thể, tìm hiểu của PV, Bến xe Gia Thụy được quy hoạch thành điểm đỗ xe hiện đại với quy mô rộng hơn 6ha.

Tuy nhiên, sau khi diện tích trên được giao về cho UBND quận Long Biên quản lý, quy hoạch được điều chỉnh thành Trung tâm thương mại Savico MegaMall gồm 2 tòa nhà cao 3 tầng. Khu đất “vàng” 1.400m2 tại góc phố Hai Bà Trưng – Hàng Bài, dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi để thay thế các điểm đỗ trên hè phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu… được điều chỉnh xây dựng thành tòa nhà chung cư, văn phòng cao cấp, nay lại trở thành một khách sạn cao cấp.

Tương tự, năm 2005, UBND TP Hà Nội cũng có quyết định chuyển đổi toàn bộ khu đất rộng hơn gần 2ha tại bến xe tải Sang Nạm (quận Hoàng Mai) để thực hiện dự án bãi đỗ xe Kim Ngưu. Tuy nhiên, địa điểm này hiện đang là đại lý buôn bán sắt thép và trạm trung chuyển hàng nông sản của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội vừa công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch Phân khu H2-3, chuyển một khu đất từ chức năng bãi đỗ xe sang chức năng khác để xây trung tâm thương mại Aeon Mall ở phường Đại Kim và phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai).

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011, khu đất lập điều chỉnh cục bộ tại một phần ô đất thuộc phân khu H2-3 và được xác định chức năng là đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật (có xác định bãi đỗ xe).

Hiện UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, Công ty CP Xuân Nam Việt, Công ty TNHH Cơ khí chế tạo và Dịch vụ tổng hợp 27/7 thực hiện đề xuất xây dựng dự án Bãi đỗ xe, trung tâm thương mại Aeon Mall Giáp Bát Hoàng Mai.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 280,7 triệu USD, vị trí xây dựng dự án nằm tại Lô 6A.KT – Phân khu H2-3, quận Hoàng Mai, phía sau ga Giáp Bát hiện nay, diện tích 6,1ha.

Sau khi chấp thuận việc điều chỉnh, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, trung tâm thương mại phải có cả chủ trương đầu tư bãi đỗ xe, đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng, dự án đề xuất xây bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại Aeon mall có mục tiêu đầu tư, xây dựng bãi đỗ xe và cung cấp dịch vụ trông giữ phương tiện đường bộ. “Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội phối hợp để rà soát mục tiêu đề xuất khi thực hiện”, ông Nam nói.

Có lợi ích nhóm hay không?

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy), chưa kể lượng xe ngoại tỉnh ra, vào thành phố hàng ngày.

Tốc độ tăng số lượng ô tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy là khoảng 6,7%/năm, song hệ thống giao thông tĩnh (bãi, điểm đỗ xe công cộng) mới đáp ứng được 8 – 10% nhu cầu đỗ xe. Tình trạng thiếu điểm đỗ xe hiện phổ biến ở trong khu vực từ đường Vành đai 3 trở vào nội đô.

Rất nhiều tòa nhà xây dựng “đúng quy trình” nhờ “bàn tay” của người điều chỉnh quy hoạch. Đây là lý do các điểm đỗ xe luôn thiếu trầm trọng và hệ lụy bãi xe không phép, xe đỗ tùy tiện trên đường gây lộn xộn, ùn tắc.
KTS. Trần Huy Ánh

Việc thiếu trầm trọng điểm đỗ khiến tình trạng phương tiện dừng đỗ vô tội vạ dưới lòng đường, vỉa hè, gây ùn tắc nghiêm trọng. Cùng đó, tình trạng các điểm đỗ không phép mọc lên như nấm.

KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư VN) cho rằng, Hà Nội đã từng có nhiều quy hoạch dài hạn.

Điển hình như năm 2003, thành phố đã có quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020. Song hầu hết các điểm đỗ xe trên giấy ấy, giờ đã là cao ốc, nhà hàng, khách sạn.

Cũng theo ông Ánh, với những điều chỉnh quy hoạch như thời gian qua, dư luận có quyền đặt vấn đề: Liệu có lợi ích nhóm hay không? Bởi kể cả việc xây bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại cũng chỉ chủ yếu phục vụ khách hàng mua sắm.

Cần truy trách nhiệm các cơ quan điều chỉnh quy hoạch, không thể để đất của nhà nước thành “miếng bánh ngon” cho doanh nghiệp, trong khi người dân không được hưởng những lợi ích chính đáng từ quy hoạch trước đó.

PGS TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học GTVT cũng cho biết, không bất ngờ trước việc điều chỉnh quy hoạch bãi đỗ xe trở thành trung tâm thương mại. Bởi trước đó, hàng loạt các quy hoạch khác giành cho giao thông tĩnh cũng được Hà Nội lần lượt điều chỉnh.

“Cần làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch này vì lợi ích của ai? Việc thiếu trầm trọng bãi đỗ xe ai sẽ chịu trách nhiệm? Cơ quan chức năng cần trả lời thấu đáo cho người dân”, bà Thủy nói.

Lê Tươi – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Khu đất 6,1ha nằm phía sau ga Giáp Bát, quận Hoàng Mai hiện đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho các doanh nghiệp thực hiện đề xuất xây dựng dự án Bãi đỗ xe, trung tâm thương mại

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/quy-hoach-bai-xe-thanh-cao-oc-vi-loi-ich-cua-ai-d501809.html