Cùng với tiến trình phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, việc hoàn thiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bảo vệ môi trường là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều (giảm 04 (bốn) chương, tăng 1(một) Điều so với luật Bảo vệ môi trường năm 2014) Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; riêng tại Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Về cơ bản Luật đã kế thừa phát huy các yếu tố tích cực trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua (BVMT), bổ sung các nội dung mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế và bất cập về BVMT của các quy định trước đây.
Luật BVMT năm 2020 đã đưa các quy định về bảo vệ của các thành phần môi trường trước tiên, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.
Luật cũng đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều quy định mới nhằm cải cách mạnh mẽ các khâu trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay, từ phân loại tại nguồn thải, lưu giữ, chuyển giao đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường sống. Bài viết đi sâu phân tích những quy định mới đó.
Những quy định pháp luật đầu tiên về quản lý CTRSH được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 1993. Tuy nhiên, đến Luật BVMT năm 2020 mới quy định riêng một mục về quản lý CTRSH trong Chương VI (quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác). Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV ngày 17/11/2020, gồm 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Theo đó, một số điểm mới về quản lý CTRSH (CTRSH) đã được quy định cụ thể :
Quy định đối với chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt
Tại điều 75 Luật BVMT năm 2020 quy định, về trách nhiệm của những chủ nguồn thải CTRSH (được hiểu là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải(1).
Cụ thể, các chủ nguồn thải CTRSH phải có trách nhiệm giảm thiểu và phân loại CTRSH ngay từ nguồn thải. Ngoài ra, việc phân loại CTRSH cũng là một trách nhiệm mà chủ nguồn thải CTRSH cần phải thực hiện một cách nghiêm túc vì nếu đã thực hiện tốt việc phân loại chúng thì sẽ dễ dàng hơn đối với các khâu tiếp theo trong quy trình quản lý CTRSH.
Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý CTRSH như hộ gia đình, cá nhân. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.
Sau khi thực hiện phân loại theo quy định, các chủ nguồn thải ở đô thị có trách nhiệm lưu giữ CTRSH vào các bao bì để chuyển giao như sau: i) chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; ii) chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Các chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ CTRSH phù hợp với các loại chất thải theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ các hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH.
Việc phân loại, lưu giữ và chuyển giao CTRSH hiện nay thực sự là một thách thức không nhỏ tại các khu đô thị cũng như nông thôn vì điều kiện kinh tế – xã hội của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng cho việc xây dựng đầy đủ các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt hay phân loại chất thải trước khi xử lý.
Các văn bản luật và dưới luật trước đây cũng chưa đề cập hết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc phân loại, lưu giữ và chuyển giao CTRSH đơn cử như việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh, tái chế chất thải… Do đó Luật BVMT năm 2020 đã khắc phục cơ bản các tồn tại trước đây và giúp cho việc thực hiện công tác quản lý CTRSH được hiệu quả hơn.
Các quy định trên đây thể hiện rất rõ sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta đối với công tác quản lý CTRSH, ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý CTRSH, từ phát sinh, phân loại, thu gom đến khâu vận chuyển, xử lý đều quy định rất rõ ràng, cụ thể…
Chủ nguồn thải CTRSH phải ký hợp đồng với các chủ chuyên thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nếu chủ nguồn thải CTRSH không có đầy đủ điều kiện để thực hiện các công việc này và chủ nguồn thải CTRSH chỉ được ký hợp đồng với các chủ thể đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động(2).
Quy định đối với chủ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn
Chủ thu gom, vận chuyển CTRSH là các cơ sở được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển CTRSH được Luật BVMT năm 2020 quy định tại khoản 2,3,4 Điều 77. Theo đó, chủ thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật BVMT 2020. Bên cạnh đó, chủ thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với các chủ thể khác có liên quan như ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH và công bố rộng rãi.
Thu gom, vận chuyển CTRSH đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; bố trí phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại các trạm trung chuyển để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc chuyển giao cùng với CTRSH cho đơn vị xử lý. Không để rơi vãi CTRSH, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển. Có trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động an toàn cho công nhân thu gom, vận chuyển CTRSH.
Về xử lý CTRSH, khoản 4 Điều 78 Luật BVMT năm 2020 đã phần nào giải quyết được vấn đề trên khi quy định CTRSH phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hạn chế xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.
Tại điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ sở xử lý CTRSH như sau: i) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; ii) Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định đối với chất thải nguy hại từ CTRSH hoặc phát sinh từ cơ sở xử lý CTRSH, phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; iii) Vận hành cơ sở xử lý CTRSH đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bảo đảm xử lý hết lượng CTRSH tiếp nhận theo hợp đồng đã ký kết. Cơ sở xử lý CTRSH được thanh toán đúng và đủ giá dịch vụ xử lý CTRSH theo hợp đồng đã ký kết.
Nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc thực hiện xử lý CTRSH. Đặc biệt là về vấn đề phát hiện và xử lý kịp thời các điểm ô nhiễm tồn lưu trong phạm vi cả nước. Pháp luật có quy định trường hợp phát hiện ra các vị trí ô nhiễm tồn lưu tại địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền của mình; nếu vượt quá khả năng giải quyết của địa phương thì báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trung ương và các cơ quan chức năng có liên quan để phối hợp giải quyết.
Quy định về các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn
Trong những năm qua, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, tính chất và thành phần phức tạp, trong đó thành phần chất thải nhựa cao. Trong giai đoạn 2016-2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm.
Năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh, thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 30.807 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 20.778 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải nhựa khoảng 10-12%.
Theo Khoản 1 Điều 76 Luật BVMT năm 2020 quy định điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại CTRSH đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.
Điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH hiện nay là một vấn đề rất nan giải tại các khu đô thị, các thành phố lớn và để thực hiện đầy đủ quy định là một quá trình thực sự khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau như quỹ đất hạn hẹp, ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao do không muốn có các trạm trung chuyển chất thải tại khu vực mình sinh sống, vấn đề công nghệ xử lý mùi hôi, ô nhiễm không khí, ách tắc giao thông… Dễ dàng nhận thấy, các điểm tập kết và trạm trung chuyển trong các đô thị hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu là do vấn đề vướng mắc về quỹ đất và bố trí mặt bằng có giao thông thuận tiện.
Luật BVMT năm 2020 đã giải quyết được một trong những vấn đề bất cập nhất hay gọi là “nút thắt” gây khó khăn trong quá trình thực hiện giải quyết vấn đề quản lý chất thải nói chung, đó là việc quy định rõ ủy ban nhân dân các cấp phải có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật BVMT, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định điểm tập kết CTRSH được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và khoảng cách an toàn môi trường thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điểm tập kết phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết CTRSH phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ CTRSH của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng đó; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể bố trí điểm tập kết theo quy định hoặc có thể lưu chứa trong thiết bị lưu chứa CTRSH.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để xác định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận CTRSH tại điểm tập kết phù hợp; bảo đảm an toàn giao thông; hạn chế tối đa hoạt động vào giờ cao điểm. Trạm trung chuyển CTRSH thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan; trạm trung chuyển cố định đầu tư mới tại các khu vực nội thành đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt phải sử dụng công nghệ tự động, hiện đại và phù hợp với điều kiện từng địa phương; khuyến khích sử dụng công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình tại đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất nhưng phải có thiết kế bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường.
Quy định về xử lý vi phạm pháp luật quản lý chất thải rắn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Luật BVMT năm 2020, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Vi phạm hành chính và tội phạm môi trường có những điểm rất giống nhau thể hiện ở chỗ chúng đều là những vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; là biểu hiện tiêu cực cần phải loại trừ.
Điều đáng lưu ý hơn nữa là vi phạm hành chính và tội phạm rất gần nhau, trong nhiều trường hợp giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự chỉ là một ranh giới mỏng manh mà vượt qua nó là vi phạm hành chính có thể chuyển hóa thành tội phạm hình sự trong những điều kiện nhất định. Những điều kiện đó có thể là: tái phạm, vi phạm nhiều lần hoặc có tính chất chuyên nghiệp, vi phạm với số lượng lớn, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng…
Không phải tất cả các hành vi vi phạm hành chính đều có thể chuyển hóa thành tội phạm môi trường(1). Như vậy, các biện pháp cưỡng chế là không thể thiếu được khi tiến hành xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH.
Do đó pháp luật cũng đã quy định các chế tài xử lý vi phạm pháp luật quản lý CTRSH đối với các mức vi phạm khác nhau. Có thể đề cập 03 biện pháp xử lý vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này như sau: chế tài hình sự; chế tài hành chính và biện pháp dân sự. Cụ thể như sau:
Xử lý vi phạm pháp luật hình sự là biện pháp pháp lý nghiêm khắc nhất do tòa án áp dụng đối với những chủ thể có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Việc xử lý vi phạm pháp luật hình sự đối với các tội phạm về môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng hiện nay được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây là bước tiến đột phá, quan trọng của pháp luật hình sự nước ta, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những chủ thể này khi thực hiện những hoạt động có dấu hiệu tội phạm môi trường.
Xử lý vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt bao gồm hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung tùy từng loại vi phạm.
Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý CTRSH được quy định chủ yếu trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường. Người dân rất quan tâm đến chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định không phân loại CTRSH từ đầu nguồn, với mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng hay hành vi không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định. Theo khoản 7 Điều 79 Luật BVMT năm 2020, quy định việc phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Tùy tính chất , mức độ vi phạm, các chủ thể có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền (với mức phạt tiền tối đa là 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức) và các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy chứng nhận đạt quy chuẩn môi trường có thời hạn; buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc áp dụng biện pháp pháp lý mang tính tài sản đối với người vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH. Đây là loại trách nhiệm nhằm bù đắp những thiệt hại đối môi trường, với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Biện pháp xử lý này do tòa án hoặc các chủ thể khác được phép áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý CTRSH được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản có liên quan.
Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường tại nước ta.
Để bảo đảm thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 có hiệu quả, thời gian tới, chúng ta phải tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy định của luật.
Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến luật đến các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có sự quyết tâm của các cơ quan quản lý, có sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của người dân, doanh nghiệp./.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh họa