Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước các loại. Phần lớn các hồ chứa đã xây dựng từ lâu, các tiêu chuẩn thiết kế, tần suất phòng, xả lũ còn thấp và thường xảy ra các hiện tượng làm mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2020, khả năng xuất hiện khoảng 11 – 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 – 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều vào những tháng cuối năm, trong đó khu vực Quảng Trị chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp 2 – 3 cơn.
Để đối phó với tình hình thiên tai năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo cho các sở, ban ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trước mùa mưa lũ. Yêu cầu cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp và bố trí các điều kiện cần thiết để thực hiện phương án nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống mưa, lũ đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập.
Rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ của vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để ngăn chặn, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đôn đốc, kiểm tra các công trình do địa phương, đơn vị làm chủ đầu tư đang thi công xây dựng nhằm đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để ngăn chặn, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; điều tra, nắm rõ các nguồn thải vào công trình thủy lợi, kiên quyết ngăn chặn, báo cáo cấp có thẩm quyền xử phạt việc xả nước thải trái phép vào công trình thủy lợi.
Cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ khắc phục khẩn cấp sự cố, mất an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; kinh phí thực hiện các quy định khác của pháp luật về thủy lợi trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đơn vị. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi đang thi công và chỉ đạo nhà thầu đảm bảo tiến độ an toàn vượt lũ, chống lũ…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, việc triển khai kịp thời và đồng bộ về những giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trước mùa mưa, lũ là hết sức quan trọng. Về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược đối với đập, hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan đề xuất lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, lắp đặt hoàn thiện thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước. Lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập. Xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu, hồ chứa nước; cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; lập quy trình vận hành cửa van… Trước mùa mưa lũ 2020 phải cấp thiết sửa chữa và nâng cấp các công trình đập, hồ chứa thiết yếu đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng…
Theo Xây Dựng
Ảnh: Đập tràn xả lũ hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị.
Xem bài viết gốc tại đây: