Quảng Ninh: Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp

Việc thiếu vật liệu san lấp là nguyên nhân làm chậm tiến độ đối với nhiều dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, việc thiếu vật liệu san lấp là nguyên nhân làm chậm tiến độ đối với nhiều dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh là một trong 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của tỉnh Quảng Ninh, được khởi công tháng 10/2021 trên diện tích 82,79ha tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng.

Quy mô dự án gồm bến cầu chính dài 500m, có thể đón đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; 3 cầu dẫn và khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container.

Dự án do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024, khi đó góp phần đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế, nhất là giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa khu vực ASEAN với Đông Bắc Á.

Tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thiếu nguồn vật liệu san lấp đang ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Theo chủ đầu tư, đến cuối tháng 5, công việc nạo vét khu nước trước bến, bơm cát vào ống địa kỹ thuật của đê bao quanh dự án đạt hơn 60%; nạo vét san lấp nền bãi dự án đạt hơn 40% khối lượng.

Theo tính toán, nguồn vật liệu san lấp mặt bằng cảng và đường ra cảng khoảng từ 2,2 đến 2,3 triệu m3, nhưng đến nay mới có hơn 700 nghìn m3. Để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư đang khẩn trương làm việc với các đơn vị mỏ đã được cấp phép để có nguồn vật liệu san lấp.

Dù chủ đầu tư đã ký hợp đồng nguyên tắc với các chủ mỏ, nhưng hiện tại các mỏ vẫn chưa đủ các điều kiện để cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Chủ đầu tư đã phối hợp với các chủ mỏ tiếp tục kiến nghị với các ban, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý cần thiết cho các mỏ xung quanh khu vực dự án đảm bảo các điều kiện để cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho dự án.

Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy cho biết: để gỡ nút thắt này đều phụ thuộc vào việc tiến độ của các bộ, ngành chuyên môn trong việc phê duyệt, hoàn tất các thủ tục khai thác các mỏ làm vật liệu san lấp phục vụ dự án.

Kiểm tra tiến độ thực tế vào ngày 10/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang đã yêu cầu các cục, vụ trực thuộc Bộ hỗ trợ chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án; hướng dẫn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Doanh nhân cựu chiến binh 6-12 Vân Đồn hoàn thành thủ tục nạo vét luồng tuyến mức -7 để phục vụ san lấp cho dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hoàn thiện thủ tục liên quan đến mỏ đất tại thôn 5 (xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái) để phục vụ thi công đường kết nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến Bến cảng Vạn Ninh, nhằm đảm bảo dự án hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý IV/2024.

Tương tự, một loạt các công trình, dự án động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, liên kết, nội vùng, kiến tạo nên không gian và hành lang phát triển mới theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh cũng chậm tiến độ thi công có thể bị kéo dài cả năm so với kế hoạch vì nguyên nhân thiếu nguyên vật liệu san lấp.

Đó là loạt dự án: Dự án xây dựng nút giao Km6+700 đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng thuộc dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1; dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50 đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng) và dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1)

Các dự án đều gặp khó khăn về nguồn đất đắp, đặc biệt lại là các dự án, công trình này đều nằm ở những vùng yếu, địa hình phức tạp nên càng khó khăn hơn trong quá trình thi công. Đây là nút thắt lớn nhất hiện nay, gây chậm triển khai, không đảm bảo tiến độ yêu cầu và tỷ lệ giải ngân thấp.

Tại buổi đi kiểm tra thực hiện tiến độ tại các dự án trên vào ngày 27/5, vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương khẩn trương tập trung tháo gỡ những nút thắt trên tinh thần ưu tiên tối đa nguồn đất san lấp cho các công trình, dự án này. Các chủ đầu tư phải lập biểu đồ thi công để xác định các hạng mục, nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; đồng thời giám sát chặt chẽ, vừa đảm bảo về khối lượng, về tiến độ, đặc biệt đảm bảo về chất lượng công trình, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và thiết kế kỹ thuật.

Tại cuộc họp về đánh giá kết quả công tác thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn mới đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục cấp phép các mỏ đất đảm bảo đất phục vụ thi công các công trình dự án.

Tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh là 14.233 tỷ đồng; trong đó đã phân khai chi tiết được 13.954 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 5/2023, tỷ lệ giải ngân của tỉnh mới đạt khoảng đạt 15,2% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (là 18,4%), chưa đạt như kỳ vọng đề ra, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Văn Đức/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Hiện Quảng Ninh lên phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm nguồn vật liệu san lấp mặt bằng. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/quang-ninh-nhieu-du-an-trong-diem-cham-tien-do-do-thieu-vat-lieu-san-lap/293229.html