(Phapluatmoitruong.vn) – Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi lại khan hiếm cát xây dựng, giá cát liên tục tăng cao, nhiều nhà thầu thi công công trình gặp khó khăn.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh chỉ còn 3 mỏ cát đang hoạt động. 2 mỏ nằm ở huyện Trà Bồng, gồm mỏ thôn Bình Thanh, xã Trà Bình, có diện tích khoảng 3,4 ha, trữ lượng 56.700 m3, công suất khai thác 28.000 m3/năm và mỏ cát thị trấn Trà Xuân, diện tích gần 1,1 ha, trữ lượng hơn 6.100 m3 và mỏ cát Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, có diện tích gần 9 ha, trữ lượng hơn 176.200 m3, công suất khai thác 59.000m3/năm…
Từ năm 2022 đến quý I/2023, tỉnh đã tổ chức đấu giá 12 mỏ cát ở khu vực chưa có kết quả thăm dò, với trữ lượng dự báo gần 5 triệu m3, trong đó có 5 mỏ đấu giá trong năm 2022 và 07 mỏ đấu giá trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các mỏ đã trúng đấu giá vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để cấp phép khai thác.
Từ thực trạng nêu trên đã dẫn đến tình trạng cát trên địa bàn Quảng Ngãi khan hiếm, giá tăng cao và thị trường vẫn đang “nóng”, gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công các công trình khẩn cấp ở địa phương.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, đại diện Phòng khoáng sản – Tài nguyên nước (Sở TN&MT Quảng Ngãi) thông tin, hiện Sở đang lập thủ tục, trình thẩm định, phê duyệt để đưa các mỏ vào khai thác. Nếu doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ thì thời gian thẩm định, cấp phép sẽ được rút ngắn từ 90 ngày còn 30 ngày. Trong tháng 4/2023, sẽ đưa 4 mỏ cát vào khai thác, kịp thời cung cấp cát cho thị trường, nhất là phục vụ xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, đến hết tháng 5/2023, Sở TN&MT sẽ trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép khai thác thêm 4 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có mỏ cát lớn nhất từ trước đến nay là mỏ cát Tịnh An – Nghĩa Dũng (Tp. Quảng Ngãi), với trữ lượng 3,5 triệu mét khối.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết: “Trong vòng 6 tháng sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp phải đưa vào khai thác mỏ cát. Doanh nghiệp phải cam kết, nếu quá trình khai thác để xảy ra sạt lở thì phải dừng khai thác vô điều kiện; hoàn trả nguyên trạng đường sá nếu mượn đường dân sinh để phục vụ khai thác, vận chuyển cát. Việc vận chuyển cát phải đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường; không được khai thác cát vào ban đêm. Tại nơi khai thác phải gắn camera, khi bán ra thị trường phải niêm yết công khai giá theo quy định”.
Một công ty khai thác cát lậu trên sông Trà Câu, TX. Đức Phổ.
Trước mắt, để ổn định thị trường cát đang nóng, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương làm việc với các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh và các địa phương để nắm chắc tình hình về nhu cầu cát xây dựng ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới, báo cáo cho UBND tỉnh để có chỉ đạo và giải pháp điều hành phù hợp với thực tiễn.
Sở TN&MT chủ động đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và rút ngắn quy trình thẩm định, phê duyệt theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và cấp phép khai thác nhằm sớm đưa các mỏ cát đã trúng đấu giá vào hoạt động khai thác, phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân và các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cơ quan chức năng tổ chức thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác theo quy định.
Minh Trí
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Một DN đang khai thác cát ở Quảng Ngãi.