(Phapluatmoitruong.vn) – Chiều 1/7, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tham vấn về “Vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa – sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động dự án Nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê, TX. Đức Phổ”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh: “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh luôn được lãnh đạo tỉnh ưu tiên hàng đầu. Hội nghị lần này nhằm đánh giá những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của Văn hóa Sa Huỳnh, vai trò của đầm An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa – sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ. Qua đó, tạo cơ sở dữ liệu khoa học và điều kiện cần thiết xây dựng hồ sơ quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh…”.
“UBND tỉnh mong muốn được nghe những ý kiến đánh giá khách quan về sự ảnh hưởng của dự án điện mặt trời trên đầm An Khê đến định hướng bảo tồn không gian di sản Văn hóa Sa Huỳnh và phát triển dịch vụ, du lịch tại đầm An Khê và vùng phụ cận. Từ đó, đề xuất các giải pháp phát huy giá trị di sản Văn hóa Sa Huỳnh từ các yếu tố lịch sử – văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững trong không gian di sản Văn hóa Sa Huỳnh đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương” – Phó Chủ tịch tỉnh đặt vấn đề.
Hội nghị đã nghe hơn 10 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhiều bài tham luận đã làm sáng tỏ những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của Văn Hóa Sa Huỳnh và vai trò quan trọng của đầm An Khê.
Tại Hội nghị, PGS.TS Bùi Văn Liêm – Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nhấn mạnh: “Việc đặt các di tích Văn hóa Sa Huỳnh trong một cảnh quan văn hóa rộng hơn, có sự gắn kết với đầm An Khê không chỉ giúp bảo tồn không gian văn hóa gắn liền với các cộng đồng cư dân từ thời tiền sơ sử đến nay, mà còn tăng giá trị của di sản Văn hóa Sa Huỳnh trong việc nâng cao nhận thức con người. Từ đó, mang lại lợi ích về kinh tế cho các cộng đồng địa phương trong quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản này”.
Còn PGS.TS Bùi Chí Hoàng – Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, cho rằng: “Quảng Ngãi cần xây dựng phức hợp đầm An Khê, làng Gò Cỏ, đồng muối và Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Nếu xây dựng và kết nối được các điểm du lịch này thì Quảng Ngãi sẽ có nền tảng phát triển du lịch rất tốt. Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt nếu không có đầm An Khê thì không thể nào được công nhận. Quảng Ngãi làm được điều này vì trách nhiệm của tỉnh rất lớn trong việc bảo tồn di sản quan trọng của nền văn hóa rực rỡ có quy mô và tầm vóc đặc biệt”.
Đầm An Khê.
“Về nguyên lý phát triển, hệ sinh thái đầm An Khê giống như một quả trứng. Quả trứng được bao bọc bởi lớp vỏ, bên trong là sự sống cần thoát ra để phát triển. Nếu phá vỡ vỏ trứng bởi nội lực từ bên trong, sự sống sẽ được bảo tồn và phát triển tốt ngay khi ra ngoài. Ngược lại, nếu sử dụng ngoại lực tác động để phá vỡ vỏ trứng, sự sống có thể bị tổn thương hoặc kết thúc. Do đó, đầm An Khê việc cần làm bây giờ là nâng cao năng lực cộng đồng để thực hiện quản lý hệ sinh thái mới thực sự cần thiết” – PGS.TS Võ Văn Minh nêu quan điểm.
Ngoài ra, Hội nghị cũng nghe nhiều ý kiến đánh giá, phân tích về tác động dự án điện mặt trời trên đầm An Khê qua các tham luận: Tác động dự án điện năng lượng mặt trời đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản đầm An Khê; Giá trị, vai trò của đầm nước ngọt An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa – sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ và ảnh hưởng của dự án điện mặt trời trên đầm An Khê đến di tích Văn hóa Sa Huỳnh; Định hướng phát triển kinh tế – xã hội, du lịch tại TX. Đức Phổ và vùng đầm An Khê.
Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh. Đây là nền văn hóa khảo cổ thời đại Kim khí, phân bố chủ yếu ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ và lan tỏa đến Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và hải đảo. Văn hóa này được đông đảo các học giả quốc tế và trong nước quan tâm nghiên cứu trong hơn một thế kỷ qua.
Thiên Bút
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị.