Quảng Ngãi: Đê bao sông Trà hư hỏng như thế nào sau 10 năm chợ đêm hoạt động?

Nhiều hoạt động xâm hại công trình đê bao như: Khoan giếng, lắp dựng hàng quán, làm nhà vệ sinh… ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý đê điều, có nguy cơ hư hỏng đê khi có lũ lớn về và làm ảnh hưởng tuổi thọ công trình.

Công trình đê bao TP Quảng Ngãi có chiều dài 3.188m (điểm đầu từ cầu đường sắt, điểm cuối giáp đường Bà Triệu), do UBND TP Quảng Ngãi trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ.

Qua thời gian kinh doanh, khai thác, chợ đêm sông Trà từ năm 2011 đến nay đã phát sinh một số một số hoạt động xâm hại đến công trình đê bao TP Quảng Ngãi như: Lắp dựng hàng quán, mái che bằng khung thép, tole, bạt PE và vật liệu khác, chân khung thép của hàng quán và mái che được cố định, neo vào bê tông cơ đê bằng bu lông hoặc chôn trực tiếp vào cơ đê; tôn cao mặt cơ đê bằng gạch, vữa xi măng hoặc bê tông có chiều dày từ 5cm đến 25cm…

Việc lắp đặt nhà vệ sinh, khoan giếng đã ảnh hưởng đến đê sông Trà (hình ảnh trước khi tháo dỡ chợ).

Đáng chú ý, theo thống kê, khu vực chợ đêm có 30 nhà vệ sinh nằm trong phạm vi bảo vệ đê (8 cái nằm trên cơ, mái đê; 22 cái nằm gần chân đê). Ngoài ra, còn có khoảng 30 giếng nước được khoan trong hành lang bảo vệ đê.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, các hoạt động nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý đê điều, có nguy cơ làm hư hỏng đê (cơ đê, mái đê) khi có lũ lớn về; các nhà vệ sinh ảnh hưởng đến mỹ quan công trình; chất thải từ các hàng quán làm mất vệ sinh và có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Để hoàn trả lại hiện trạng đê ban đầu (trước khi khai thác chợ đêm sông Trà) và đảm bảo công tác quản lý, khai thác đê điều, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo UBND TP Quảng Ngãi (cơ quan quản lý, khai thác và bảo vệ công trình) chủ trì, tổ chức tháo dỡ tất cả các hàng quán, công trình tạm trên đê và trong hành lang bảo vệ đê, đồng thời sửa chữa bồn hoa bị hư hỏng, trồng lại các cây xanh bị ảnh hưởng.

Hiện nay, chính quyền TP Quảng Ngãi đang khẩn trương vận động tiểu thương, tháo dỡ hàng quán để hoàn trả mặt bằng nguyên trạng của khu vực này trước 30/6. Sau khi tiểu thương hoàn trả mặt bằng sẽ tiến hành khắc phục các hư hỏng nêu trên.

Tiểu thương Chợ đêm sông Trà khẩn trương dọn dẹp, tháo dỡ hàng quán.

Ghi nhận thực tế vào sáng 9/6, ngoài số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi (thống kê trước khi tháo dỡ chợ), tại một số khu vực các hộ kinh doanh trả lại mặt bằng, xuất hiện nhiều vị trí trên đê bị hư hỏng, đập phá do quá trình tháo dỡ hàng quán.

Một khu vực thân đê bị tàn phá.

Trước đó, vào tháng 3/2021, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi quyết định dừng hoạt động của Chợ đêm sông Trà sau 10 năm hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền khẳng định: Việc thiếu cơ sở pháp lý là nguyên nhân lớn nhất buộc chợ dừng hoạt động. Đồng thời, mục đích ban đầu khi thành lập chợ đêm là quảng bá các sản phẩm, đặc sản của tỉnh không đạt được. Hình ảnh nhếch nhác của chợ cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của tỉnh.

Hà Phương – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Chân khung thép của các hàng quán neo vào cơ đê bằng bu lông hoặc chôn trực tiếp vào cơ đê.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://kinhtedothi.vn/de-bao-song-tra-hu-hong-nhu-the-nao-sau-10-nam-cho-dem-hoat-dong-422723.html