(Phapluatmoitruong.vn) – Vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đô thị, tuy nhiên tốc độ đô thị hóa trên địa bàn còn chậm và thiếu tính bền vững.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Quảng Ngãi mới đạt trên 27%, tỷ lệ hộ cư dân đô thị sử dụng nước sạch gần 90%, tỷ lệ cây xanh đô thị chỉ đạt 9m2/người, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom gần 80%. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được tỉnh ưu tiên bố trí vốn và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công…
Được biết, Tp. Quảng Ngãi là trung tâm đô thị loại II đang đầu tư phát triển hạ tầng với nhiều dự án, công trình lớn. Thành phố đã ưu tiên bố trí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng những dự án, công trình dân dụng, công nghiệp quan trọng trong năm 2022, đảm bảo nâng tầm đô thị theo hướng “phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Trước mắt, Thành phố tập trung đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương bắt qua sông Bàu Giang, tổng kinh phí dự toán khoảng 35 tỷ đồng. Đây là cây cầu nối giữa huyện Tư Nghĩa và Tp. Quảng Ngãi với không gian mở rộng đô thị loại II về hướng Đông Nam tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây đã và đang mọc lên những khu dân cư, khu đô thị như: Trường Chinh, Phú Mỹ, Nam Bàu Giang và một số công viên cây xanh.
Đặc biệt, Khu dân cư Phước Thạnh đã được nhà đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng đồng bộ, hiện đại như: Hệ thống thoát nước, xử lý môi trường tiên tiến, đường điện ngầm an toàn và hệ thống cây xanh, công viên đạt chuẩn đô thị loại II. Đây là khu đô thị thông minh đáng sống nằm ngay trung tâm Tp. Quảng Ngãi được kết nối Công viên cây xanh Thiên Bút, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, trường Đại học Phạm Văn Đồng, Siêu thị Big C Quảng Ngãi…
Công nhân môi trường Tp. Quảng Ngãi chuyển cây xanh trồng ở KDC mới Phước Thạnh.
Công trình cầu Bàu Giang 2 đang được thi công.
Bên cạnh việc đầu tư cầu Bàu Giang, Tp. Quảng Ngãi cũng đã mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nội thị và đầu tư mới tuyến đường huyết mạch Nguyễn Tri Phương nối dài trục đường Huỳnh Thúc Kháng – Quang Trung, đảm bảo giải quyết ách tắc giao thông giờ tan trường nơi trường Đại học Phạm Văn Đồng và tạo thuận lợi đi lại cho người dân trong khu vực.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, ông Hà Hoàng Việt Phương – Chủ tịch UBND Tp. Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay, việc đầu tư hạ tầng, mở rộng không gian đô thị bước đầu đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, vấn đề đô thị hóa và xây dựng các khu dân cư vẫn còn nhiều bất cập. Một số khu dân cư, khu đô thị được triển khai vẫn còn nhiều hệ lụy trong việc kết nối hạ tầng chưa đồng bộ. Nhất là hạ tầng cấp thoát nước chưa được đầu tư hoàn thiện dẫn đến ngập cục bộ vào mùa mưa”.
Đường Nguyễn Tri Phương, Tp. Quảng Ngãi vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Nơi thi công tuyến đường Trường Chinh, Tp. Quảng Ngãi.
“Riêng mảng xanh đô thị chỉ mới đảm bảo tiêu chí cứng. Nhiều dự án công viên, cảnh quan, cây xanh đầu tư dang dở, một số dự án ngoài ngân sách thì nhà đầu tư làm cho có. Nhiều xã trên địa bàn được Tp. Quảng Ngãi đưa vào quy hoạch đầu tư công viên cây xanh, nhưng đến nay có xã vẫn chưa hoàn thành. Một số dự án, công trình được đầu tư mang tính bản lề cho phát triển vẫn ì ạch, thậm chí phải tạm dừng thực hiện để tính toán lại mục tiêu đầu tư như: dự án đường Lê Thánh Tôn nối dài, đường Chu Văn An nối dài, đường Trường Chinh…” – ông Phương cho biết thêm.
Năm 2022, cũng như giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Quảng Ngãi tập trung đầu tư hạ tầng để đưa huyện Bình Sơn trở thành thị xã vào năm 2025, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Mặc dù đã có nhiều chuẩn bị, song thực tế phát triển đô thị và kinh tế xã hội của địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm khắc phục.
Hệ thống điện cáp ngầm KĐT mới Tp. Quảng Ngãi.
KDC Phước Thạnh, Tp. Quảng Ngãi được đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết: “Để xây dựng Bình Sơn trở thành thị xã, huyện xác định sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho 17/22 xã trở thành phường, với tỷ lệ đô thị hóa tương ứng 84,6%. Huyện kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề làm cơ sở giúp huyện tổ chức thực hiện việc phát triển đô thị đúng hướng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đã đề ra”.
“Đối với nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh cần có cơ chế riêng trong việc phân bổ ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án, công trình quan trọng cần được ưu tiên bố trí vốn cho huyện. Phân bổ tỷ lệ thụ hưởng đối với nguồn thu từ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho địa phương để có nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đối với khu vực trong KKT Dung Quất” – ông Đồng kiến nghị.
Tp. Quảng Ngãi ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng đường huyết mạch trong nội thị.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng, để trở thành thị xã vào năm 2025, huyện Bình Sơn cần tiếp tục đầu tư nâng cấp 14 tiêu chuẩn chưa đạt so với tiêu chuẩn đô thị loại IV và rà soát các khu vực dự kiến hình thành đơn vị hành chính cấp phường đảm bảo chỉ tiêu quy định.
“Đây là cơ sở đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ vốn đầu tư cũng như đề xuất cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư. Đồng thời, sớm triển khai lập quy hoạch chung đô thị trên toàn huyện và Chương trình phát triển đô thị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện phải kiện toàn bộ máy quản lý đô thị, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý quy hoạch phát triển đô thị…” – ông Hoàng góp ý.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng, quá trình đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong quy định của các luật như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Tỉnh cần sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư… Có như vậy, cuối năm 2022 mới có thể cán đích tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 29% như kế hoạch.
Thiên Bút – Tùng Chi
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Một góc Khu đô thị mới phía Nam Tp. Quảng Ngãi.
Xem thêm tại đây: Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng