(Phapluatmoitruong.vn) – Chỉ một thửa đất nhưng UBND xã Tịnh Khê lại ký hợp đồng cho thuê chồng chéo dẫn đến tranh chấp, khiếu nại.
Một thửa đất, hai người thuê
Theo Hợp đồng cho thuê mặt bằng tạm thời để kinh doanh dịch vụ ký ngày 20/01/2018 và ngày 25/1/2019 tại khu du lịch Mỹ Khê giữa UBND xã Tịnh Khê với hộ bà Phạm Thị Kiều Trang, ông Phạm Tấn Dũng có nội dung thể hiện vị trí thuê mặt bằng chồng chéo, tại vị trí một thửa đất nhưng có tới hai hợp đồng cho thuê.
Cụ thể, theo nội dung hợp đồng giữa UBND xã Tịnh Khê với Bà Phạm Thị Kiều Trang, vị trí thuê là: Lô số 44: Diện tích: 99 m2, cạnh đông 22 m, cạnh tây 22 m, cạnh nam 3 m, cạnh bắc 6 m. Giới cận: Đông giáp đường ven biển khu du lịch, cách mép đường 2 m; Tây giáp khu dân cư hiện hữu; Nam giáp đất ông Phạm Tiên; Bắc giáp đường nội bộ.
Còn hợp đồng với ông Phạm Tấn Dũng có nội dung: Lô số 46: Diện tích 110 m2. Giới cận: Đông giáp và cách đường ven biển KDL 1,5 m; Tây giáp nhà ông Việt, ông Dũng; Nam giáp đường đi nội bộ; Bắc giáp đất cho bà Phạm Thị Kiều Trang thuê.
Như vậy, giới cận đông của 4 thửa đất tổng là 22 m nhưng UBND xã Tịnh Khê vừa cho bà Trang thuê toàn bộ 22 m, đồng thời, cũng cho ông Dũng thuê chồng lên giới cận đông giáp đường ven biển KDL 1,5 m với mặt giáp đường, thực tế 6 m. Việc UBND xã Tịnh Khê xác định vị trí cho thuê mặt bằng với bà Trang và ông Dũng có dấu hiệu trái pháp luật hay không, đồng thời, nguồn thu phí mặt bằng kinh doanh từ hai hộ này được hợp thức hóa như thế nào cũng cần được kiểm tra, làm rõ.
Mâu thuẫn xác định ranh giới
Tại buổi làm việc với PV Môi trường và Đô thị điện tử, ngày 1/7/2022, UBND xã Tịnh Khê đưa ra các bằng chứng như tờ bản đồ 299, cùng nhiều sơ đồ đo vẽ thể hiện thửa đất của các hộ: bà Phạm Thị Kiều Trang, ông Phạm Tấn Dũng, ông Phạm Tấn Huy, ông Phạm Tấn Việt đang kinh doanh nằm trên phần đất do Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân đang sinh sống tại khu vực trên và nguyên lãnh đạo một phòng thuộc UBND huyện Sơn Tịnh, ngay vị trí tuyến đường ven biển hiện tại, trước đây có một nhà ở cấp 4 của bà Nguyễn Thị Năm nằm trong diện phải giải tỏa, đền bù để làm đường.
Ông Phạm Tấn Dũng bức xúc: “Trước đây nhà tôi có một căn nhà cấp 4 ở giữa vị trí con đường hiện tại nhưng chúng tôi đã chấp nhận giải tỏa để Nhà nước làm đường và có đền bù 78 triệu đồng. Vì vậy, UBND xã Tịnh Khê cho rằng phần đất của chúng tôi nằm cách xa đường hiện hữu là vô lý. Các bản vẽ hiện tại không hề có sự chứng kiến của chúng tôi và những người lớn tuổi sống tại địa phương liệu có chủ quan, đúng pháp luật?!”.
Hai hợp đồng thuê trên một thửa đất.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Cường – Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Tịnh Khê cho biết, quy trình tách thửa của bà Nguyễn Thị Năm năm 1996 hiện xã không còn lưu giữ. Tuy nhiên, các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với bà Nguyễn Thị Năm và bà Phạm Thị Kiều Trang của UBND huyện Sơn Tịnh (nay là UBND Tp. Quảng Ngãi) đúng pháp luật.
Năm 2004, sau khi Sở Thương mại và Du lịch Quảng Ngãi đầu tư tuyến đường ven biển để phát triển du lịch, còn lại diện tích đất do Nhà nước quản lý nên UBND huyện Sơn Tịnh giao xã Tịnh Khê khai thác quản lý nhằm giải quyết việc làm và hỗ trợ phát triển du lịch địa phương. UBND xã đã phân loại và sắp xếp các hộ kinh doanh thuê lại phần đất mà địa phương này cho là Nhà nước quản lý. Đến tháng 1/2021, UBND Tp. Quảng Ngãi yêu cầu chấm dứt việc cho thuê, tuy nhiên, xã đã linh động cho người dân mượn mặt bằng buôn bán, kinh doanh trong thời gian chờ thu hồi.
“Từ năm 2020, khi các hộ bà Phạm Thị Kiều Trang, ông Phạm Tấn Dũng, ông Phạm Tấn Huy, ông Phạm Tấn Việt có đơn xin gia hạn GCNQSDĐ mới xảy ra khiếu nại xác định diện tích đất sử dụng của mỗi gia đình, còn trước đó, các hộ dân này vẫn buôn bán kinh doanh và đóng tiền thuê mặt bằng bình thường”, ông Cường nói thêm.
Một người dân chỉ cho PV vị trí căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Năm đã được đền bù, giải tỏa.
Đối với việc sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng, ông Võ Minh Chính – Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết, nguồn thu các năm bằng các khoản chi, ngoài việc quyết toán ngân sách Nhà nước, xã giữ lại một phần sử dụng cho Ban Quản lý biển, mua sắm dụng cụ tại Khu du lịch biển Mỹ Khê…
“Cũng có nhiều đoàn thanh tra về thanh kiểm tra các nguồn kinh phí thu – chi này, tuy nhiên đến nay chưa có kết luận nào về sai phạm”, ông Chính chia sẻ thêm.
Như vậy, việc xác định ranh giới đất của các hộ dân và Nhà nước quản lý cũng như hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh của UBND xã Tịnh Khê đang có nhiều mâu thuẫn. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng Tp. Quảng Ngãi kiểm tra, làm rõ thửa đất và nhà ở đã được đền bù giải tỏa của bà Phạm Thị Kiều Trang và việc đo đạc bản vẽ hiện trạng sơ đồ thửa đất của UBND xã này có đúng quy trình pháp luật.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Đỗ Thuận
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Người dân phản ánh vụ việc với báo chí.
Xem thêm tại đây: Quảng Ngãi: Dân kêu cứu vì phải thuê lại đất của mình!