(Phapluatmoitruong.vn) – Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác vệ sinh môi trường cũng đặc biệt được chú trọng. Việc thu gom, xử lý rác thải ở các khu cách ly lại càng khó khăn, vất vả hơn gấp bội.
Rác sinh hoạt lẫn rác thải y tế ở các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị F0 đều được xem là nguồn lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Do đó, Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi xác định rõ khối lượng công việc cần phải làm trước mắt cũng như lâu dài, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch và biện pháp thực hiện thu gom rác thải có hiệu quả. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, công nhân vệ sinh môi trường phải thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là vừa thu gom hết lượng rác thải trên địa bàn, vừa bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi, trước đây Đội thu gom, xử lý rác thải y tế được bố trí 10 người, nhưng thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Công ty đã điều động 3 công nhân của Xí nghiệp môi trường về tăng cường cho Nhà máy xử lý rác thải y tế tập trung. Như vậy, hiện tại Đội có 13 công nhân thường xuyên hoạt động 24/24h, đảm bảo xử lý rác thải y tế cho 25 đơn vị theo hợp đồng và 14 điểm nóng đang cách ly tập trung trên địa bàn.
Hiện các công nhân này được Công ty trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, bảo hộ y tế và khuyến khích thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tắm giặt nhiều lần trong ngày. Hàng ngày, công nhân không về nhà, không đến công ty và thực hiện ăn, ở, tắm giặt… ngay trong khu cách ly của Nhà máy. Công ty cũng yêu cầu công nhân báo cáo lịch trình di chuyển hàng ngày dù có đang trong ca làm việc hay không. Công nhân được bố trí lao động độc lập, không giao tiếp với công việc khác bên ngoài để hạn chế nguồn lây ra cộng đồng. Ngoài các chế độ được hưởng, Công ty hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền bồi dưỡng giữa ca cho toàn đội, bình quân 200 ngàn/người/ngày.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Dung – Phó Tổng Giám đốc CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện nay, các tuyến thu gom, vận chuyển, tập kết rác thải được “cân lại” lực lượng, phương tiện, chia theo từng khung giờ cụ thể và tuân thủ quy định 5K trong phòng chống dịch. 300 lao động của Xí nghiệp môi trường được chia làm 2 ca, mỗi ca 15 ngày liên tục để đảm bảo có lực lượng dự phòng. Hiện nay, Công ty cũng đã thực hiện xét nghiệm PCR cho toàn bộ 600 nhân viên, đồng thời 95% công nhân đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Đối với bộ phận xử lý rác thải y tế và rác thải khu cách ly tập trung được tăng cường thêm công nhân. Hiện có 13 người được bố trí lại lao động hợp lý theo phương án “3 ca – 2 kíp”, đảm bảo vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện tuyến đầu thu gom, xử lý rác hiệu quả”.
Các công nhân môi trường đang cách ly tại Nhà máy xử lý rác thải y tế Nghĩa Kỳ.
“Mùa dịch này, khối lượng rác thải y tế và rác thải ở các khu cách ly thu về tăng cao, với khối lượng rác xử lý 1.300 kg/ngày, trong khi công suất Nhà máy xử lý rác y tế Nghĩa Kỳ chỉ có 605 kg/ngày. Vì thế, hiện tại Nhà máy phải bố trí lại lao động cho phù hợp. 13 công nhân môi trường đi tuyến đầu buộc phải hoạt động 24/24h, trong đó 7 người lao động 3 ca liên tục (2 người/ca) và 6 người điều khiển hai xe chuyên dụng (mỗi xe 3 người) thường xuyên vận chuyển rác thải y tế, rác thải ở các khu cách ly từ 6-7 chuyến/ngày, đảm bảo không để rác tồn đọng, trở thành nguồn lây nhiễm” – bà Dung cho biết.
Công nhân môi trường thu gom rác thải ở các cơ sở y tế trên địa bàn.
Được biết, hiện nay, với hàng ngàn người từ các vùng dịch trở về quê hương bị đưa đi cách ly tập trung nên khối lượng rác thải từ các khu vực này cũng tăng nhanh. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải y tế tại những khu cách ly là công việc hết sức cấp bách đối với những công nhân môi trường. Tuy đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng họ luôn động viên nhau cố gắng vượt qua để thực hiện tốt nhiệm vụ.
“Rác thải y tế, chủ yếu là dụng cụ vệ sinh cá nhân, khăn, giấy, khẩu trang, đồ bảo hộ, tăm bông, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm… khá nhiều. Vì vậy, mình phải cẩn trọng, làm đúng quy định để an toàn cho bản thân và cộng đồng” – một công nhân ở Xí nghiệp môi trường cho biết.
Công nhân phun thuốc khử khuẩn xe trước khi đưa rác thải y tế về Nhà máy xử lý (Ảnh: Thu Dung).
Một người khác thì chia sẻ: “Gần 2 tháng nay, dù thời tiết nắng nóng nhưng anh phải thường xuyên mặc trang phục bảo hộ y tế trùm kín người, cùng 2 đồng nghiệp vào các cơ sở y tế và khu cách ly tập trung trên địa bàn để thu gom các loại rác thải. Trước khi đưa rác lên xe, các bãi chứa rác y tế, khu cách ly tập trung đều xử lý môi trường bằng cách phun dung dịch sát khuẩn toàn bộ xe rác. Rác thải sau khi thu gom tại từng bãi chứa sẽ được chở về Nhà máy xử lý rác thải y tế Nghĩa Kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Sau đó, các công nhân lại thay quần áo bảo hộ y tế và xịt khử khuẩn lần nữa rồi tiếp tục lên đường đi thu gom, xử lý rác thải ở các điểm khác…”.
Công nhân xử lý rác thải y tế tại Nhà máy (Ảnh: Thu Dung).
Có thể thấy, cái nắng gay gắt của mùa hè và sự nguy hiểm của dịch bệnh không làm nản lòng các công nhân tuyến đầu thu gom, xử lý rác ở tâm dịch. Với các dụng cụ, phương tiện chuyên dụng cần thiết để hoạt động, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ được giao trong mùa dịch, họ luôn vượt qua gian nan, vất vả để thu gom, xử lý rác thải. Họ như những chiến binh thầm lặng, lao động bất kể cả ngày lẫn đêm, góp phần giữ gìn quê hương thêm sạch đẹp và an toàn.
Minh Trí
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Công nhân phun thuốc khử khuẩn rác thải tại khu cách ly tập trung (Ảnh: Thu Dung).