Quảng Ngãi: Bước tiến mới của TT Hòa Phú Thịnh

(Phapluatmoitruong.vn) – Được thành lập cách đây vài năm, hiện Trang trại tổng hợp Hòa Phú Thịnh đang đạt được những kết quả khá khả quan trong lĩnh vực phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp với trồng trọt.

Hiệu quả từ chăn nuôi

Trang trại tổng hợp Hòa Phú Thịnh (TT Hòa Phú Thịnh, thuộc HTXNN Hòa Phú Thịnh, đóng tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) được huyện Mộ Đức cấp đất khoảng trên 3 ha để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trong đó chủ yếu chăn nuôi heo và gia cầm. TT đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi, bao gồm những dãy chuồng khép kín, khu vực xử lý chất thải, nước thải và trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, đảm bảo chăn nuôi đạt chất lượng theo quy chuẩn VỉetGap.

Hiện nay, TT đã thả nuôi khoảng trăm con heo thịt theo hướng liên kết tiêu thụ heo sạch. Các giống heo được lựa chọn đạt chuẩn; thức ăn, thuốc thú y đều được thực hiện quy trình nghiêm ngặt. Nhờ đó, TT giảm được rủi ro về dịch bệnh, đàn heo ổn định, đạt chất lượng heo sạch và hoàn toàn yên tâm về giá cả thị trường. Hàng năm, TT thu về khoảng hàng trăm triệu đồng.

Đánh giá về hoạt động của TT Hòa Phú Thịnh, ông Phạm Ngọc Lân – Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có nhiều trang trại chăn nuôi tổng hợp và trồng trọt, trong đó TT Hòa Phú Thịnh được đánh giá là xây dựng bài bản và phát triển chăn nuôi có hiệu quả. Trang trại đang đầu tư khắc phục về ô nhiễm môi trường, được huyện quan tâm hỗ trợ công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, công tác tiêm phòng dịch bệnh, khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế cao.

TT Hòa Phú Thịnh phát triển đàn heo thịt.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Sau khi sự cố môi trường xảy ra do ảnh hưởng cơn bão số 9 năm 2020, TT Hòa Phú Thịnh đã tập trung khắc phục, bồi thường cho những gia đình bị thiệt hại về đất trồng keo, hoa màu và hoàn thiện lại hệ thống bảo vệ môi trường. Cụ thể, TT đã xây dựng tường chắn xung quanh khu vực chăn nuôi heo và làm lại hệ thống biogas; mời cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, chuyên gia Tp.HCM tư vấn, xử lý môi trường bằng công nghệ sinh học.

Dãy trại nuôi heo được đầu tư quạt hút gắn với hệ thống phun sương khử mùi.

Hiện TT đang thực hiện theo quy trình của chuyên gia, mua chế phẩm sinh học “Organic based odor control” (kiểm soát mùi hữu cơ) từ USA dùng để phun xung quanh khu vực chăn nuôi và đưa toàn bộ chất thải, nước thải xuống hầm biogas để tạo vi sinh, giảm mùi hôi; đồng thời rắc vôi quanh chuồng trại khử trùng, khử khuẩn, hiện khu vực chăn nuôi đã không còn mùi hôi thối.

Hệ thống xử lý chất thải, nước thải khu vực nuôi heo của TT Hòa Phú Thịnh.

Theo Giám đốc TT Hòa Phú Thịnh Huỳnh Thị Hồng Loan, hiện tại, hệ thống chất thải rắn từ trại số 1 được đi vào bể thu gom 1 (hồ citi) gồm 2 ngăn, dung tích chứa là 15 m3. Sau đó, lượng phân được đưa vào bể kỵ khí 1 có dung tích chứa là 294 m3. Hệ thống chất thải rắn trại chăn nuôi vịt số 2 được đưa vào bể thu gom số 2 gồm 2 ngăn và có dung tích chứa 15 m3, sau đó đưa vào bể kỵ khí 1. Từ bể kỵ khí 1 sẽ thông qua bể kỵ khí 2, sau đó lượng phân tại 2 bể kỵ khí này được đưa vào bể vi sinh hiếu khí 3, sau đó lần lượt qua bể vi sinh hiếu khí 4, 5, 6. Sau khi xử lý nước thải hoàn thiện thì có thể nuôi cá trê, bèo tại bể hiếu khí 4, 5, 6. Tại bể 6 sẽ dùng tưới cỏ nuôi bò và tưới cho cây trồng trong khu vực, tạo không khí trong lành.

Cũng theo bà Loan, để hạn chế mùi hôi thối và phát triển chăn nuôi bền vững, có hiệu quả, đơn vị đã và đang thực hiện giải pháp khắc phục như: Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo đưa hệ thống đường chất thải rắn kết hợp với men vi sinh nhiều hơn và chế phẩm sinh học nhiều hơn so với thiết kế để tăng thời gian phân hủy và giảm đi mùi hôi trong chăn nuôi.

Bể chứa nước thải khu vực chăn nuôi của TT.

Đồng thời, phía trước của mỗi quạt hút được thiết kế bởi hệ thống phun sương, (gồm hệ 1 bồn nước pha men vi sinh, mô tơ, 1 TIMEMER để lọc khí giai đoạn 1 với tỉ lệ pha 1 lít chế phẩm với 300 lít nước). Còn phía sau hệ thống quạt mát cũng được gắn thêm một hệ thống phun sương thứ 2, có pha trộn tỷ lệ men vi sinh theo tỉ lệ 1 lít chế phẩm với 200 lít nước (để điều chỉnh lượng nước hạt phun sương lớn hơn). Sau mỗi hệ thống quạt mát được thiết kế một vách ngăn cản khí thải và đặt nghiêng với một góc 35 độ, hệ thống vách ngăn này được bố trí những tấm lá dừa hay rơm và được làm ướt, lượng nước này cũng pha với men vi sinh theo tỉ lệ 1 lít chế phẩm với 200 lít nước. Cả 3 hệ thống này có tác dụng lọc những phân tử khí có mùi nặng và giảm bớt mùi hôi trong chăn nuôi.

Ngoài ra, TT tiến hành lót vải địa kỹ thuật, sau đó lắp những lớp đá sỏi sạn có đường kính từ 3-20 cm. Hệ thống lọc này sẽ được thủy phân bởi quần thể sinh vật dính kết trên màng vật liệu lọc, các chất hữu cơ có trong chất thải sẽ bị hấp thụ vào màng tăng lên, do đó oxy sẽ bị tiêu thụ trước khi khếch tán hết chiều dày lớp màng sinh vật. Như vậy, môi trường kỵ khí được hình thành ngay sát bề mặt vật liệu lọc, khi chiều dày lớp màng tăng lên, quá trình đồng hóa chất hữu cơ xảy ra trước khi chúng tiếp xúc với vi sinh vật gần bề mặt vật liệu lọc. Kết quả là vi sinh vật ở đây bị phân hủy nội bào, không còn khả năng dính bám trên bề mặt vật liệu lọc và rửa trôi.

Bể chứa nước thải được khử mùi bằng hóa chất và bèo hoa dâu.

Có thể thấy, sự cố về môi trường ở khu vực chăn nuôi đã được khắc phục, đảm bảo hạn chế ô nhiễm môi trường quanh khu vực chăn nuôi cũng như môi trường ngoài cộng đồng. Hiện TT Hòa Phú Thịnh đã đi vào hoạt động trở lại với những bước tiến thả nuôi những lứa heo mới, đảm bảo theo quy chuẩn VietGap, hứa hẹn đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế.

      Minh Trí  Nguyễn Kiệt

 (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Khu vực bể chứa nước thải của TT Hòa Phú Thịnh nằm xa khu dân cư, được khử mùi hôi và bao quanh lưới