Quảng Ngãi: Bất cập trong triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam

(Phapluatmoitruong.vn) – Quảng Ngãi hiện đang gấp rút hoàn thành GPMB và chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, công tác triển khai dự án vẫn còn nhiều bất cập.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, tại cuộc họp vừa qua, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, giai đoạn 2021-2025 (đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi).

UBND tỉnh yêu cầu BQL DAĐT XD các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) tích cực phối hợp giải quyết, tháo gỡ tất cả các vướng mắc, bất cập hiện nay, đảm bảo trước ngày 20/11 phải bàn giao 70% mặt bằng cho đơn vị thi công; xác định các mỏ vật liệu; thẩm định phê duyệt các khu tái định cư, phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy các khu tái định cư…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, hiện nay, các đơn  vị và địa phương có dự án cao tốc đi qua đã và đang chủ động, gấp rút triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn bị sẵn sàng nguồn VLXD, đảm bảo phục vụ thi công công trình.

“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, tất cả những vướng mắc của doanh nghiệp và các địa phương phản ảnh, BQL DAĐT XD các công trình giao thông tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ”, ông Minh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn đang lúng túng trong công tác đền bù, GPMB và tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, trở ngại trong công tác khảo sát, quy hoạch và lập hồ sơ, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ thi công.

Doanh nghiệp cũng cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản công bố danh sách các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường để phục vụ thi công tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khoanh định khu vực một số mỏ đá trên địa bàn Quảng Ngãi không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ dự án cao tốc. Thế nhưng, một số đơn vị vẫn đang gặp khó khăn, bất cập trong việc xin thăm dò nâng cấp trữ lượng và lập hồ sơ, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản…

Một trong những mỏ đá được quy hoạch phục vụ dự án.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, một cán bộ Văn phòng UBND tỉnh cho biết: “Việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản còn nhiều bất cập, nhất là công tác thăm dò, khảo sát, quy hoạch và lập hồ sơ xin cấp phép khai thác chưa kịp thời, kéo dài đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thiếu tính chủ động trong quy trình cấp phép khai thác VLXD thông thường cho doanh nghiệp theo Luật khoáng sản”.

Trong khi đó, Nghị quyết 60/NQ-CP, ngày 16/6/2021 của Chính phủ nêu rõ: “Cần đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất chủ trương lựa chọn nhà đầu tư để cấp giấy phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TX. Đức Phổ nằm trong danh mục các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi)”.

Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bất cập nêu trên, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện đầy đủ theo Thông báo Kết luận số 378/TB-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về “Chỉ đạo triển khai thực hiện đúng quy trình, tiến độ công tác bồi thường, GPMB và chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo phục vụ thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi”.

                                                                          Thiên Bút

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Mỏ đất được quy hoạch phục vụ đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua Quảng Ngãi.