Nằm ở khu vực đang phát triển và giàu tiềm năng về du lịch biển của tỉnh Quảng Nam, nhưng từ trước tết đến nay, người dân xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khốn khổ vì rác thải bủa vây khắp nơi, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm nặng nề.
Túi nilon, chai lọ nhựa, xác động vật… là những thứ rác thải tràn ngập ở các thôn, xóm, bờ kè biển,… và người dân ở đây đang hứng chịu mùi hôi thối, ô nhiễm từ rác thải hằng ngày. Nhất là từ sau Tết đến nay, lượng rác ngày càng “phình” ra, cùng với đó mùi hôi thối cũng tăng theo cấp số nhân, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Rác ngập bờ kè biển
Bờ kè biển An Lương nằm ở thôn An Lương của xã Duy Hải nằm ở cuối sông Thu Bồn đổ ra biển Cửa Đại, dài khoảng 1 km, khu vực này còn có cảng cá An Lương tụ tập tàu thuyền đánh bắt vào ra hằng ngày.
Theo người dân ở đây thì nguyên nhân lượng rác thải ngày càng bủa vây khủng khiếp ở khu vực này một phần từ phía người dân xả rác thải sinh hoạt, rác ở cảng cá, ở chợ,… Một phần do vùng này nằm cuối hạ lưu, rác thải từ các khu vực thượng nguồn sông Thu Bồn theo dòng chảy về phía trũng, càng về cuối càng dồn tấp vào. Cộng với một khối lượng rác từ phía biển Cửa Đại cũng tấp vào gây ra ứ đọng.
Ở đây còn có cảng cá An Lương, hằng ngày có hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cập bến để mua, bán hải sản. Ngoài ra còn có nhiều lò cá hấp, người dân hấp, phơi, chế biến các loại cá khô khá nhiều nên những ngày nắng nóng, mùi hải sản phơi đã nồng, thêm mùi rác thải tồn đọng dưới nước lâu ngày nặng mùi ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân ở đây.
Chị Ngô Thị Bé, một phụ nữ làm nghề buôn hải sản ở đây cho biết: Dù biết là bẩn, là hôi, nhưng hằng ngày vẫn cứ phải sống, phải làm việc, phải hít thở chứ biết làm răng chừ. Mà rác này, một phần tồn đọng nhiều cũng là do chính người dân xả ra, không dọn được thì giờ phải chịu hậu quả chứ trách ai bây chừ?
Trước Tết không lâu, dư luận và người dân ở Duy Hải cũng đã lên tiếng khá nhiều vì tình trạng hàng trăm tấn rác thải tồn ứ bốc mùi, đầy ruồi nhặng bu bám đang nằm chờ thu gom ở các điểm tập kết rác thải của xã Duy Hải.
Rác sinh hoạt của các hộ dân để trước nhà chờ xe chở rác đến thu gom không được, xã phải thuê xe thu gom đến tập kết tại bãi thải gần công trình đang xây dựng của một dự án Khu nghỉ dưỡng. Khu dân cư không còn rác tồn lại, nhưng lại dồn sang bãi thải. Rác thải sinh hoạt, rác của công trình, tất cả tấp vào, bãi rác gần khu dân cư, gần cả công trình nên dân và công nhân than trời vì ô nhiễm, hôi hám.
Rác “tấn công” thôn, xóm
Theo ước tính của Đội môi trường Duy Xuyên, hiện bãi thải rác của xã Duy Hải còn tồn từ 25- 30 xe rác. Mỗi xe khoảng 25 tấn, ước lượng hiện bãi rác này còn tồn hàng trăm tấn rác chưa được vận chuyển đến nơi quy định để xử lý.
Một số hộ dân ở đây cũng phản ánh việc thu gom rác thời gian qua trên địa bàn xã chưa hợp lí vì một tuần mới thu gom một lần, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên dẫn đến rác tồn đọng nhiều.
Rác tồn ứ, quá tải, ô nhiễm nhưng vẫn không được thu gom triệt để đưa đi xử lý bởi chính quyền vẫn chưa thanh toán được tiền cho đơn vị xử lý rác của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hội An.
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, đến tháng 9.2018, xã còn nợ trên 100 triệu tiền phí xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam.
Được biết, tiền phí này ở mức 20.000 đồng/tháng/hộ dân và 50.000 đồng/tháng/hộ kinh doanh. Đối với hộ khó khăn thì các thôn xem xét đề xuất miễn giảm. Tuy nhiên chỉ mới có khoảng hơn 50% số hộ dân của xã nộp đủ tiền phí xử lý rác, còn lại hơn 250 hộ chưa thanh toán nên số tiền dồn lại khá lớn, dẫn đến nợ tiền đơn vị thu gom rác.
Ông Thống cũng cho biết, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân tại 5 thôn trên địa bàn để vận động, tuyên truyền người dân. Trước mặt, địa phương tính phương án trích nguồn ngân sách ra để xử lý. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương phải tìm nguồn khác để bù vào. Chính quyền địa phương đã có kiến nghị lên huyện để xin hỗ trợ và tìm hướng xử lý lâu dài.
Bên cạnh đó, địa phương cũng phát động, tổ chức ra quân thu gom rác, túi ni lông, vỏ thuốc trừ sâu,… ở khuôn viên nhà trường, dọc trên tuyến đường trục xã,… Qua đó cũng giáo dục về trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các bạn trẻ trong công tác phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường.
Khánh Chi – Báo Văn Hóa
Theo Văn Hóa
Ảnh: Nguồn Báo Văn Hóa
Xem bài viết gốc tại đây: