Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn thuê đơn vị đốt thực bì trồng rừng thay thế nhưng đã đốt cả cây gỗ lớn.
Mới đây, người dân xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM việc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện này đốt thực bì nhưng đã đốt cả cây gỗ lớn rừng tự nhiên. Để tìm hiểu thông tin, PV đã di chuyển nhiều giờ, băng sông, cắt rừng để tiếp cận hiện trường.
Nhiều cây gỗ lớn chết đứng giữa rừng
Sau hơn 1 giờ cắt rừng từ đường chính đến xã Phước Kim, chúng tôi bàng hoàng chứng kiến trước mắt cả một khu rừng rộng lớn bị đốt cháy. Xung quanh khu vực bị đốt là những cánh rừng rậm rạp với hàng ngàn cây gỗ lớn hàng trăm năm tuổi.
Ghi nhận thực tế của PV, một khu vực rừng rộng lớn bị cháy phủ màu đen, cây cối cháy trụi nằm la liệt, tro bụi thấm vào đất sau những trận mưa. Nhiều cây gỗ (chưa xác định loại) cháy hết lớp vỏ, chết đứng giữa rừng. Cũng tại hiện trường, nhiều cây có đường kính 10-15 cm bị chặt hạ trước khi khu vực này được đốt, lực lượng kiểm lâm đã tiếp cận, đánh dấu các cây gỗ lớn bị chặt hạ, chết cháy.
Ông Alăng Ngọc, Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, cho biết khu vực bị cháy nằm trong dự án trồng rừng thay thế có tổng diện tích 20 ha, do ban này làm chủ đầu tư. Theo phương án được phê duyệt, loại cây sẽ trồng thay thế là lim xanh, sao đen, dổi…
Theo ông Ngọc, dự án do Công ty TNHH Tuấn Zin thi công, đốt thực bì. Quá trình xử lý ông không rõ ảnh hưởng đến rừng như thế nào và đề nghị chúng tôi liên hệ hạt kiểm lâm hoặc UBND huyện Phước Sơn để biết rõ. “Ban làm đúng theo quy định kỹ thuật, thông tin thiệt hại đến cây lâm sản, rừng, anh phải hỏi chỗ hạt kiểm lâm. Dự án được UBND tỉnh, chi cục kiểm lâm thẩm định cho phép BQL rừng triển khai trồng rừng thay thế, chúng tôi xử lý thực bì đúng trong 20 ha đấy, không lấn chiếm ra những diện tích rừng tự nhiên lân cận” – ông Ngọc khẳng định.
Ông Ngọc cho rằng diện tích rừng bị đốt cháy là dây leo, bụi rậm và một số cây gỗ đứng rải rác. Những cây gỗ lớn bị cháy là cây tạp, khu vực này cũng không đủ tiêu chí rừng phòng hộ.
Chúng tôi nêu vấn đề: Quá trình triển khai trồng rừng mới có nhất thiết phải đốt toàn bộ? Ông Ngọc bỏ ngỏ câu hỏi và cho biết nguyên tắc trồng rừng phải xử lý thực bì để đảm bảo cho cây bản địa rừng trồng phát triển. “Trước khi đốt, đơn vị không thống kê bao nhiêu cây. Hiện trạng đã được các ngành thẩm định là không có rừng tự nhiên, chỉ có dây leo bụi rậm và cây gỗ rải rác” – ông Ngọc khẳng định.
Kiểm lâm đề nghị không đốt nhưng… vẫn đốt
Ông Nguyễn Văn Tình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, cho biết khu vực rừng bị đốt tại khoảnh 3, 4 và 5, tiểu khu 689, xã Phước Kim, quy hoạch chức năng rừng phòng hộ với diện tích khoảng 20 ha. Hạt đã chỉ đạo lực lượng trực tiếp kiểm tra hiện trường và có báo cáo. Theo đó, lực lượng kiểm lâm ghi nhận nhiều cây gỗ bị đốt cháy, một số cây bị chặt hạ, do diện tích lớn, khối lượng lâm sản bị thiệt hại nhiều nên chưa tiến hành đo đếm, xác định cụ thể.
Theo ông Tình, trước khi BQL rừng phòng hộ huyện tiến hành đốt thực bì, kiểm lâm địa bàn đã kiểm tra, phát hiện một số cây gỗ tự nhiên. Hạt kiểm lâm đã có văn bản cảnh báo, đề nghị không phát luỗng, đốt tại vị trí có rừng tự nhiên, giữ lại các cây rừng tự nhiên còn sót. “Việc BQL rừng đốt thực bì không báo cho hạt kiểm lâm, hạt cũng không nắm cho nên cháy rồi mới biết. Khi nắm thông tin, hạt chỉ đạo kiểm tra, tập trung lực lượng đếm cây bị đốt cháy. Huyện có văn bản đề nghị báo cáo trước ngày 20-5 nhưng số lượng nhiều nên không thống kê kịp” – ông Tình nói.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết khu vực bị cháy thực trạng chỉ có cây bụi và gỗ tạp. Trong quá trình đơn vị được thuê phá thực bì, dọn dẹp trước khi trồng rừng đã tác động đến một số cây gỗ, hiện trường còn lại vài cây gỗ bị cháy. “Tôi giao cho phó chủ tịch huyện chỉ đạo các ban, ngành đo lại, định vị, kiểm tra cây gỗ đó là cây gì và diện tích này có đúng theo diện tích được phê duyệt hay không?” – ông Trung nói.
Nói về báo cáo của hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn xác định vị trí bị cháy có 0,72 ha rừng tự nhiên, ông Trung cho rằng đây chưa phải là kết luận (!?), có thể hạt kiểm lâm huyện bằng biện pháp nào đó xác định là rừng tự nhiên nhưng có thể thực trạng không phải rừng tự nhiên… “Báo cáo của hạt kiểm lâm là thông tin để UBND huyện nắm tình hình chỉ đạo chứ không phải kết luận” – ông Trung nói.
Còn vấn đề Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn đã có văn bản đề nghị BQL rừng phòng hộ huyện chừa lại toàn bộ cây gỗ trên diện tích thiết kế rừng trồng thay thế nhưng đã bị đốt cháy, ông Trung nói: “Như thế là ẩu! BQL rừng phòng hộ phải giám sát, để cho ổng (đơn vị thi công – PV) tự làm là chết”.
Báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn xác định diện tích 20 ha thuộc dự án trồng rừng thay thế có 0,72 ha là rừng tự nhiên, ngoài diện tích rừng tự nhiên còn có một số cây gỗ đứng rải rác. Tuy nhiên, vào ngày 8 và 9-5, đơn vị thi công đã tiến hành chặt hạ một số cây gỗ nhỏ, đốt xử lý thực bì, gây cháy toàn bộ diện tích trồng rừng và cháy lan sang các khu vực lân cận. Góc độ chủ đầu tư thì tôi thấy đơn vị thi công đã cơ bản thực hiện đúng hợp đồng. Tôi sẽ không trả lời nữa, tôi cung cấp như thế các anh nắm thôi. Cụ thể đúng, sai thì các anh liên hệ lãnh đạo huyện. Các anh có thể nói yêu cầu cái gì đó mà ông Ngọc không cung cấp. Ông ALĂNG NGỌC |
Thanh Nhật – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Những cây bị cháy có cả cây gỗ có đường kính gần 1 m. Ảnh: THANH NHẬT
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/do-thi/quang-nam-bql-rung-phong-ho-dot-thuc-bi-dot-ca-rung-tu-nhien-986915.html