Khu vực trung tâm huyện Quảng Trạch mới, tỉnh Quảng Bình được hình thành hơn 7 năm qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn rất ít người dân đến xây dựng nhà để sinh sống, mở quán dịch vụ… khiến khu đô thị trở nên hoang vắng.
Khó lấp đầy đô thị mới
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch để thành lập thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch mới. Mục tiêu đưa thị xã Ba Đồn trở thành đô thị trung tâm phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Huyện Quảng Trạch mới có 18 đơn vị hành chính với 45.070ha diện tích tự nhiên.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Xây dựng phụ trách công tác quy hoạch khu vực trung tâm huyện Quảng Trạch. Các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tờ trình của địa phương, để xây dựng kế hoạch vốn cụ thể, đảm bảo phân bổ kịp thời nhằm xây dựng trung tâm hành chính mới. Cuối năm 2017, khu vực huyện Quảng Trạch mới được đầu tư khang trang.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, khu vực quy hoạch chung xây dựng thị trấn huyện Quảng Trạch mới có tổng diện tích 857ha, với quy mô dân số khoảng 20.000 người. Quy hoạch chi tiết trung tâm huyện Quảng Trạch gồm khu trung tâm văn hóa, trung tâm hành chính… có tổng diện tích 597.633m2, khu vực quy hoạch thuộc xã Quảng Phương, phía Bắc và phía Tây giáp đường quy hoạch rộng 25m và khu dân cư; phía Nam giáp hồ Bàu Sen; phía Đông giáp kênh thoát nước và cây xanh.
Đến nay, hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được đầu tư khang trang, hệ thống điện lưới, cấp thoát nước, đường giao thông… đáp ứng cho người dân, doanh nghiệp vào xây dựng, đầu tư. Tuy nhiên, hiện mới có một doanh nghiệp đầu tư cây xăng nhỏ.
Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Quảng Trạch, trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, khu vực trung tâm huyện đã được đầu tư hơn 600 tỷ đồng, với 17 công trình như: Đường giao thông nối trung tâm huyện với Quốc lộ 1, thị xã Ba Đồn; hệ thống lưới điện, cấp nước, chợ…
Người dân ngại đến định cư ở vùng đất mới
Nhiều người dân ở Quảng Bình cho biết, khu vực trung tâm huyện Quảng Trạch nằm giữa vùng cát, xa khu vực thị xã Ba Đồn và trung tâm các xã trong vùng nên người dân ngại đến định cư. Không có dân cư, các hàng quán cũng khó mọc lên vì không biết bán cho ai.
Ông Trần Quang Trung (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) chia sẻ: Các khu đất được huyện quy hoạch đã bán nhiều rồi, hiện giờ vì chưa có ai đến ở, xây dựng nhà cửa, hàng quán… nên thấy rất hoang vắng.
Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Quảng Trạch, năm 2013, khi lấy ý kiến dân cư và tham vấn ý kiến của các sở, ngành về việc chọn vị trí đặt huyện mới Quảng Trạch ở đâu cho phù hợp, để phát triển bền vững. Sau khi lấy ý kiến, lãnh đạo tỉnh quyết định chọn vùng cát ở xã Quảng Phương để làm trung tâm huyện mới. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã lập đề án xin thành lập thị xã Ba Đồn trên nguyên tắc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch.
Khi được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 125/NQ-CP vào tháng 12/2013, các tuyến đường nối với Quốc lộ 1 và các xã lân cận được đầu tư để tạo liên kết giữa trung tâm huyện với các xã trên địa bàn. Các công trình hạ tầng, tạo quỹ đất được gấp rút thi công… nhưng giờ lại không thu hút được dân cư, doanh nghiệp đến đầu tư sinh sống.
Lực lượng cán bộ, chuyên viên của huyện đa phần đều có gia đình, nhà cửa ở khu vực thị xã Ba Đồn và các xã lân cận; theo công việc được tổ chức phân công, sáng sớm họ đến nhiệm sở, trưa tự túc cơm nước ngủ nghỉ, tối lại trở về nhà khiến trung tâm huyện mới Quảng Trạch không thu hút được dân cư, doanh nghiệp.
Theo Xây Dựng
Ảnh: Khu vực huyện lỵ Quảng Trạch mới vắng bóng dân cư, hàng quán.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baoxaydung.com.vn/quang-binh-trung-tam-do-thi-quang-trach-vang-bong-dan-cu-289124.html