Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Quảng Bình, nhiều hồ, đập chứa nước do địa phương quản lý có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ 2022. Qua kiểm tra 153 hồ chứa, đập trên địa bàn, hiện có 49 hồ chứa không tích nước do bị hư hỏng, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Nhiều hồ, đập chưa đủ tiêu chuẩn an toàn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi và 32 đập dâng. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.
Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa bão năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra 153 hồ chứa, đập trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 49 hồ chứa không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao và hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế trong đó có hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy).
Các hạng mục công trình bị hư hỏng: Đối với đập có 30 cái bị thấm nước, 26 cái bị biến dạng mái đập, 3 cái bị nứt thân đập; đối với tràn xả lũ có 21 cái nứt và hư hỏng, trong đó hư hỏng nặng 6 cái hư hỏng nặng. Số lượng tràn được đánh giá thiếu khả năng xả lũ là 5 cái; đối với hạng mục cống lấy nước, hư hỏng thân cống là 26 cái, hư hỏng cửa van là 9 cái.
Theo đánh giá, hiện tại các hồ chứa được Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập (WB8) và công trình đập dâng Rào Nan do Trung ương hỗ trợ đã được triển khai đầu tư xây dựng; một số đập, hồ chứa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn khác đang thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ vượt lũ, không có nguy cơ mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ tới.
Ông Lê Thuận Văn – Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) cho hay: Các gói thầu sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước ở xã Thái Thủy gồm hồ Vũng Mồ đã thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021. Hồ Thanh Sơn đã hoàn thành thi công và đang được tu bổ hạng mục cống lấy nước và cửa van. Công trình đê bao, đường thân đê này được làm từ bê tông, đá hộc nên khả năng chống chịu mưa lũ rất cao. Ngoài ra, các hồ chứa nước được đề nghị bổ sung thêm sau này như: Dạ Lam, Ô Rô, Khe Thăng hiện cũng đang được thực hiện các bước theo quy định.
Đặc biệt, hồ Dạ Lam sau đợt lũ năm 2020, 2021, hiện cống lấy nước bị hỏng, thân đập bị thấm, mái đập phía thượng lưu bị sạt trượt, tràn chưa đảm bảo thoát lũ. Đây là công trình hồ chứa thủy lợi cần xử lý cấp bách để phục hồi sản xuất cho 40ha đất sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Ước tính kinh phí đề xuất hơn 13 tỷ đồng, đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ khắc phục sớm.
Còn nhiều bất cập trong quản lý
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã và các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác 121 hồ chứa và 189 đập dâng. Các hồ, đập do địa phương quản lý chưa được các cấp chính quyền bàn giao cho các tổ chức quản lý đích thực, các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa, hơn nữa cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những nội dung quy định của Nghị định 114/2018/NĐ-CP thực hiện không đầy đủ.
Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Quảng Bình kiểm tra tính an toàn các công trình.
Tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập đến hiện tại chỉ có Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định (32/32 hồ chứa). Do điều kiện nguồn vốn khó khăn, các chủ đập chủ yếu tập trung lập quy trình vận hành cho các hồ chứa lớn có tràn xả sâu. Toàn tỉnh có 7 hồ có cửa van, trong đó 6/7 hồ đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt.
Quy trình vận hành cửa van của 5/7 hồ chứa có cửa van được lồng ghép vào Quy trình vận hành hồ chứa mà không xây dựng quy trình riêng. Các công trình do địa phương quản lý chưa được thực hiện theo quy định. Hiện nay, mới có 31/153 hồ chứa có hồ sơ lưu trữ. Đối với công tác kiểm định an toàn đập mới có 12/153 hồ chứa thực hiện, còn lại chưa thực hiện kiểm định an toàn đập.
Theo ông Trần Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa địa phương quản lý không có, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành.
Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị, tổ chức lập các dự án đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp các công trình hồ, đập nhỏ thường do các Phòng, ban hoặc UBND xã làm chủ đầu tư là những đơn vị không đủ năng lực chuyên ngành trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; các tổ chức tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công do các chủ đầu tư thuê không đáp ứng về chất lượng dẫn đến các công trình được đầu tư xây dựng chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư chưa cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh.
Nhất Linh – Báo Xây Dựng
Theo Xây Dựng
Ảnh: Hồ chứa nước Dạ Lam, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy mùa kiệt.
Xem bài viết gốc tại đây: