Quản lý, kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng được quy định ra sao?

Từ lâu, chúng ta nghe nói nhiều đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường… nhưng ít nghe nói đến ô nhiễm tiếng ồn. Dưới góc độ y học, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người.

Có nhiều loại tiếng ồn không thể tránh được, nhưng mức độ gây khó chịu có thể chấp nhận được và chưa đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng có những trường hợp ô nhiễm tiếng ồn đến mức báo động đối với sức khỏe nhưng chưa được quan tâm một cách nghiêm túc.

Tại Điều 89, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, mùi khó chịu gồm:

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường và bức xạ.

2. Tổ chức, cá nhân trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, mùi khó chịu phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm tác động xấu đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa thực hiện theo quy định của Chính phủ.

LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ngoài những ảnh hưởng xấu đến môi trường, ô nhiễm ánh sáng cũng có những tác động không tốt đến sức khỏe con người. Ảnh minh hoạ