Quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước cùng hệ thống vệ sinh cho mọi người và là một trong những Mục tiêu Phát triển bền vững của đất nước.

Quản lý tài nguyên nước bền vững

Việc quản lý, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên nước tại Việt Nam đã được nhấn mạnh trong các bộ luật và chính sách như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước; Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương.

Quốc hội khóa XIII cũng đã thông qua Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, với chỉ tiêu tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nhiều chính sách quan trọng với nhiều nội dung liên quan đến quản lý tài nguyên nước bền vững như Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030…

Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững” của Chính phủ, tính đến tháng 6/2017, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 84,5%, tỷ lệ thất thoát khoảng 23%. Dù công suất cấp nước đô thị đã tăng 1,6 lần so với 10 năm trước, nhưng do quá trình đô thị hóa gia tăng, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành, nên hệ thống cấp nước chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của đô thị.

Về nguồn nước hợp vệ sinh, từ 2010-2016, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở cả nước tăng 2,9%, trung bình mỗi năm tăng 0,41%. Theo tốc độ này, thì ước tính, phải đến năm 2032 mới đạt được mục tiêu 100% số hộ có nguồn nước hợp vệ sinh.

Cấp nước sạch nông thôn được ưu tiên đầu tư, thông qua nhiều chương trình, dự án. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 43,5%.

Thách thức về ô nhiễm môi trường nước

Ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông không giảm và là một thách thức rất lớn với Việt Nam. Nước mặt ở nhiều lưu vực sông đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ. Nguyên nhân là do xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu của các nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, dịch vụ ở các đô thị và nước thải từ hoạt động khai thác khoáng sản ở đầu nguồn.

Năm 2019, khoảng 89% khu công nghiệp và khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Trong tổng số 781 đô thị, chỉ có hơn 50 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Như vậy, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là khá tham vọng, đầy thách thức và khó đạt được.

Để đảm bảo việc sử dụng nước được hiệu quả, bền vững, công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường. Chính phủ đã tập trung tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, công tác quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020-2035 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang được xây dựng và hoàn thiện.

Thành Đạt – Báo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Ảnh: Để đảm bảo việc sử dụng nước được hiệu quả, bền vững, thời gian qua, công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/quan-ly-ben-vung-tai-nguyen-nuoc-va-he-thong-ve-sinh-d112083.html