Trước khi bão số 5 đổ bộ, lãnh đạo Quân khu 4 cho biết quân đội đã lên phương án sơ tán hàng trăm nghìn người dân, đồng thời đảm bảo phòng dịch tại các điểm tránh trú bão.
Sau mùa bão năm 2020 gây tổn thất nặng nề cho các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4, các lực lượng của quân đội dồn sức ứng phó với cơn bão số 5 (Conson) đang hướng vào miền Trung với sức gió cấp 10.
Trao đổi với Zing, thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4, cho biết nhiệm vụ phòng chống bão sẽ phức tạp hơn khi 6 tỉnh thuộc quân khu đã ghi nhận 2.600 ca F0. Tỉnh nào cũng có dịch bệnh, trong đó số ca nhiều nhất tập trung ở Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế.
Sơ tán dân phải đảm bảo giãn cách
“Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 đánh giá nguy cơ vừa dịch bệnh, vừa bão lụt trên địa bàn. Do đó, Quân khu 4 đã xây dựng các phương án để khi tập trung, sơ tán dân mà không làm lây lan dịch bệnh” , thiếu tướng Hà Thọ Bình chia sẻ.
Nếu hướng bão đổ bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế như dự báo thì sẽ phải sơ tán 150.000-200.000 người dân. |
Lãnh đạo Quân khu 4 xác định nếu hướng bão đổ bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế như dự báo trưa 10/9 thì sẽ phải sơ tán 150.000-200.000 người dân. Trong đó, Quảng Bình là địa phương cần quan tâm nhất.
Quân khu sẽ tận dụng các trường học, tòa nhà kiên cố hoặc doanh trại quân đội để đưa người dân đến trú bão. Các tổ quân y sẽ ở đó để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân.
“Khi đưa người dân đến các địa điểm sơ tán, chúng tôi sẽ yêu cầu giãn cách, khai báo y tế và cử quân y đến xét nghiệm nhanh. Ở mỗi tỉnh thuộc quân khu đều có các điểm cách ly tập trung phục vụ người dân mắc Covid-19”, thiếu tướng Hà Thọ Bình chia sẻ.
Lực lượng quân đội tại bờ biển Quảng Trị vào mùa bão năm 2020, thời điểm tàu Vietship 01 gặp nạn. Ảnh: Việt Linh.
Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết nhóm đối tượng cần lưu tâm nhất là các thuyền viên từ tỉnh khác nhưng cập bờ tại các tỉnh thuộc quân khu để trú bão. Trước đó đã có thuyền viên từ Đà Nẵng đi về Quảng Bình rồi lây lan dịch bệnh cho tỉnh.
Khi bão vào, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn cho nhân dân, không để thiệt hại về người và tài sản. “Làm thế nào vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân”, thiếu tướng Bình nêu quyết tâm.
Tránh lặp lại bi kịch Rào Trăng
“Năm 2020 là bài học rất lớn cho Quân khu 4”, thiếu tướng Hà Thọ Bình đề cập đến mùa bão khốc liệt đã khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của quân khu hy sinh, trong đó có Phó tư lệnh Quân khu Nguyễn Văn Man. Thiếu tướng Man và 12 đồng đội đã hy sinh khi lên đường cứu nạn tại vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) sau khi bão số 6 (Linfa) đổ bộ.
Các lực lượng của Quân khu 4 đã vào vị trí, sẵn sàng ứng cứu người dân gặp nạn khi bão số 5 đổ bộ. |
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị rà lại địa hình, xác định các khu vực gần đồi núi, có nguy cơ sạt lở để có phương án sơ tán”, lãnh đạo Quân khu 4 chia sẻ.
Ông Bình cho biết một số đơn vị đóng quân ở nơi nguy hiểm tương tự như Rào Trăng đã được Bộ Quốc phòng cho kinh phí di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, quân khu đã cử lãnh đạo Cục Hậu cần đi kiểm tra 81 huyện, thị trên địa bàn, tham mưu với chính quyền địa phương khi phát hiện những khu vực có nguy cơ sạt lở.
Cán bộ, chiến sĩ tại Thừa Thiên – Huế đưa tiễn các liệt sĩ hy sinh tại Rào Trăng. Ảnh: Việt Hùng.
Hiện, các lực lượng 4 tại chỗ của Quân khu 4 bao gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần đều đã vào vị trí, sẵn sàng ứng cứu người dân gặp nạn khi bão số 5 đổ bộ.
Quân khu 4 bao gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Theo thiếu tướng Hà Thọ Bình, mỗi năm có 4-6 cơn bão đổ bộ vào địa bàn quân khu.
Địa hình các tỉnh vừa giáp biển, vừa có đồi núi khiến cho loại hình thiên tai trở lên đa dạng. Khi bão đổ bộ, các khu vực ven biển sẽ phải chịu sức gió lớn, sóng biển dâng cao gây ngập lụt. Trong khi đó, vùng đồi núi đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Sáng 10/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 5 (Conson) sẽ tác động đến vùng ven biển các tỉnh miền Trung, trước khi tiến vào đất liền những ngày tới. Ông Lâm nhận định các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng nằm trong vùng trọng tâm mưa do hoàn lưu bão. Bão có thể gây mưa lớn trong 3 ngày ở các tỉnh miền Trung với lượng phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 350 mm. Sáng 10/9, tâm bão Conson cách quần đảo Hoàng Sa 170 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12. Theo dự báo, sáng 12/9, tâm bão cách bờ biển từ Thừa Thiên – Huế đến Đà Nẵng khoảng 220 km về phía đông, cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13. Sau thời điểm này, bão đổi hướng, đi chếch theo phía tây tây bắc. Sáng 13/9, thời điểm tiến vào vùng biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. |
Ngọc Tân – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Xem bài viết gốc tại đây: