Phục hồi các hệ sinh thái – Bài cuối: Thập kỷ về đa dạng sinh học ở Việt Nam

Giai đoạn 2011-2020 được Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/12/2011 tuyên bố là ‘Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học’ nhằm đạt được sự cam kết chung của các quốc gia trong việc bảo vệ loài động thực vật đang bị đe dọa để cân bằng sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Việt Nam nằm trong tốp 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, song, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu.

Hành động cụ thể

Việt Nam xây dựng các khu bảo tồn đa dạng sinh học vừa ý nghĩa cho bảo tồn, nghiên cứu khoa học, vừa cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho các cộng đồng dân cư xung quanh, trong đó có nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, điều tiết nước, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Việt Nam hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan. Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “khu dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “khu di sản thiên nhiên thế giới” do tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN.

Vườn quốc gia được thành lập ở những khu vực có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Giai đoạn 2015-2018, Việt Nam đã thành lập thêm 3 vườn quốc gia gồm Vườn Quốc gia Du Già trên Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), Vườn Quốc gia Phia Oắc-Phia Đén (tỉnh Cao Bằng), Vườn Quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông). Việt Nam đã có 33 vườn quốc gia trải đều từ Bắc vào Nam với tổng diện tích khoảng 10.665,44 km2 (trong đó có 620,10 km2 là mặt biển), chiếm khoảng 3% diện tích lãnh thổ đất liền.

Một giải pháp quan trọng nữa là dự án trồng 5 triệu ha rừng của Việt Nam và các dự án hợp tác quốc tế như dự án Phát triển và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; dự án Khu dự trữ quốc gia U Minh Thượng, chương trình sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước khu vực sông Mekong… Diện tích rừng ở Việt Nam là hơn 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 41,89 %.

Ngoài ra, dự án xây dựng hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu gồm vượn đen má hung Trung Bộ, lim xanh, đen, gà lôi lam mào trắng, voọc chà vá chân nâu, thỏ vằn và mang Trường Sơn, bò tót, voọc Hà Tĩnh, sao la, chân xám, vượn đen má trắng, cu li nhỏ, trĩ sao.

Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 nhằm ghi nhận những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Việt Nam rất cố gắng trong việc bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật, các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố hằng năm. Từ năm 2014 đến tháng 9/2018 có 344 loài sinh vật mới được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đa dạng sinh học đang bị đe dọa và ngày càng suy thoái, nhất là các hệ sinh thái tự nhiên. Hệ sinh thái đất ngập nước lại đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cực đoan. Rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha, chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%. Môi trường hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, vùng biển ven bờ đang chịu ảnh hưởng do xung đột giữa phát triển khu công nghiệp và bảo tồn ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, rác thải từ nhà máy công nghiệp ở miền Trung, phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vũng, vịnh.

Diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng tràm, hồ tự nhiên có xu hướng suy giảm. Các kiểu đất ngập nước nhân tạo như hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải… có chiều hướng gia tăng. Vùng đầm lầy than bùn cũng bị thu hẹp diện tích và giảm độ dày. Khu vực rừng Tràm vùng U Minh có đến 400.000 ha (năm 1950), đến nay chỉ còn 10.300 ha với độ dày từ 0,4-1,2 m. Thảm cỏ biển cũng giảm 50% diện tích năm 2012 so với năm 1999. Đầm phá lớn nhất là Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) đã giảm tới 60%.

Theo thống kê, số loài và các cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Như loài rùa Hồ Gươm, hiện chỉ còn 4 cá thể sống được biết đến trên thế giới, trong đó có một cá thể ở Trung Quốc và ba cá thể ở Việt Nam. Sao la – một loài thú đặc hữu của dãy Trường Sơn cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Các nỗ lực điều tra, giám sát cho đến nay vẫn chưa phát hiện quần thể nào của loài ngoài tự nhiên.

Đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học

Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác để đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra những hành động cụ thể nhằm kêu gọi các nước thực thi bảo vệ đa dạng sinh học như xây dựng một nền kinh tế xanh trên cơ sở đầu tư vào vốn tự nhiên để thay thế cho nền kinh tế hiện nay – vốn chủ yếu dựa vào khai thác và bóc lột tự nhiên; chuyển đổi tư duy từ mô hình phát triển kinh tế khai thác tự nhiên sang nền kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng với tự nhiên; lồng ghép vấn đề đa dạng sinh học vào các dự án phát triển.

Đa dạng sinh học cần phải được coi là một phần quan trọng trong các giải pháp về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời là thước đo những nỗ lực trong phát triển bền vững. Các giải pháp hữu hiệu cần được thực thi nhằm ngăn chặn khẩn cấp tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương; khuyến khích xây dựng, tích cực tham gia thực hiện các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề, thách thức về môi trường; chú trọng thiết lập mối quan hệ một cách tôn trọng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Điều ước quốc tế về đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước CITES, Công ước Biến đổi khí hậu và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển…

Trong đó, Việt Nam là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp), là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về đa dạng sinh học.

Năm 2020, Liên minh Chiến dịch toàn cầu đã gửi thư cảm ơn Chính phủ, Quốc hội Việt Nam về những bước tiến mạnh mẽ, quyết liệt của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ người dân trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Đa dạng sinh học và có đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hàng nghìn con chim quý hiếm cư trú tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đề xuất một số nội dung liên quan đến bảo vệ cảnh quan và đa dạng sinh học, nhằm tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, việc tăng cường hiệu quả bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định hướng sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực thi và hoàn thành các văn bản pháp luật về quản lý đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sau khi được ban hành với các nội dung liên quan; xây dựng dự án sửa Luật Đa dạng sinh học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai xây dựng các đề án phục hồi hệ sinh thái, kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn theo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Bộ triển khai Đề án kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học nhằm xây dựng, vận hành được cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia, Trang thông tin về Di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học, kết nối với địa phương. Bộ thí điểm thực hiện điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát đa dạng sinh học theo hệ sinh thái; đề xuất nghiên cứu cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái lưu vực sông Mekong…

Một số mô hình cần được đề xuất, xây dựng về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, áp dụng thí điểm mô hình cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước; lượng bồi hoàn đa dạng sinh học; đánh giá tác động đa dạng sinh học trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội; mô hình quản lý hiệu quả di sản thiên nhiên, ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại…

Minh Nguyệt (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Vùng Phia Oăc – Phia Đén với những thảo nguyên đồng cỏ bao la cùng núi non trùng điệp. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/xa-hoi/phuc-hoi-cac-he-sinh-thai-bai-cuoi-thap-ky-ve-da-dang-sinh-hoc-o-viet-nam-20210603114500670.htm