Phòng chống hạn mặn – Bài 2: Chủ động ứng phó

Vĩnh Long và Bến Tre đang triển khai các giải pháp đồng bộ để phòng chống hạn mặn dự kiến kéo dài trong 4 tháng tới đây.

Dưới sự chủ động, kinh nghiệm ứng phó hạn mặn từ những năm trước, các địa phương hai tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long cùng người dân trong tỉnh chủ động thực hiện những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ứng phó hạn mặn dự kiến kéo dài hơn 4 tháng tới.

* Chủ động trước các tình huống

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo dự báo, nếu trường hợp mặn gay gắt thì dự kiến có hơn 33.000 ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn.

Diện tích bị hạn do thiếu nước là hơn 68.000 ha; trong đó bao gồm diện tích lúa Đông Xuân, Hè Thu và cây lâu năm.

Mặn cũng gây ảnh hưởng đến 31 trạm cấp nước trong toàn tỉnh, hơn 66.000 hộ dân ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm mặn và 26.400 hộ dân nông thôn không có nước sạchsử dụng.

Từng bị thiệt hại nặng vì hạn mặn, hàng năm, chính quyền địa phương và người dân tỉnh rất chú trọng việc phòng chống.

Theo đó, các cống ngăn mặn thường xuyên được kiểm tra, gia cố; hệ thống trữ nước được đầu tư bài bản để đảm bảo đủ lượng phục vụ tưới tiêu trong thời gian mặn xâm nhập.

Đặc biệt, những ngày vừa qua, việc quan trắc mặn được các địa phương thực hiện tốt, kịp thời thông báo đến người dân để vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi, giúp ngăn mặn trong đợt cao điểm.

Cán bộ nông nghiệp xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm Phan Thành Tâm cho biết, hàng ngày độ mặn ở các cống đều được đo. Khi vượt ngưỡng cho phép thì thông báo bằng hệ thống loa không dây, tin nhắn cho các ấp để đóng cống, báo người dân ngưng lấy nước tưới; khi độ mặn giảm thì thông báo cho các ấp mở cống để người dân tranh thủ lấy nước ngọt dự trữ.

Nhờ quan trắc và thông báo kịp thời nên đợt mặn vừa qua đã giảm thiểu thiệt hại nhiều diện tích lúa và vườn cây ăn trái. Các hộ dân cũng đã chủ động được việc lấy nước tưới vườn cây và trữ nước tưới khi có mặn xảy ra.

Bà Phan Thị Nhẫn, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm cho biết, mấy năm trước mặn lên nhưng người dân không biết nên vẫn lấy nước tưới cho cây. Giờ thông tin đầy đủ hơn nên cứ đến mùa là lại canh để lấy nước tưới.

Cây sầu riêng, bưởi mà gặp nước mặn thì khả năng chết rất cao. Mấy năm nay, nhà nào trồng cây ăn trái cũng chuẩn bị sẵn các mương, hồ chứa nước ngọt; nghe thông báo nước mặn xâm nhập là đóng cống, đóng mương, ngăn không cho nước vào vườn.

Những ngày hạn mặn dùng nước dự trữ. Nếu mặn ngắn dưới 10 ngày thì vẫn tiết kiệm và dùng được nhưng quá thời gian này thì chắc chắn sẽ thiếu nước tưới.

Khi nước mặn đến sớm, gia đình anh Nguyễn Văn Chức, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre phải thuê đào gấp hai cái ao lót bạt để trữ 800 m3 nước phục vụ tưới cho hơn 40.000 cây giống và cây con nguyên liệu làm cây giống. Anh Chức cho hay, do nước tại các mương vườn đã bị nhiễm mặn nên phải đào ao mới.

Sau khi độ mặn ngoài kênh giảm thì anh mới bơm đầy vào hai ao để trữ lại phục vụ tưới trong 3-4 tháng tới. Ngoài ra, anh còn gắn thiết bị tưới tự động, tưới tiết kiệm nước và che mát cho cây để giảm lượng nước tưới.

Trong điều kiện không đủ diện tích đào ao, xây hồ thì các giải pháp linh hoạt như túi trữ nước mềm này cũng đang hỗ trợ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Tấn Lộc, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết đã đặt mua hai túi nước rộng hơn 50 m3 để tích trữ nước ngọt. Theo ông Lộc, cây sầu riêng chịu nước mặn rất kém, độ mặn 0,3 phần nghìn đã làm cây ngừng phát triển, chết cây; ngoài ra, cây rất cần nước để tăng trưởng.

Vì vậy, nước ngọt rất cần thiết cho cây trong giai đoạn mùa khô. Hiện người dân sản xuất cây giống phải chủ động trữ nước vì không biết nước mặn xâm nhập bất kỳ lúc nào.

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, rất nhiều gia đình chủ động đào ao, trữ nước ngọt nên ngay trong mùa hạn mặn, vườn cây vẫn sinh trưởng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt với sầu riêng – loại cây giống nhạy cảm với hạn mặn, nếu không để ý, gặp nước mặn vài lần kém phát triển. Việc chủ động tích nước cho sản xuất cũng là giải pháp hiệu quả để người dân sống chung cùng hạn mặn.

* Sẵn sàng ứng phó

Người dân chủ động đào ao tích nước ngọt ứng phó hạn mặn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu – TTXVN

Trước diễn biến này, tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình phòng, chống hạn mặn theo các tình huống dự kiến diễn ra.

Theo đó, tỉnh khẩn trương thực hiện, hoàn thành nạo vét 83 công trình thủy lợi; cải tạo sửa chữa 27 công trình cấp nước; đầu tư hỗ trợ bơm tát và cấp bột xử lý nước; vận động khai thác 10.000 giếng khoan hiện có để ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt, đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước cho sinh hoạt.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết, cùng với các phương án ứng phó hạn mặn, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác hại của thiếu nước, hạn mặn; từ đó, có ý thức tham gia thực hiện các giải pháp do chính quyền đề ra.

Các giải pháp công trình, phi công trình cũng được tập trung thực hiện để ngăn mặn, tiếp ngọt, bảo vệ sản xuất của người dân; xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn; chủ động phương án phòng chống khi hạn mặn xâm nhập sâu và kéo dài nhiều ngày.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, giải pháp ưu tiên hàng đầu của địa phương thời gian tới là đắp các đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đáp ứng nhu cầu cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân; tổ chức vận hành các cống ngăn mặn để bảo vệ vùng sản xuất lúa, cây ăn trái.

Bến tre có 46 địa điểm do độ mặn thường xuyên cung cấp cho người dân biết để chủ động phương án sản xuất phù hợp. Đặt biệt, các vùng sản xuất cây giống, cây ăn trái (huyện Chợ Lách, Châu Thành) có nguy cơ bị chịu ảnh hưởng lớn do cây chịu mặn kém.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang kêu gọi người dân trữ nước, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, năm nay hạn mặn sẽ tương đương hoặc có những thời điểm cao hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016.

Do đó, các tỉnh cần tăng cường giải pháp tích nước không tập trung.Mỗi hộ dân phải chủ động ứng phó hạn mặn, tự tích trữ nước để sản xuất nhất là vùng trồng cây ăn trái vì sẽ lâu phục hồi nếu bị ảnh hưởng hạn mặn.

Các tỉnh chủ động thực hiện giải pháp công trình đắp đập tạm ngăn sông ngắn để tích nước ngọt. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình phòng chống hạn mặn, để đưa vào khai thác; vận hành hiệu quả công trình điều tiết nước, vừa ngăn mặn, giữ ngọt; yêu cầu có biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm; tập trung gia cố đê bao để không ảnh hưởng sản xuất…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, dự báo, hạn mặn sẽ lên đỉnh điểm vào tháng 1 và tháng 2 với thời gian kéo dài.

Vì vậy, người dân không được chủ quan, tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bằng mọi biện pháp linh hoạt để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Về lâu dài, cần tập trung tái cấu trúc toàn vùng trên cơ sở lập quy hoạch vùng, liên kết vùng, để khai thác tiềm năng, lợi thế; giải quyết các thách thức đang ngày càng nặng nề đối với vùng đồng bằng trù phú nhất cả nước, theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phúc Hậu – Thúy Hằng/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Một công trình thủy lợi ứng phó hạn mặn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu – TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/phong-chong-han-man-bai-2-chu-dong-ung-pho/145135.html