Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (bài 1)

Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Mặt khác, quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần có công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả, nó không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vậy đâu là điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?

Khái quát chính sách pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Về “kinh tế tuần hoàn”, đây không phải là một khái niệm mới mà những ý tưởng về tuần hoàn vật liệu đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII. Đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Boulding so sánh trái đất của chúng ta như một tàu vũ trụ trong không gian và đưa ra quan điểm là phải phát triển kinh tế tuần hoàn để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của con người trên trái đất. Theo khảo cứu của chúng tôi thì trên thế giới hiện nay có khoảng 120 cách hiểu rộng, hẹp khác nhau về kinh tế tuần hoàn. Tựu chung lại, quan điểm theo nghĩa hẹp cho rằng, kinh tế tuần hoàn chủ yếu tập trung vào vấn đề chất thải, theo đó tuần hoàn chất thải sẽ giúp giảm phụ thuộc vào tài nguyên, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường bảo đảm phát triển bền vững lâu dài của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có quan điểm hiểu kinh tế tuần hoàn rộng hơn theo đó không chỉ là vấn đề chất thải mà còn bao gồm toàn bộ quá trình vận hành của nền kinh tế từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào, sản xuất, tiêu dùng, đến tiêu thụ nguyên liệu thứ cấp. Quan điểm này tiếp cận kinh tế tuần hoàn theo 4 khâu/giai đoạn của của vòng đời sản phẩm, gồm:

Sản xuất (production), trong đó đặc biệt chú ý đến khâu thiết kế;

Tiêu dùng (Cunsumption);

Quản lý chất thải (Waste Managenment);

Biến chất thải trở lại thành tài nguyên (Secondary Raw Materials).

Dưới giác độ pháp lý ở Việt Nam hiện nay: “Kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Mặt khác, quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần có công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả, nó không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Còn về thuật ngữ “chính sách pháp luật” có thể thấy chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Trong các văn kiện của Đảng, văn bản của Nhà nước, trong bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là trong ngôn ngữ phổ thông chúng ta thường thấy, thường nghe các thuật ngữ “chính sách”, “pháp luật”, hoặc các cụm từ “chính sách, pháp luật”, “chính sách và pháp luật”, “chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, “chủ trương, chính sách và pháp luật”; “pháp luật, cơ chế, chính sách”; “chủ trương, cơ chế, chính sách”. Thậm chí, có người còn sử dụng thuật ngữ “chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước”. Vì vậy, để xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, cần làm rõ khái niệm chính sách pháp luật.

Có thể thấy hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về chính sách pháp luật. Chính sách pháp luật có thể được hiểu là chính sách về pháp luật. Ở Đức, có người quan niệm chính sách pháp luật (Rechtspolitik) liên quan các câu hỏi và các quyết định mà công cụ pháp luật làm thế nào đạt được mục tiêu xã hội nhất định. Đó không phải là câu hỏi dành cho đạo luật hiện hành mà là dành cho đạo luật trong tương lai. Nhà luật học Trần Thái Dương định nghĩa chính sách pháp luật là tổng thể các quan điểm, chủ trương của Nhà nước về việc xây dựng và hoàn thiện (phát triển) hệ thống pháp luật. Trong đề tài đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật bảo đảm phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhóm nghiên cứu hiểu, chính sách pháp luật chứa đựng những quan điểm chung, tổng thể, có tầm khái quát cao, định hướng hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, thực hiện pháp luật và tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động nêu trên trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng chính sách pháp luật trong từng lĩnh vực.

Chia sẻ quan điểm nêu trên, chúng tôi quan niệm: chính sách pháp luật là tổng thể lập trường, tư tưởng, nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, định hướng, chương trình của Nhà nước xác định vai trò và hướng điều chỉnh của pháp luật trong từng giai đoạn hoặc thời kỳ phát triển, làm căn cứ và cơ sở để xây dựng pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu lực pháp luật trong giai đoạn hoặc thời kỳ đó. Cũng giống như các chính sách khác, chính sách pháp luật bao gồm nhiều bộ phận cấu thành tùy thuộc vào cách nhìn nhận về chính sách pháp luật. Một trong những bộ phận của chính sách pháp luật là chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở quan điểm về chính sách pháp luật, chúng tôi cho rằng: “Chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn là tổng thể lập trường, tư tưởng, nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, định hướng, chương trình của Nhà nước xác định vai trò và hướng điều chỉnh của pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong từng giai đoạn hoặc thời kỳ phát triển, làm căn cứ và cơ sở để xây dựng pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, đưa pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn vào cuộc sống và duy trì hiệu lực pháp luật phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hoặc thời kỳ đó”.

Sáu căn cứ phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

tm-img-alt
Minh hoạ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống. Nguồn ảnh: Dự án Compose

Thứ nhất, xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế truyền thống và môi trường ở Việt Nam hiện nay. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, mở cửa phát triển kinh tế theo chiều rộng (chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ) đến nay đã làm cho tài nguyên của Việt Nam cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm dẫn tới phát triển thiếu bền vững. Ở chiều ngược lại, thực tiễn cũng cho thấy nhiều loại chất thải hoàn toàn có thể tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, nhưng lại bị vứt bỏ rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn giúp khắc phục được bất cập nói trên, mở ra hướng phát triển mới bền vững hơn cho Việt Nam.

Thứ hai, xuất phát từ những thế mạnh của các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường . Trong mô hình này chất thải được xử lý trở thành nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo. Do vậy, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giảm thiểu được việc khai thác tài nguyên và hạn chế ô nhiễm, suy thoái môi trường. Có thể thấy, mô hình này hơn hẳn mô hình phát triển kinh tế truyền thống hiện nay.

Thứ ba, xuất phát từ bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tiễn quốc tế. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và chủ động, thể hiện qua việc trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại, tổ chức quốc tế lớn, như: WTO, EVFTA, UKVFTA, CPTPP,… Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển thương mại, các tổ chức, hiệp định này rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên. Do vậy, tham gia vào các sân chơi chung này Việt Nam cần phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật theo luật chơi chung đó, trong đó có việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hơn nữa, trên thế giới đến nay không ít quốc gia đã dần hoàn thiện thể chế pháp lý về kinh tế tuần hoàn và thu được nhiều thành công, như: Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng được Kế hoạch hành động Tuần hoàn 2015 và Chiến lược nhựa 2018. Hay tại Phần Lan, Pháp, Slovenia, Đức và Ý đã công bố các chiến lược và lộ trình thực hiện. Trung Quốc và EU cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn năm 2018. Việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn đã mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế, về môi trường và xã hội. Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Hay ở Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã áp dụng các phương pháp tái chế chất thải rắn thông thường hợp lý, cho nên mỗi năm đã tiết kiệm được 50 đến 55% các loại nguyên liệu như: Bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải. Hơn nữa, ngành công nghiệp này cũng mang lại doanh thu hàng chục tỷ đô la cho các quốc gia này mỗi năm. Đây là những cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển kinh tê tuần hoàn ở Việt Nam.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Thực tiễn Việt Nam hiện nay phát triển chưa bền vững, quyền được sống trong môi trường trong lành vẫn chưa được bảo đảm. Một trong những nguyên nhân là tài nguyên, môi trường ở Việt Nam vẫn đang bị ô nhiễm, suy thoái ngày càng trầm trọng. Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp hạn chế giảm thiểu được thực trạng trên góp phần bảo đảm phát triển bền vững đất nước và quyền được sống trong môi trường trong lành.

Thứ năm, xuất phát từ quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Từ năm 1991, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng đã đưa ra quan điểm phải bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững. Đến năm 2013, Ban chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW khẳng định không chỉ bảo vệ môi trường mà phải quản lý sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Đặc biệt hơn trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2021 lần đầu tiên Đảng khẳng định rõ phải: “(6)…xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.Quan điểm này đặt ra yêu cầu phải sớm nghiên cứu thể chế hóa thành các chính sách, quy định pháp luật để triển khai thực hiện trên thực tiễn.

Thứ sáu, xuất phát từ thực trạng chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Theo khảo cứu của nhóm nghiên cứu, ở Việt Nam hầu như có rất ít quy định về trực tiếp về phát triển kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường năm mới có Điều 142 ghi nhận về vấn đề này ở mức sơ khai nhất. Do vậy, cần phải nghiên cứu để hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này. Tuy nhiên, muốn hoàn thiện được pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn thì cần phải nghiên cứu làm rõ các chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bài 2 – Thực trạng pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Bùi Đức Hiển

Viện Nhà nước và Pháp luật

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam