Phát triển các mô hình kinh tế xanh là bước đi tất yếu

Phát triển nền kinh tế xanh góp phần giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo ra động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh. “Đó là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Bắt kịp theo xu thế trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đột phá trong phát triển mô hình kinh tế xanh. Trong đó phải kể đến các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… ở châu Á; Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… ở châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.

EU: Từ bỏ hoàn toàn nguyên liệu hoá thạch

Tại các nước châu Âu, phát triển kinh tế xanh được thực hiện trong lĩnh vực năng lượng, phát triển giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu định cư sinh thái và hệ thống tái chế. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua tiêu chuẩn về khí thải oto Euro-5, đồng thời chuẩn bị nâng cao tiêu chuẩn mới Euro-6 (tiêu chuẩn chất lượng về khí thải cho xe ô tô). Ủy ban EU công bố kế hoạch vào năm 2020, dự kiến giảm 20% lượng khí thải carbon, cùng với việc tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo lên 20% vào năm 2020. EU cũng thông qua chương trình hướng tới nền kinh tế với lượng carbon thấp giai đoạn 2050. Chương trình đặt mục tiêu giảm 40-44% lượng khí thải đến năm 2030 và giảm 79-82% vào năm 2050.

Hiện nay, Anh, Pháp, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha là những quốc gia châu Âu tiên phong trong việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng của quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong số đó, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Ngoài ra, Thụy Điển cũng đã tuyên bố sẽ hoàn toàn không sử dụng dầu mỏ, đồng thời loại trừ sử dụng than đá và năng lượng hạt nhân ra khỏi quy trình sản xuất.

Đặc biệt, Đan Mạch là quốc gia Bắc Âu có mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hoá thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu tái tạo.

Để hiện thực hóa tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hoá do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hoá.

Đối với ngành xây dựng, Đan Mạch quyết tâm xây những toà nhà có có lượng carbon đioxit vô hại đối với môi trường. Tại các công trình nhà ở, xây dựng, Đan Mạch tiến hành lắp đặt các cửa sổ lớn, sao cho các phòng nhận được tối đa ánh sáng. Hạn chế sử dụng điện bằng việc lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện. Trên mái, bên các bức tường hay ban công được lắp đặt tấm pin mặt trời, chuyển đổi năng lượng thành nhiệt điện. Người dân có thể tự tạo ra năng lượng xanh và bán năng lượng dư thừa cho hệ thống năng lượng quốc gia.

Mỹ: Nâng cao kỹ thuật sản xuất xanh hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo

Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn hưng nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng.

Theo nghiên cứu “Triển vọng năng lượng tái tạo” do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tiến hành cho thấy Mỹ là một trong những nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực này, có thể sản xuất điện năng phần lớn từ năng lượng tái tạo vào năm 2050.

tm-img-alt
San Diago sẽ là thành phố lớn nhất ở Mỹ sử dụng 100% năng lượng tái tạo. (Ảnh Internet)

Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai Năng lượng Sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch.

Đồng thời, Mỹ đã triển khai Đạo luật Chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005 và cho phép các công ty xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức cho doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.

Đẩy mạnh tiêu dùng xanh tại Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia châu Á đi đầu về phát triển xanh và coi tăng trưởng xanh là một phần trong chiến lược quốc gia. Chiến lược xanh của Hàn Quốc gồm ba yếu tố: Công nghiệp, năng lượng và đầu tư. Chiến lược này nhằm duy trì quy mô hoạt động sản xuất kinh tế để tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường lên các nguồn năng lượng và tài nguyên, đồng thời chuyển đổi đầu tư sang các hoạt động môi trường và tăng trưởng kinh tế.

Để hiện thực hóa chiến lược, Hàn Quốc đã ban hành gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” (tháng 1/2009) trị giá 50 nghìn tỉ Won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956 nghìn việc làm. Cũng trong tháng 1/2009, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh” kêu gọi tăng 2 lần chi phí cho công nghệ xanh vào năm 2012, tập trung vào các lĩnh vực như: Tái sử dụng rác thải, chế tạo và sử dụng pin năng lượng mặt trời, dự đoán biến đổi khí hậu, lưu giữ carbon…

Từ năm 2011, Hàn Quốc chi khoảng 60 tỉ USD trong 5 năm cho phát triển xanh, tạo hơn 1,8 triệu việc làm. Cũng trong giai đoạn này, Hàn Quốc xây dựng hệ thống “thẻ thanh toán xanh” để kích thích tiêu thụ hàng hoá xanh. Với sự hỗ trợ của thẻ này, việc sử dụng hàng hoá xanh và sản phẩm tiết kiệm năng lượng ngày càng được phổ biến ở quốc gia này.

Trung Quốc: Triển khai đồng loạt cách mạng công nghiệp xanh

Xu hướng phát triển xanh tại Trung Quốc bắt đầu bằng kế hoạch 5 năm từ năm 2011. Theo đó, quốc gia này đã tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao… Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa hơn 2.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khối lượng đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực bảo toàn năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ thích ứng đã vượt qua chỉ tiêu của Mỹ và EU. Trung Quốc phấn đấu đến 2020 đạt 15% lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, giảm 45% lượng carbon khí thải.

Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng công bố kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, trong đó yêu cầu tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên ít nhất 50%.

Trong khi đó, Thái Lan kỳ vọng, đến năm 2036, các nguồn năng lượng sạch chiếm 30% tổng tiêu thụ năng lượng ở nước này, gần gấp hai lần tỉ lệ hiện tại. Ðể hiện thực hóa ý tưởng này, Thái Lan đã khởi động chương trình năng lượng cho mọi người, theo đó cho phép các nhà đầu tư tư nhân và cộng đồng cùng đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo. Chương trình này bắt đầu được đưa vào thí điểm trong năm 2021.

tm-img-alt
Công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới đã chính thức được khởi công xây dựng tại bang Gurajat (phía Tây Ấn Độ). (Ảnh: pv-magazine.com)

Tại Ấn Ðộ, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu tham vọng tạo ra 175 GW năng lượng tái tạo vào năm 2022 và 450 GW vào năm 2030, mới đây, Thủ tướng N.Mô-đi đã đặt nền móng khởi công xây dựng công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Công viên này dự kiến sẽ giúp Ấn Ðộ giảm 50 triệu tấn khí thải carbon đioxit mỗi năm.

Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền “kinh tế xanh” đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch cần được đẩy nhanh hơn nữa nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu lâu dài về khí hậu và môi trường. Trong đó, tăng trưởng xanh hướng đến nền kinh tế xanh chính là giải pháp hiệu quả để thế giới vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Thùy Linh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Đan Mạch hướng tới mục tiêu từ bỏ sử dụng nguyên liệu hoá thạch trong ngành công nghiệp năng lượng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-cac-mo-hinh-kinh-te-xanh-la-buoc-di-tat-yeu-56732.html