Phát triển bền vững du lịch Việt Nam thời kỳ Covid-19

Du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, được xem là “ngành công nghiệp không khói” và đóng góp khoản thu lớn vào ngân sách nhà nước.

Du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, được xem là “ngành công nghiệp không khói” và đóng góp khoản thu lớn vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay đã tác động rất lớn lên toàn Ngành. Bằng việc tổng hợp các số liệu thống kê, bài viết phân tích tác động của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển du lịch ở Việt Nam; từ đó gợi mở một số đề xuất cho sự phát triển bền vững ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia. Việt Nam là một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù nước ta đã có sự kiểm soát dịch bệnh thành công bước đầu, nhưng Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục, tỷ trọng du lịch trong GDP cũng có sự bứt phá rõ rệt. Du lịch góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của khối ngành dịch vụ từ 38,7% (năm 2000) lên trên 40% (năm 2019). Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 – 2018, khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lượt lên 15,5 triệu lượt và tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm; và là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới; khách nội địa tăng cũng tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lượt lên 80 triệu lượt vào năm 2018.

Năm 2019 tiếp tục đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18,008 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, với mức tăng 16,2% so với năm 2018. Tuy vậy, Du lịch cũng được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch (Chen & cộng sự, 2007). Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu nghiêm trọng từ đầu năm 2020, trở thành đại dịch của thế giới, với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.

Du lịch được dự báo là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Bài viết này tổng quan những tác động của đại dịch Covid – 19 tới ngành Du lịch Việt Nam, phân tích trên 3 khía cạnh: kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường khi đánh giá tác động của dịch bệnh đối với ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Từ đó, bài báo đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

2. Nội dung

2.1. Phát triển du lịch bền vững

Theo Hội nghị Ủy ban Thế giới về Phát triển và Môi trường (hay Ủy ban Brundtland) xác định năm 1987: “Hoạt động phát triển du lịch bền vững là hoạt động phát triển ở một khu vực cụ thể sao cho nội dung, hình thức và quy mô là thích hợp và bền vững theo thời gian, không làm suy thoái môi trường, làm ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ.”.

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới – WTO đưa ra tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janerio năm 1992: “Phát triển du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người” (Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn Hiếu, 2001). Trong định nghĩa này, du lịch đã được hiểu một cách đầy đủ hơn, nó được xem xét trên cả 3 lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường.

Năm 1996, Hội đồng Du lịch và lữ hành quốc tế (WTTC) cho rằng: “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”. Khái niệm này chỉ ra rằng mọi hoạt động du lịch ở hiện tại không được xâm phạm đến lợi ích của thế hệ tương lai và phải luôn tôn trọng đảm bảo duy trì hoạt động ấy một cách liên tục và lâu dài.

Tại hội nghị Bộ trưởng du lịch các nước Đông Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam (từ ngày 11/6 đến ngày 20/6/2004 tại thành phố Huế) đã đưa ra quan điểm về phát triển du lịch bền vững như sau: “Phát triển du lịch bền vững là việc phát triển du lịch nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện tại của du khách, ngành du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau, du lịch bèn vững khả thi về kinh tế nhưng không phá huỷ môi trường mà tương lai của du lịch phụ thuộc vào đó, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương”.

Đối với Việt Nam, “phát triển bền vững” được thể hiện trong Chỉ thị 36/CT của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/06/1998: Mục tiêu và các quan điểm cơ bản cho phát triển bền vững chủ yếu dựa vào hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lí tài nguyên như một cấu thành không thể tách rời của phát triển bền vững.

Theo quan điểm của Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát triển du lịch phải được định hướng và quản lí theo phương châm: Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả 2 góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch, khai thác, sử dụng hợp lí và phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên, chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tránh hiện đại hóa hoặc làm biến dạng môi trường, cảnh quan di tích, xây dựng và giữ gìn môi trường xã hội lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ở các đô thị du lịch và các điểm tham quan du lịch.

Như vậy, có thể nói đối với cả Việt Nam và thế giới, du lịch bền vững không phải là một loại hình hay trào lưu du lịch, mà đó là cương lĩnh phát triển du lịch của thời đại. Du lịch bền vững là phát triển du lịch trong điều kiện bảo tồn và cải thiện các mặt môi trường, kinh tế, văn hóa và xã hội. Quá trình phát triển du lịch thành công cần dựa vào 3 nền tảng: Tính bền vững, sự tham gia cộng đồng, quy mô phát triển du lịch. Trong bối cảnh du lịch hiện nay, tính bền vững cần được xem xét cả về mặt du lịch (du lịch bền vững) lẫn về phía cộng đồng dân cư địa phương, được xây dựng trên 3 trụ cột: Kinh tế bền vững, môi trường bền vững, văn hóa – xã hội bền vững. Kinh tế bền vững: Đạt được tính kinh tế bền vững, giúp ngành du lịch tạo thêm thu nhập và việc làm cho dân cư địa phương, giúp người dân cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế vững mạnh dựa trên cơ sở vật chất tài sản hiện có của người dân.

Môi trường bền vững: phát triển kinh tế, du lịch đi kèm với bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên, không làm thay đổi, xáo trộn hệ sinh thái động thực vật. Văn hóa – xã hội bền vững: sự phát triển của xã hội dần làm mai một nguyên gốc, nguyên sơ, chất phát chân thật của người dân địa phương, du lịch góp phần tái tạo văn hóa khuyến khích lòng tự hào của người dân địa phương từ đó nỗ lực bảo tồn văn hóa cho thế hệ mai sau.

2.2. Thực trạng phát triển du lịch Việt Nam thời điểm Covid-19 năm 2020

Đại dịch Covid – 19 đã khiến hoạt động du lịch toàn cầu đóng băng. Hoạt động đi lại, vận chuyển theo đường hàng không trên toàn thế giới trở nên rất khó khăn, hầu hết các đường bay quốc tế đã đóng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm rất mạnh, từ khoảng 1.994,1 nghìn lượt người vào tháng 1/2020 xuống chỉ còn hơn 449,9 nghìn lượt người vào tháng 3/2020. Tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3.686,8 nghìn lượt người (giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước).

Ngành Du lịch Việt Nam ngừng trệ hoàn toàn khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để ứng phó với đại dịch, như: ngừng nhập cảnh toàn bộ người nước ngoài từ ngày 22/3/2020; dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người; các thành phố lớn đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ từ ngày 28/3/2020 (trừ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, khám chữa bệnh); ngừng hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, hạn chế giao thông công cộng. (Hình 1)

Hình 1: Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người và giảm còn 22,7 nghìn lượt người vào tháng 5 (giảm tới 98,3% so với cùng kỳ năm trước). Trong tháng 6/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 8,8 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, (giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước) do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người (giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước). Đến tháng 11/2020, khách quốc tế đến nước ta có tăng nhẹ, đạt khoảng17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước. Tính chung năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3.837,3 nghìn lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019.

Lượng khách sụt giảm dưới tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nguồn thu dịch vụ du lịch. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2020 đạt khoảng 50,6 nghìn tỷ đồng (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước), doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 1 đạt khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước). Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, người dân hạn chế đi lại, khiến doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 2 đạt 44,4 nghìn tỷ đồng, doanh thu du lịch lữ hành đạt khoảng 3,2 nghìn tỷ đồng.

Do nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động, cùng với lượng khách du lịch giảm, khiến cho doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 đạt khoảng 126,2 nghìn tỷ đồng (giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu du lịch lữ hành quý I đạt 7,8 nghìn tỷ đồng (giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước) do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Hình 2: Doanh thu ngành Du lịch trong 8 tháng năm 2020

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình đã tạm ngừng hoạt động để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4/2020 giảm uống còn 16,8 tỷ đồng, doanh thu du lịch lữ hành giảm xuống còn 0,1 nghìn tỷ đồng.

Nhờ việc khống chế tốt dịch Covid-19, chương trình kích cầu du lịch nội địa đã tạo đà tái khởi động hoạt động du lịch trong tháng 5 và tháng 6, thu được nhiều kết quả tích cực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 tăng lên 32,3 nghìn tỷ đồng, doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý II/2020 đạt 234,7 nghìn tỷ đồng (giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước), doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,3 nghìn tỷ đồng (giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước).

So với tháng 6, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng và doanh thu du lịch lữ hành tháng 7 và 8 giảm xuống, do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa phải hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa.

Tác động của đại dịch tới thu nhập và việc làm của người lao động là rất lớn. Đến tháng 4/2020, có khoảng 90% cơ sở lưu trú phải tạm dừng hoạt động. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với công suất trung bình năm trước (52%). Trong lĩnh vực du lịch, lữ hành là mảng gặp khó khăn nhất.

Với một lực lượng hùng hậu 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa, Covid ập đến gây tổn thất nặng nề cho tất cả các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam: đã có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhiều lao động trong ngành phải nghỉ việc.

Trung bình mỗi ngày có 15 giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế bị thu hồi… Trong quý I và quý II/2020 có khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. Có đên 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Các sơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhân viên ngành Du lịch thất nghiệp. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, nước ta có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhân viên phải nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày một tăng.

Quần thể danh thắng Tràng An

Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm.

Bên cạnh đó, số lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng giảm 70-80% so với năm 2019 khiến cho một bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Nếu như năm 2019, du lịch cộng đồng được coi là nguồn sinh kế mới mang lại thu nhập chính cho một bộ phận người dân, thì đến năm 2020, người dân tại các xóm du lịch phải quay lại với các sinh kế truyền thống hoặc bị thất nghiệp.

Ngoài ra, nhận thức của du khách Việt Nam về tác động của họ với môi trường và cộng đồng địa phương cũng đang dần được cải thiện trong đại dịch. Điều này góp phần mở đường cho những chuyến du lịch bền vững và hơn cả là du lịch tái sinh trong tương lai. Theo khảo sát của Booking.com, 59% du khách Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm những cách du lịch bền vững hơn để giảm các tác động tiêu cực lên môi trường và cộng đồng địa phương, gần 52% khách Việt Nam sẽ sẵn sàng giảm thiểu rác thải và tái chế nhựa trong hành trình của họ.

Để duy trì các nguồn tài nguyên địa phương trong khi đáp ứng các hoạt động du lịch, một số sáng kiến thân thiện với môi trường đã được thực hiện tại các điểm lưu trú, chỗ nghỉ, bao gồm hệ thống quản lý nước thải, tái chế và chất thải thực phẩm, trồng trọt sản phẩm hữu cơ, sử dụng năng lượng mặt trời, cấm sử dụng nhựa và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đại dịch Covid-19 đã “tiết lộ” cơ hội cho những trải nghiệm đa dạng hơn, chậm hơn, nhỏ hơn và chân thực hơn.

Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hill – Đà Nẵng

2.3. Giải pháp phát triển bền vững du lịch Việt Nam thời kỳ Covid – 19

Trong bối cảnh dịch Covid-19, để phát triển bền vững, ngành Du lịch cần có giải pháp cụ thể như sau:

Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai. Việc nâng cao năng lực này gồm nâng cao năng lực doanh nghiệp trên nhiều góc độ như: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, vận hành doanh nghiệp du lịch bền vững, quản trị doanh nghiệp du lịch bền vững,…

Ngoài ra, cũng cần triển khai nhiều hoạt động khác nhau cho doanh nghiệp lữ hành nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, du lịch trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững…, bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; Phát triển cho địa phương; Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa; Bảo vệ tự nhiên; Bảo vệ môi trường; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực; An sinh xã hội; Công bằng xã hội.

Cơ cấu lại ngành Du lịch, từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành Du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch,… Trong đại dịch, người dân có xu hướng nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, góp phần xây vào cộng đồng địa phương bền vững.

Theo khảo sát của Booking.com, 73% người Việt cho biết họ muốn các lựa chọn du lịch của mình cũng hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của điểm đến để xây dựng lại cộng đồng, mở ra con đường phát triển ngành Du lịch tiến bộ hơn, cùng với 72% muốn biết số tiền mà họ chi tiêu được dùng để hỗ trợ cộng đồng địa phương như thế nào. Khi ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu du lịch có trách nhiệm, hướng tới du lịch bền vững, khiến cho nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp được quan tâm; trở thành tiềm năng mới cho nhiều địa phương trong khai thác, tận dụng những ưu thế về địa hình, khí hậu, văn hóa bản địa.

Là một trong những ngành kinh tế dịch vụ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, ngành Du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, quản trị thông minh để từng bước hội nhập và phát triển, vượt qua những khủng hoảng khó khăn trước mắt.

Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương, hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông giữa Trung ương, địa phương và có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp khai thác, phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch; xúc tiến hợp tác với các hãng công nghệ, hãng du lịch trực tuyến trong việc quảng bá du lịch; tổ chức các hội thảo, các hoạt động truyền thông về việc đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh du lịch.

3. Kết luận

Du lịch bền vững là nét xu thế tất yếu của thời đại, có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Du lịch cũng được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch. Hiện nay, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh ấy, ngành Du lịch Việt Nam cần chung tay hành động với sự đồng lòng vào cuộc của cả doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý, cùng nhìn lại những hạn chế, tìm cơ hội trong thách thức và thực hiện các giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chen, M. H., Jang, S. & Kim, W. (2007). The impact of the SARS outbreak on Taiwanese hotel stock performance: An event-study approach. Hospitality Management, 26, 200-212.

2. Đỗ Thu Hằng, Lê Thị Hiệp (2020). Ngành Du lịch Việt Nam trong mùa dịch Covid – 19 và vấn đề đặt ra. Trường Đại học Tây Bắc.

3. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu (2001). Du lịch bền vững. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Phạm Trương Hoàng, Trần Huy Đức và Ngô Đức Anh (2020). Tác động của đại dịch Covid 19 đối với ngành Du lịch Việt Nam và các giải pháp ứng phó. Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

5. Bạch Hồng Việt (2020). Tác động của đại dịch Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học“Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”, Hà Nội.

6. Quang Đông (2019). Để ngành du lịch tăng trưởng bền vững.<https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/e-nganh-du-lich-tang-truong-ben-vung-364676/>

7. Tuyết Loan (2021). Giải pháp cho du lịch thời Covid-19: Bền vững và sản phẩm đa dạng. <https://nhandan.com.vn/dien-dan-dulich/giai-phap-cho-du-lich-thoi-covid-19-ben-vung-va-san-pham-da-dang-631951/>

8. Nguyễn Minh Tuấn, Tống thị Thu Hòa, Đào Thị Thương, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Kiều Hoa (2019). Phát triển du lịch theo hướng bền vững tại Việt Nam . < https://baovemoitruong.org.vn/phat-trien-du-lich-theo-huong-ben-vung-tai-viet-nam/>

9. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2020 https://www.gso.gov.vn/default.

ThS. Lê Hoàng Thị Ngân Hà (Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa)

Theo tapchicongthuong.vn