Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Delaware ở Mỹ đã phát hiện ra nhiều loài vi khuẩn vẫn có thể sống trong lõi của bê tông đặc cứng, khô, mặn và có độ pH lên tới 12,5.
Phát hiện này thực sự rất thú vị. Bởi trong khi một số vi khuẩn có thể báo hiệu sự ăn mòn làm bở bê tông, thứ đang phá hủy các kết cấu hạ tầng như đường xá, cầu cống, các tòa nhà… một số vi khuẩn thực sự có thể sản sinh ra canxi cacbonat (CaCO₃) để sửa chữa chúng, trám vào những vết nứt và lỗ rỗng.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi phó giáo sư Julie Maresca, một nhà nghiên cứu kỹ thuật dân dụng môi trường và các cộng sự. Trong đó, bà và các sinh viên của mình đã đổ 40 mẫu bê tông hình trụ có dung tích khoảng 1 lít và đặt chúng lên trên mái nhà cùng với một số mẫu đối chứng chứa hạt thủy tinh vô trùng.
Rất nhiều chủng vi khuẩn có thể sống bên trong lõi bê tông. |
Kết quả tiết lộ cả hai mẫu bê tông đều có sự hiện diện của vi khuẩn sống bên trong đó, bao gồm Psychrobacter, một trong những loài vi khuẩn sống dai nhất hành tinh từng có mặt trong cả lõi băng Nam Cực.
Maresca giải thích, mỗi kết cấu bê tông vì thế đều mang trong lòng chúng một hệ vi sinh vật riêng. Hầu hết vi khuẩn trong bê tông xâm nhập vào đó từ các cốt liệu lớn và bột xi măng. Maresca đã quan sát thấy những quần thể vi khuẩn phát triển trong bê tông theo mùa. Và chúng có thể cung cấp những cảnh báo sớm về sự xuống cấp của bê tông do phản ứng kiềm-silica tạo ra.
Thông thường, những phản ứng này chỉ được nhận biết khi các vết nứt đã hình thành trên bê tông. Nhưng với việc điều tra quần thể vi khuẩn bên trong đó, Maresca nghĩ rằng bà có thể giúp các kỹ sư dự báo trước khi nào công trình bắt đầu hư hỏng để thay thế và sửa chữa.
Có một sự thật rằng bê tông hiện đang là vật liệu xây dựng phổ biến nhất Thế giới. Nó có mặt ở khắp mọi nơi, từ đường xá, cầu cống, các tòa nhà và kết cấu khác. Vì vậy, Maresca cho biết bất kỳ ai quan tâm đến độ bền của các công trình này đều nên lưu ý đến các vi khuẩn sống trong đó.
Nếu từ quần thể vi khuẩn chúng ta có thể biết những con đường hay cây cầu nào đang gặp rủi ro, chúng ta có thể lên một danh sách ưu tiên để sửa chữa chúng theo thứ tự. Công trình nào cần sửa trước và công trình nào sửa sau cũng được, bà nói.
Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, Maresca cho biết có một số quần thể vi khuẩn có khả năng ghép nối sinh học được với bê tông. Chúng sinh ra canxi cacbonat, hay đá vôi có thể lấp đầy các vết nứt và lỗ rỗng cho các công trình. Bởi vậy, vi khuẩn cũng có thể đóng vai trò như những công nhân sửa chữa, giúp các công trình của loài người đứng vững trở lại.
Sự hiện diện của chúng chỉ mang tính báo hiệu cho chúng ta biết thiệt hại đang xảy ra. Và một số loài thậm chí còn giúp chúng ta đảo ngược thiệt hại. Chúng tôi hi vọng các vi khuẩn này có thể được dùng để thu thập thông tin và giúp con người sửa chữa các kết cấu bê tông của mình, Maresca nhấn mạnh.
Sau nghiên cứu về vi khuẩn sống trong bê tông, bà và nhóm dự định sẽ tiến hành các nghiên cứu tương tự để tìm kiếm vi khuẩn bên trong đá, đất sa mạc và thậm chí cả đá Sao Hỏa nếu có thể. Các vi sinh vật bé nhỏ này là một phần của sự sống và chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho con người, chỉ cần chúng ta biết dùng chúng đúng cách.
Theo VLXD.org
Ảnh: Phó giáo sư Julie Maresca, một nhà nghiên cứu kỹ thuật dân dụng môi trường tại Đại học Delaware.