Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 45 khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với diện tích hơn 834,28ha; trữ lượng tài nguyên dự báo hơn 60 triệu m3. Đến nay UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép 38 khu vực mỏ, trong đó có 20 mỏ còn hiệu lực với tổng diện tích 360,77ha; tổng trữ lượng hơn 18 triệu m3.
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định trong cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đối với 28 mỏ trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm tại các mỏ khoáng sản.
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đã thu của 28 mỏ khoáng sản là 13,1 tỷ đồng, tổng số tiền lãi phát sinh từ khi bắt đầu nhận tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đến ngày 30/6/2023 là hơn 1 tỷ đồng. Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện mỏ của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long tại khu vực đồi Kiền Kiền (xã Phong Thu, huyện Phong Điền) khai thác làm vật liệu san lấp đã hết thời hạn khai thác nhưng đơn vị khai thác không xác định tiền trượt giá hàng năm theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. Công ty này không thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường.
Tại mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Ngọc (khu vực Trốc Voi 1, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích 14,7ha. Mặc dù thời gian khai thác và trữ lượng khai thác của mỏ vẫn còn nhưng Công ty TNHH Hoàng Ngọc có đơn đề nghị trả giấy phép khai thác khoáng sản và có tờ trình về việc không phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.
Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thống nhất với đề xuất chưa thực hiện thủ tục phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khi thực hiện việc trả lại giấy phép khai thác khoáng sản của mỏ đất. Sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đấu giá lại quyền khai thác khoáng sản mỏ đất trên và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng 175 đã trúng đấu giá quyền khai thác đối với diện tích 14,7ha. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa có phương án xử lý đối với số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và tiền lãi phát sinh do Công ty TNHH Hoàng Ngọc nộp trước đó đối với diện tích 14,7ha nói trên.
Tương tự, mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Thành Long tại khu vực đồi Động Tranh (thôn Lương Điền, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) đã dừng khai thác nhưng Công ty này không nộp đủ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Có một số mỏ khai thác khoáng sản dù giấy phép khai thác hết hạn nhưng doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và không nộp số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường các năm còn lại gây khó khăn trong việc thu hồi toàn bộ số tiền ký quỹ.
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị các chủ mỏ thực hiện điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng các doanh nghiệp “chây ỳ”, không triển khai thực hiện. Ngoài ra, có 4 mỏ đã quá thời hạn đóng cửa mỏ nhưng đến thời điểm thanh tra, các đơn vị khai thác vẫn không lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị chủ mỏ có hành vi không thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản.
Ngoài các vi phạm kể trên, qua công tác thanh tra việc kê khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính tại các đơn vị khai thác mỏ khoáng sản, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế còn phát hiện có 19/28 mỏ vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng; kê khai không đúng thuế suất, đơn giá tính thuế tài nguyên, hệ số tính phí bảo vệ môi trường theo phương pháp khai thác lộ thiên; sản lượng khai thác lớn hơn so với giấy phép khai thác được cấp. Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý truy thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó có 15/28 mỏ kê khai thiếu thuế tài nguyên với số tiền hơn 2 tỷ đồng; 16/28 mỏ kê khai thiếu phí bảo vệ môi trường với số tiền hơn 1,17 tỷ đồng; 4/28 mỏ khai thác sản lượng lớn hơn so với giấy phép khai thác được cấp dẫn đến phải truy thu giá trị khoáng sản thu được đối với sản lượng khai thác lớn hơn giấy phép số tiền hơn 1,34 tỷ đồng.
Ông Lương Bảo Toàn, Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên cơ sở kết quả thanh tra, căn cứ vào các quy định pháp luật, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và các đơn vị tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, các cá nhân có liên quan. Tiến hành tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biện pháp thu hồi đất để giao địa phương quản lý đối với 6 mỏ đã hết thời hạn khai thác nhưng không thực hiện các thủ tục thuê đất; có biện pháp sử dụng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường do các đơn vị được cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp đã thực hiện ký quỹ để thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đối với các mỏ không thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Đồng thời yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm kết luận thanh tra và quyết định xử lý thu hồi tiền; thực hiện việc kê khai và quyết toán thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; khai thác đúng theo giấy phép được cấp.
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Hoạt động khai thác mỏ đất tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Xem bài viết gốc tại đây: