Phát hiện 335 xác lợn chết trên sông, ngành chức năng chỉ đạo khẩn

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa ban hành 2 công văn yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp ở 24 tỉnh, thành phố; đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Nam.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y vùng II, từ giữa tháng 4/2019 đến nay xuất hiện nhiều xác lợn chết dạt vào khu vực cầu phao sông Hóa (giữa xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và xã Thụy Hương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) và cầu phao dân sinh – cầu ông Khởi giữa xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng và xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ngày 20/4/2019, chính quyền và các cơ quan liên quan của thành phố Hải Phòng đã thu gom xác lợn chết, chôn hủy gần 300 xác lợn; ngày 25/4/2019, các cơ quan của thành phố Hải Phòng tiếp tục phát hiện, thu gom và chôn hủy 25 xác lợn tại dọc tuyến sông Hóa (khu vực cầu phao sông Hóa và cầu ông Khởi).

Cục Thú y đã thành lập ngay đoàn công tác phối hợp với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.Hải Phòng và tỉnh Thái Bình đến kiểm tra tại các địa điểm nêu trên và tiếp tục phát hiện hơn 10 xác lợn chết ở bên cạnh cầu phao sông Hóa.

Kết quả các đợt kiểm tra, xử lý chôn xác lợn cho thấy nhiều xác lợn đã chuyển màu vàng, phần lớn đã bị phân hủy bốc mùi, không xác định được nguyên dạng, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh; nhận định xác lợn từ các địa phương có liên quan như các tỉnh Hải Dương, Thái Bình và thành phố Hải Phòng, qua nhiều ngày trôi dạt về sông Hóa và các cầu phao nêu trên.

Để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã huy động các lực lượng của địa phương tổ chức phát hiện, kịp thời tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; chấm dứt ngay tình trạng nêu trên.

Giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi bị bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đã có công văn do Phó Trưởng ban – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ký yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Tiêu độc khử trùng môi trường phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: I.T

Công văn nêu, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số lượng địa phương cấp xã phát sinh ổ dịch mới, số lợn buộc phải tiêu hủy còn cao. Nguyên nhân là do việc phát hiện, khai báo lợn bệnh còn chậm, dẫn đến việc tổ chức tiêu hủy chưa kịp thời, chưa triệt để, không hoàn thành việc tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh theo quy định; việc tổ chức tiêu hủy lợn chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; công tác kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch đến các địa phương khác chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng;…

Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị các địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở để kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi giết hủy phải bảo đảm không để rơi vãi chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, máu của lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh ra ngoài môi trường; Người, phương tiện, dụng cụ sử dụng cho việc tiêu hủy lợn phải được vệ sinh, sát trùng nhằm bảo đảm không để mầm bệnh phát tán, lây lan.

Hướng dẫn người chăn nuôi tập trung áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên sát trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ lợn, lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới được phép tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm (tại địa phương đã có dịch).

Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không vứt xác lợn ra môi trường. Chấn chỉ công tác quản lý kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch theo đúng quy định.

Anh Thơ – Báo Dân Việt

Theo Dân Việt

Ảnh: Hình ảnh lợn chết trên sông Trà Lý (Thái Bình). Ảnh: THTB.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://danviet.vn/nha-nong/phat-hien-335-xac-lon-chet-tren-song-nganh-chuc-nang-chi-dao-khan-978670.html