Phân tích bài học thành công của nước ngoài có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng, triển khai các mô hình phân loại rác ở nước ta.
Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố nước ta đang mày mò tìm mô hình phân loại rác tại nguồn, tuy vậy chưa có mô hình nào thành công. Các nước trên thế giớ đã có từ 10 đến 30 năm triển khai việc phân loại rác tại nguồn, trong đó có nhiều mô hình thành công phù hợp điều kiện từng nước, vùng lãnh thổ và văn hoá của người dân địa phương. Phân tích bài học thành công của nước ngoài có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng, triển khai các mô hình phân loại rác ở nước ta.
Những mô hình thành công
Việc phát sinh chất thải gia đình gây sức ép ngày càng lớn đối với môi trường ở bang Penang (Malaysia). Để giải quyết vấn đề này, chính quyền bang Penang đã triển khai dự án “Phân loại rác thải tại nguồn: giải quyết ô nhiễm vi nhựa dựa trên cơ sở giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu hồi nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”. Đây là dự án do Bộ Môi trường và Nước Malaysia chủ trì, Trung tâm Công nghệ xanh và Biến đổi khí hậu Malaysia thực hiện. Dự án nằm trong khuôn khổ chương trình “SEA circular” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Điều phối về Biển Đông Á (COBSEA) với sự hỗ trợ kinh phí của Chính phủ Thụy Điển. Penang là bang nhỏ thứ hai của Malaysia nằm ở phía Tây Bắc Malaysia, gồm khu vực đất liền Seberang Perai và đảo Penang. Được mệnh danh là “Hòn ngọc Phương Đông”, Penang là một bang đô thị hóa với số dân 1,98 triệu người và tổng diện tích 1.049 km2.
Penang đang phải đối mặt với những thách thức trong quản lý chất thải rắn do quỹ đất hạn hẹp. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền Penang đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển bền vững thông qua nhiều sáng kiến khác nhau trong 12 năm qua. Tháng 9 năm 2020, Chính quyền thành phố Seberang Perai (MBSP) đưa ra Lộ trình kinh tế tuần hoàn Seberang Perai.
Đây là Lộ trình kinh tế tuần hoàn đầu tiên ở cấp tiểu bang ở Malaysia. Lộ trình nhấn mạnh việc sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm chất thải được đưa đến bãi chôn lấp, bao gồm 8 phần: giảm sự phụ thuộc vào bãi chôn lấp; tái chế và tái sử dụng; nhựa sử dụng một lần; chất thải thực phẩm; chất thải xây dựng và phá dỡ; chất thải điện tử và chất thải nguy hại; năng lượng tái tạo; và nước và nước thải. Vào năm 2021, Chính quyền bang Penang đã lên kế hoạch cho một lộ trình đa chiều để cách mạng hóa công tác quản lý chất thải ở Penang – Lộ trình Quản lý chất thải Penang 2030. Lộ trình này sẽ là khuôn khổ để Penang tập trung vào các mục tiêu ngăn chặn chất thải và xây dựng chính sách ngành công nghiệp chất thải có thể thúc đẩy tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Bang Penang thông qua Đạo luật Chính quyền địa phương năm 1976 (các hội đồng địa phương của bang quản lý rác thải của bang một cách độc lập) và thực hiện Chính sách Phân loại rác tại nguồn (WSAS) vào năm 2016, trong đó người dân được yêu cầu phân loại rác của họ thành hai dòng: rác tái chế và rác thải chung trước khi các cơ quan chức năng địa phương thu gom. Cư dân cũng được khuyến khích giảm thiểu chất thải của họ bằng cách tái sử dụng hoặc làm phân vi sinh.
Để nâng cao hơn nữa và gia tăng giá trị cho các cam kết môi trường của cộng đồng, bang Penang thành lập Trung tâm Tài nguyên môi trường (ERC) và nâng cấp với một ki-ốt nhựa tuần hoàn áp dụng 4R. ERC là một “chất xúc tác” làm việc với khu vực phi chính thức liên quan đến vấn đề rác thải và thúc đẩy tinh thần tình nguyện của cộng đồng trong việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng một cách toàn diện. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ dự án tái chế chất thải nhựa thành sợi nhựa cho máy in 3D (Precious Plastics). Đối với dự án thử nghiệm này, Universiti Sains Malaysia (USM) đã đề xuất một máy tái chế 4 trong 1 bao gồm máy nghiền nhựa, máy đùn sợi nhựa, máy cuộn sợi nhựa và máy in 3D. Nhựa đã qua sử dụng sau khi tiêu dùng như polyethylene terephthalate (PET) và polyethylene mật độ cao (HDPE) có thể được nghiền nhỏ và in thành các sản phẩm mới (khối chữ cái, móc khóa,…) tại ki-ốt này, được bán để tạo thu nhập cho nhóm người có thu nhập thấp và mẹ đơn thân. Chiến lược ứng phó hạ nguồn này bao gồm các phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn để giảm rò rỉ nhựa trên đất liền.
Các đơn vị tái chế địa phương tham gia vào dự án thí điểm này đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thu gom cho các hoạt động tái chế tại Trung tâm tài nguyên môi trường (ERC). Ngoài các ki-ốt nhựa, ERC tại Kampung Permatang Nibong còn có máy nghiền nhựa dùng để băm nhỏ tất cả các loại rác thải nhựa. Các nhà tái chế địa phương sẽ mua nhựa vụn từ ERC.
Để nâng cao nỗ lực giáo dục 4R và nâng cao nhận thức cộng đồng, các chương trình giáo dục dựa vào gia đình như trò chơi Không sử dụng nhựa dùng một lần (NSUP), Plastic-licious và Snap&Win đã được giới thiệu để khuyến khích cộng đồng địa phương thực hành phân loại rác thải nhựa và tăng tỷ lệ tái chế. Đổi lại, các cư dân tham gia Plastic-licious và Snap&Win sẽ nhận được phần thưởng là các sản phẩm thân thiện môi trường như rơm rạ, cốc có thể gập lại, bàn chải đánh răng tre và túi từ Penang Green Council.
Báo Tài Nguyên và Môi trường giới thiệu một mô hình phân loại rác tại nguồn rất hiệu quả tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ngày 1/7/2020 là ngày đầu các quy định mới có hiệu lực ở Thượng Hải, đánh dấu một giai đoạn mới của việc phân loại rác bắt buộc tại Thượng Hải (Trung Quốc). Và nơi đây chính thức trở thành địa phương đầu tiên của Trung Quốc triển khai nghiêm túc quy định này. Từ năm 2000, Trung Quốc đã cho thử nghiệm hệ thống phân loại rác đặt tại 8 thành phố, nhưng việc này đã không tạo được thói quen cho người dân, bởi sau khi thu gom, rác lại được đổ chung khiến việc phân loại trở nên vô ích
Năm 2017, khi Trung Quốc thúc đẩy khái niệm “văn minh sinh thái”, Chính phủ đã ban hành kế hoạch phân loại rác bắt buộc và một nỗ lực mới đã bắt đầu, Thượng Hải đã từng bước triển khai “phân tách rác thải từ đầu đến cuối”. Rác thải của thành phố được giữ riêng, vận chuyển riêng và xử lý riêng trên quy mô nhỏ từ năm 2011 đến nay. Chất thải ướt của quận đều được xử lý đúng cách. Chất thải có thể tái chế được thu gom thông qua 3.000 điểm tái chế được đặt bên cạnh các điểm thu gom chất thải ướt và khô. Người dân Thượng Hải không phải chỉ phân loại rác, mà còn phải mang rác thải sau phân loại đến một số nơi nhất định, vào những thời điểm nhất định. Các thùng chứa rác được đặt và kiểm soát ở các địa điểm cụ thể, chỉ mở vào một số thời điểm nhất định. Nếu không thực hiện, người dân có thể bị phạt từ 50 đến 200 nhân dân tệ (tương đương từ 7 đến 30 đô la Mỹ) vì vi phạm, trong khi các công ty có thể bị phạt tới 50.000 nhân dân tệ (tương đương 7.300 đô la Mỹ). Những biện pháp trừng phạt đó được triển khai ngay từ ngày đầu. Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt hệ thống phân loại rác ở hầu hết các thành phố lớn vào năm 2025. Bài học về quá trình phân loại rác thải ở Thượng Hải hiện nay, được xem là định hướng cho quá trình triển khai phân loại rác tại các thành phố khác của Trung Quốc vào những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Waste Atlas, mỗi năm, Nhật Bản xả ra khoảng 45 triệu tấn rác, đứng thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn rác như ở Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản chọn giải pháp là đốt rác. Nhật Bản sử dụng phương pháp đốt bằng tầng sôi để đốt những vật liệu khó cháy. 20,8% lượng rác thải hằng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, trong đó có các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET). PET là loại vật liệu phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hoá trên khắp nước Nhật Bản. Nhiều công ty của Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất mới. Chai lọ PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợ may quần áo, túi, thảm và áo mưa. Để giảm tải việc xả rác ra môi trường, người dân nước này luôn trân trọng tất cả vật dụng vẫn còn giá trị sử dụng và luôn cố gắng tái sử dụng chứ không vứt ngay. Bên cạnh đó, việc phân loại rác rất chính xác và khắt khe.
Về cơ bản, rác được chia làm 4 loại thông thường. Thứ nhất, rác đốt được như giấy gói, vỏ nhựa, chai nhựa, cao – su và da, loại rác này được thu gom từ nhà dân 2 lần mỗi tuần. Thứ hai các loại rác không đốt được như đồ gốm, sứ, kính mắt, đồ điện tử, chảo… sẽ được thu gom vào mỗi tháng. Hai loại rác còn lại là rác quá khổ và các loại lon, vỏ hộp kim loại, sẽ được thu gom 2 lần một tháng. Chỉ có 1% rác thải bị thải ra môi trường, phần lớn rác được tiêu huỷ trong các lò đốt rác khổng lồ. Người dân nước này cũng phải trả rất nhiều tiền cho các dịch vụ thu gom và xử lý các loại rác đặc biệt như đồ điện tử, xe gắn máy, hoặc đồ quá khổ. Ở Tokyo người dân sẽ phải trả khoảng 1.200 yên để vứt một chiếc đệm, 2.000 yên cho một chiếc sofa.
Hàn Quốc là một trong những nước thực hiện rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn cho nên việc xử lý rác ít tốn kém. Rác được phân loại và bỏ vào các túi màu xanh, màu vàng khác nhau. Mỗi loại rác đi vào các nhà máy khác nhau. Các túi này được sản xuất theo quy chuẩn của Nhà nước. Rác được bỏ trong những túi này mới được thu gom. Đặc biệt, rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biogas cung cấp cho phát điện.
Tại Đông Nam Á, Singapore đã thành công trong quản lý và xử lý rác thải rắn để bảo vệ môi trường. Chính phủ Singapore đang yêu cầu tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh để giảm chi ngân sách cho Nhà nước.
Ở Đan Mạch chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những loại rác có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải tái chế được ở những trung tâm tái chế mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên họ có thể bị phạt rất nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế vào lò đốt. Nhà máy Vestforbranending ở Copenhagen là nhà máy xử lý chất thải kiểu mới lớn nhất của Đan Mạch. Tại đây xe tải chở chất thải phải dừng lại ở trạm cân trước khi đi vào nhà máy để đổ rác. Sau đó sẽ có người kiểm tra ngẫu nhiên, nếu phát hiện được rác có thể tái chế được người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Tại Ấn Độ hằng năm thải khoảng 6,4 triệu tấn rác thải nguy hại, trong đó 3,09 trệu tấn có thể tái chế được, 0,41 triệu tấn có thể tiêu huỷ và 2,73 triệu tấn sẽ phải đổ ra bãi chứa rác thải. Hầu hết rác có đặc tính phù hợp cho việc tận dụng chúng làm nguyên liệu nguồn hoặc cho việc khôi phục năng lượng hoặc các nguyên liệu như kim loại hoặc sử dụng chúng trong ngành xây dựng, chế tạo các sản phẩm cấp thấp hoặc cho khôi phục lại chính sản phẩm đó, mà sau khi sử lý có thể được sử dụng như là một nguyên liệu nguồn. Do vậy một ý tưởng mới hình thành để sử lý rác thải nguy hại làm nguyên liệu nguồn thay vì là nguyên liệu khó thải bỏ.
Việc xử dụng các nhiên liệu thay thế hoặc các nhiên liệu tái chế từ rác thải (RDF) là một việc làm thông thường trong ngành công nghiệp xi-măng Ấn Độ. Nhà máy RDF đầu tiên đã được xây dựng trong năm 2006 bởi Grasim Industries tại nhà máy Adithya ở Rajasthan. Kể từ đó đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã cấp phép cho 22 nhà máy xi – măng để xây dựng các nhà máy sản xuất RDF tương tự.
Australia là một trong những quốc gia thải rác nhiều nhất trên thế giới. Nếu không tính đến Mỹ, Australia thải ra một lượng rác mỗi năm nhiều hơn bất cứ một quốc gia nào. Ước tính một người dân Australia mỗi ngày thải ra 3kg rác. Chất thải này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Đối với chất thải rắn như rác sinh hoạt, sản phẩm công nghiệp tại các bãi chôn lấp, tuy nhiên số lượng các bãi chôn lấp có hạn. Nằm ở miềm nam Australia, Adelaide được coi là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới. 85% rác thải được thành phố tái chế. Đây cũng là một trong những thành phố có môi trường bền vững nhất Australia.
Tại Mỹ các trạm trung chuyển đóng vai trò liên kết giữa cơ sở thu gom và cơ sở xử lý rác cuối cùng, thực hiện các hoạt động phân loại và nén chặt rác thành các kiện. Tập kết và đưa chất thải lên những toa xe vận chuyển lớn hơn để di chuyển đường dài. Hoạt động phân tách các loại rác tái chế khỏi vòng chất thải và xác định các loại chất thải bỏ tại các trạm trung chuyển đã giúp gia tăng hiệu quả xử lý chất thải, giảm số lượng rác vận chuyển đến bãi chôn lấp và cải thiện tỷ lệ tái chế ở Mỹ.
Cũng tương tự như ở Mỹ, sau thu gom chất thải tại Italia cũng không được đưa thảng đến các bãi chôn lấp mà được vận chuyển đến nhà máy cơ học – sinh học. Nhà máy này làm nhiệm vụ phân loại cơ học các vật liệu tái chế và xử lý sinh học nhằm làm giảm khối lượng và đưa rác thải về trạng thái ổn định.
Bài học 4C
Phân tích mô hình phân loại rác thành công của nhiều nước trên thế giới trong suốt 30 năm qua, chúng ta có thể rút ra bài học với 4 chữ C. Chữ C thứ nhất viết tắt cho cụm từ: chính quyền. Rõ ràng mô hình phân loại rác tại bang Penang, hay Thượng Hải nêu ở trên nếu chính quyền không vào cuộc chắc không thể thành công. Nếu không có sự điều hành thống nhất từ chính quyền thì các đơn vị chức năng không thể hoạt động nhịp nhàng trong việc phân loại rác, thu gom và xử lý. Không có sự can thiệp của chính quyền thì Trung tâm Tài nguyên môi trường (ERC) của bang Penang không thể đặt các ki-ốt nhựa tại các điểm trung tâm, thuận lợi cho việc thu gom rác thải nhựa sau phân loại. Không có sự can thiệp của các cấp chính quyền thành phố Thượng Hải không thể đặt được 3000 điểm tái chế đặt bên cạnh các điểm thu gom chất thải ướt và khô, cũng như không thể phạt được người dân nếu không chịu phân loại rác hay đổ rác sau phân loại đúng giờ và đúng nơi quy định. Bản thân thị trưởng thành phố Hino (Nhật Bản) cùng cán bộ phụ trách đại diện cho chính quyền đã xuống tận nhà người dân để vận động, thuyết phục. Thành phố đã tổ chức hàng nghìn cuộc họp với người dân để thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu tác dụng của việc phân loại rác tại nguồn.
Chữ C thứ hai viết tắt cho cụm từ: cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch. Để Triển khai bài bản thống nhất từ trên xuống dưới bang Penang hay chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) không chỉ vào cuộc mà còn ban hành cơ chế, chính sách, các chương trình kế hoạch liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp để triển khai thành công việc phân loại rác tại nguồn cũng như xử lý rác thải sau phân loại. Đó là Dự án “Phân loại rác thải tại nguồn: giải quyết ô nhiễm vi nhựa dựa trên cơ sở giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu hồi nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn” hay “Lộ trình kinh tế tuần hoàn Seberang Perai” – lộ trình được ban hành đầu tiên ở Malaysia; thực hiện Chính sách phân loại rác tại nguồn (WSAS) vào năm 2016. Năm 2017, khi Trung Quốc thúc đẩy khái niệm “văn minh sinh thái” Chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch phân loại rác bắt buộc, thành phố Thượng Hải triển khai kế hoạch “phân tách rác thải từ đầu đến cuối”. Đan Mạch đã ban hành luật với điều khoản cụ thể: Cấm đốt những loại rác có thể tái chế được.
Chữ C thứ ba viết tắt cho cụm từ: cộng đồng. Thực tế cho thấy dù chính quyền có vào cuộc, ban hành nhiều cơ chế chính sách, chương trình kế hoạch về phân loại rác nhưng cộng đồng không tham gia hay thờ ơ thì cũng thất bại. Nhờ có cộng đồng tham gia thì các mô hình phân loại rác tại bang Penang, Thượng Hải, thành phố Hino (Tokyo), thành phố Hordholm (Đan Mạch)…nói trên mới thành công. Để cộng đồng tham gia nhiệt tình thì khâu vận động tuyên truyền đóng vái trò quan trọng. Li Changjun một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Kỹ thuật và Khoa học môi trường của Trường đại học Fudan (Trung Quốc) cho biết: “Nghiên cứu cho thấy tình nguyện viên tham gia hiệu quả hơn nhiều việc tuyên truyền bằng áp phích. Các tình nguyện viên khuyến khích cư dân phân loại rác là yếu tố cộng đồng quan trọng nhất. Còn các chính sách về phần thưởng vật chất, dựa trên tính điểm tác động không đáng kể.
Chữ C thứ tư viết tắt cho cụm từ: công nghệ. Công nghệ là khâu quan trọng trong việc xử lý rác thải sau phân loại. Công nghệ càng hiện đại càng ảnh hưởng tích cực tới việc phân loại, xử lý rác thải. Ngài Morten Slotved thị trưởng thành phố Hordholm – địa phương có thu nhập tính theo đầu người cao nhất Đan Mạch cho biết nhà máy xử lý chất thải đã giúp làm giảm chi phí sưởi ấm và nâng cao giá trị các ngôi nhà của người dân địa phương. Ở thành phố này chỉ có 4% rác thải được đưa đến bãi rác và 1% gồm hoá chất, sơn và chất thải điện tử được chuyển tới bãi chôn lấp đặc biệt. 61% rác thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy biết chất thải thành năng lượng. Những nhà máy này đã sử dụng nhiều thiết bị sàng lọc mới để loại ra những chất có thể gây ô nhiễm trước khi đưa vào lò đốt. Do sử dụng công nghệ hiện đại cho nên mức ô nhiễm trong khói của các nhà máy này thấp hơn tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu từ 10 đến 20%. Những chất thải có thể gấy ô nhiễm được xử lý riêng, chứ không phải đem chôn. Cũng nhờ có công nghệ hiện đại mà hệ thống các trạm trung chuyển rác tại Mỹ phát huy hiệu quả trong việc phân loại rác và giảm tối đa lượng rác thải phải mang đi chôn lấp.
Bài học thành công trong việc xây dựng các mô hình phân loại rác ở các nước trên thế giới nói trên là kinh nghiệm quý để các đơn vị rút kinh nghiệm và học tập khi triển khai Chương trình “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững” (Chương trình phối hợp giữa Vureia và Pro Viet Nam) hoặc các chương trình, dự án khác. Nhất là kinh nghiệm sử dụng đội ngũ tình nguyện viên đi vận động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.
Hạ Vy
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Một trạm phân loại rác mới được xây dựng ở Thượng Hải. Ảnh: Wu Yixiu