Phân quyền cho địa phương tự chủ bảo trì quốc lộ

Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh, thành phố quản lý, bảo trì quốc lộ, nhằm tăng cường huy động vốn, nguồn lực của địa phương tham gia đầu tư phát triển, quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì hệ thống đường bộ quốc gia và tạo điều kiện cho địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực vận tải đường bộ.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN – Bộ GTVT)), trong số hơn 24.000 km quốc lộ hiện nay của cả nước, có đến 60% đang ủy thác cho các sở GTVT quản lý bảo trì. Thực hiện cơ chế tài chính ủy thác, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch, lập danh mục và phân bổ nguồn vốn bảo trì hàng năm cho các Sở GTVT. Vì vậy, khi phân cấp, phân quyền cho địa phương, Bộ GTVT sẽ không liên quan đến nguồn vốn, trực tiếp chuyển về cho các địa phương sử dụng quản lý bảo trì quốc lộ.

Dự thảo Luật Đường bộ cũng cho phép địa phương dùng ngân sách để đầu tư quốc lộ. Quy định này giúp các địa phương có điều kiện chủ động bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, huy động được nguồn ngân sách dư của địa phương để cùng Trung ương phát triển hạ tầng.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì (TCĐBVN) cho biết, dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình quốc lộ được phân cấp. Đối với các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì phân quyền cho thành phố quản lý, bảo trì và thực hiện việc quản lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc quản lý khai thác, bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GTVT chưa phân cấp quản lý bảo trì được cho các địa phương, vì vướng mắc về pháp luật quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Giao thông đường bộ và các thủ tục phân bổ ngân sách. Theo Luật Ngân sách, vốn bảo trì quốc lộ thuộc vốn chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương. Thẩm quyền giao ngân sách Trung ương lại thuộc Quốc hội và Thủ tướng. Về thẩm quyền của Thủ tướng, chỉ giao dự toán ngân sách cho cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, không giao được cho UBND tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, hiện nay, Luật Quản lý tài sản công đang quy định: Tài sản công đang ở cấp nào, cơ quan nào thì cơ quan đó phải quản lý sử dụng. Quốc lộ là tài sản công thuộc Trung ương quản lý, được hạch toán tại Bộ GTVT và Bộ Tài chính là đầu mối quản lý tài sản công quốc gia. Bộ GTVT có trách nhiệm lập, bảo quản, sử dụng, khai thác đúng mục đích theo công năng của tuyến đường.

Qua tìm hiểu, nếu Luật Đường bộ được thông qua, sẽ là nền tảng pháp lý để triển khai việc phân cấp, phân quyền bảo trì quốc lộ. UBND tỉnh, thành phố sẽ nhận quốc lộ qua địa phương và tổ chức quản lý bảo trì bằng nguồn vốn từ Bộ GTVT và chịu sự hướng dẫn của Bộ GTVT trong hạch toán tài sản.

Chủ động bảo trì

Theo đại diện các Sở GTVT, việc phân cấp, phân quyền cho các tỉnh quản lý, bảo trì quốc lộ hiện nay là cần thiết, giúp các địa phương chủ động, phát huy nguồn lực tại chỗ; tháo gỡ được vướng mắc khi địa phương muốn sử dụng ngân sách để đầu tư cao tốc, nâng cấp các tuyến quốc lộ để phát triển du lịch; phát huy được công tác quản lý gần nhất.

Song, nhiều Sở GTVT cũng cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cần phải được thực hiện triệt để, đi đôi với giao vốn để địa phương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu triển khai “nửa vời” dễ xảy ra tình trạng địa phương chỉ thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm ủy quyền, khó thống nhất, vì nhiều quốc lộ đi qua nhiều địa phương.

Thực tế, việc phân cấp, phân quyền bao trì quốc lộ hiện nay phù hợp với định hướng của Chính phủ trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ phân định rõ các tuyến quốc lộ chính yếu và thứ yếu, nếu việc phân cấp, phân quyền được thực hiện hợp lý sẽ phát huy hiệu quả khai thác, quản lý bảo trì, phát triển đồng bộ giữa các vùng, đảm bảo phân luồng giao thông…

TCĐBVN đang nghiên cứu xây dựng Thông tư phân cấp một phần cho địa phuơng quản lý một số quốc lộ thứ yếu, thể hiện chủ trương phân cấp của Bộ GTVT đối với UBND các tỉnh, thành phố trong việc tham gia quản lý bảo trì. Tới đây trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT sẽ có phương án đề xuất nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh việc phân quyền cho địa phương theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

TCĐBVN cũng đang tập trung rà soát, điều chỉnh những đoạn tuyến quốc lộ không đảm bảo tiêu chí chuyển về cho địa phương quản lý. Trước mắt, sẽ chuyển khoảng gần 1.000 km, gồm những quốc lộ không đảm bảo tiêu chí, những đoạn quốc lộ có đường tránh thay thế và những quốc lộ đã có tuyến đường khác được đầu tư xây dựng thay thế; đảm bảo không vượt quá năng lực quản lý tại một số địa phương có nhiều tuyến tuyến lộ đi qua, cũng như giám sát nguồn vốn bảo trì được sử dụng đúng mục đích.

Sơn Vân/Báo Tin tức

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Phân quyền cho địa phương tự chủ bảo trì quốc lộ. Ảnh: TTXVN.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/kinh-te/phan-quyen-cho-dia-phuong-tu-chu-bao-tri-quoc-lo-20220506103101610.htm