Phân lô, bán nền vẫn ‘âm ỉ’, nhiều địa phương siết chặt trong khi chờ ‘thuốc đặc trị’

Nhiều địa phương đang rốt ráo trong việc siết chặt quản lý đất đai, ngăn chặn phân lô bán nền. Nhưng thay vì không quản được thì cấm, nên chăng cần có một liều ‘thuốc đặc trị’?

Việc phân lô bán nền đã trở thành ‘gà đẻ trứng vàng’ cho đối tượng đầu cơ trong những cơn sốt đất xảy ra những năm qua. Tình trạng phân lô bán nền đã phát sinh nhiều hệ lụy, diễn biến phức tạp, vi phạm các quy định về quản lý đất đai ở một số địa phương.

Đơn cử như ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã có nhiều chiêu trò “hiến đất” làm đường giao thông để chuyển mục đích sử dụng sang đất ở rồi phân lô, bán nền.

Theo báo cáo mới đây của UBND huyện Cam Lâm, đã có gần 30 trường hợp xây dựng nhà ở, khu nhà cho thuê trọ, quán cà phê… ở những nơi “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền trên địa bàn thị trấn Cam Đức, các xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát và Suối Tân.

Việc phân lô bán nền vẫn ‘âm ỉ’ có lẽ là lý do khiến Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành “tối hậu thư” đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Theo đó, Bộ này yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp san lấp để phân lô, bán nền, xây dựng trái luật trên đất nông nghiệp.

Nhiều địa phương sau đó cũng đã vào cuộc để siết chặt vấn đề phân lô bán nền trong khi chờ có ‘thuốc đặc trị’. Mới đây nhất, UBND TP. Nha Trang cũng đã có ‘lệnh’ tạm dừng việc tách thửa cho đến khi quyết định quy định tách thửa mới được ban hành, làm cơ sở thống nhất việc thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn tỉnh.

Hay tại Đồng Nai, bắt đầu từ tháng 10 tới các diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được tách thửa ở nông thôn đều điều chỉnh tăng từ 1.000 m2 lên 2.000 m2. Điều này nhằm hạn chế được tình trạng “xé nhỏ” đất nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa nhanh chóng kiểm tra, kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô bán nền.

Tương tự, để khắc phục tình trạng tách một thửa đất thành nhiều thửa để lợi dụng hợp thức hóa, chuyển mục đích sang đất ở; chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật; “cò đất” đầu cơ mua đi bán lại gây “sốt ảo”; “thổi giá” làm cho giá đất không đúng với giá đất phổ biến trên thị trường…

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất theo đúng quy định; xử lý đối với các trường hợp lợi dụng việc phân lô, tách thửa để chuyển nhượng và xây dựng nhà ở trái phép…

Hay tại Thái Nguyên, cũng đã có những động thái ‘siết’ chặt tình trạng phân lô bán nền bằng các quy định thay đổi về thửa đất. Cụ thể, đối với trường hợp thửa đất trước khi tách thửa tại các địa phương thuộc thành phố, thị xã phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn 2.000m2; khu vực các huyện mà đất trước khi tách phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn 5.000m2.

Trước đó, tại dự thảo quy định “Điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn TP.Hà Nội”, UBND TP Hà Nội cũng đề xuất nâng diện tích tách thửa lên tối thiểu 40m2 ở 9 quận, thị xã trung tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình và không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý nhà nước. Như vậy là tư duy không quản được thì cấm.

Theo ông Đính, về lâu dài, ở mỗi địa phương cần thiết phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Việc sử dụng đất vào mục đích nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch, dịch vụ… cần đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống thay vì hàng lậu.

Các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) khi hoàn thành cần có sự phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý phân lô, bán nền để hạn chế tối đa những bất cập thời gian qua.

Minh Thư/Infonet

Theo Infonet

Ảnh: Theo chuyên gia, việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn… (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://infonet.vietnamnet.vn/phan-lo-ban-nen-van-am-i-nhieu-dia-phuong-siet-chat-khi-cho-thuoc-dac-tri-5000506.html