Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: ‘Phải bắt được bệnh trước khi chữa bệnh’

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, do vấn đề nghiên cứu về không khí chưa được chú trọng, việc kiểm kê nguồn phát thải từ các lĩnh vực còn chung chung, chưa cụ thể về số liệu nên gây khó khăn trong việc đề ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Mặc dù thời gian vừa qua, Thủ đô đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng chất lượng không khí TP.Hà Nội nhiều ngày ở mức “kém” khiến người dân lo lắng. Tại TP.HCM, nhiều thời điểm, chất lượng không khí cũng chạm mức xấu, thành phố chìm trong sương mù.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam – VCAP.

Thưa ông, tại sao tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam vẫn ở mức đáng báo động, nhất là tại các đô thị lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM mặc dù chúng ta đã và đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí?

Đầu tiên phải khẳng định rằng, hiện nay có rất nhiều nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, từ phương tiện giao thông cơ giới, từ hoạt động xây dựng, các làng nghề, nhà máy…và từ chính mỗi người dân. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu về không khí lại chưa được chú trọng, số lượng vấn đề, đề tài nghiên cứu còn quá ít, trong khi, các chính sách đều phải đi từ kết quả nghiên cứu.

tm-img-alt
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam – VCAP. 

Đầu tư nghiên cứu cho ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay chủ yếu từ nguồn quốc tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu ít, việc kiểm kê nguồn phát thải từ các lĩnh vực còn chung chung, chưa cụ thể về số liệu. Chúng ta biết rằng, trong mỗi giai đoạn, số liệu về không khí sẽ khác nhau, do đó cần phải được đo đạc thường xuyên để có số liệu mang tính định lượng, cụ thể bằng các con số.

Như vậy, khi chưa xác định, nhận dạng được tác động của các nguồn phát thải gây ô nhiễm thì ta chưa thể làm các bước tiếp theo, chưa thể có giải pháp khắc phục, cũng giống như việc có “bắt được bệnh mới chữa được bệnh”.

Vậy tại sao số lượng đề tài, công trình nghiên cứu về ô nhiễm không khí lại thấp hơn các lĩnh vực khác như nước hay rác thải, thưa ông?

Do đầu tư về không khí so với nước thải và rác thải đang rất thấp kéo theo các nhà khoa học nghiên cứu về không khí cũng thấp, đó cũng là nguồn sống. Việc nghiên cứu mà không có số liệu, không có số liệu quan trắc dẫn đến việc không lý giải được các hiện tượng về không khí ví dụ như tại sao vào mùa Đông ô nhiễm không khí tại Hà Nội lại nhiều hơn mùa Hè? Có ý kiến cho rằng là do nghịch nhiệt nhưng lại chưa trả lời được câu hỏi nghịch nhiệt xảy ra vào lúc nào, như thế nào? Mấy ngày vừa qua ô nhiễm như vậy có nghịch nhiệt hay không? Việc này phải được đo đạc và có số liệu cụ thể.

Vậy theo ông, để cải thiện chất lượng không khí của TP.Hà Nội, chúng ta cần tập trung vào vấn đề nào trước tiên?

Những năm gần đây, TP.Hà Nội cũng đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí như trồng thêm nhiều cây xanh, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, loại bỏ bếp than tổ ong… Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề cần giải quyết ngay là kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất, làng nghề hay chính từ công tác thu gom xử lý rác thải.

Tại TP.Hà Nội, tình trạng đốt rác xảy ra thường xuyên, đáng chú ý là đối tượng làm việc này không chỉ là người dân mà là các đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Mặc dù việc kiểm soát việc phát thải không hề dễ dàng nhưng tôi tin nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được, và việc này cần phải có lộ trình thực hiện.

Với thực trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng, tuy nhiên việc đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, làm thế nào chúng ta có thể cải thiện chất lượng không khí, thưa ông?

Theo tôi, Nhà nước phải có các chính sách để có nhiều nghiên cứu hơn, có nhiều số liệu hơn và công khai thông tin để cả cộng đồng nắm bắt được thực trạng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Quan trọng hơn là các chủ doanh nghiệp, chủ nguồn thải như các làng nghề, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng…, và chính mỗi người dân cần phải có trách nhiệm trong việc hạn chế phát thải ra ngoài môi trường. Để làm được điều này, ngoài công tác tuyên truyền thì chế tài xử phạt cũng cần phải nghiêm khắc, đủ sức răn đe và quan trọng là phải làm thường xuyên, liên tục và quyết liệt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Vương Liễu (thực hiện) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Tháng 12/2020 tiếp tục ghi nhận tình trạng chất lượng môi trường không khí theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày ở mức “kém” tại TP.Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/o-nhiem-khong-khi-tai-viet-nam-phai-bat-duoc-benh-truoc-khi-chua-benh-52389.html