Ô nhiễm không khí nặng nhất vào mùa đông, làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội có tính chất quy luật theo mùa. Vào mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), mức độ ô nhiễm dạng hạt cao hơn nhiều so với mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9).

Nồng độ bụi PM 2.5 rất cao vào mùa đông

Những ngày gần đây, ô nhiễm không khí tiếp tục có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng trầm trọng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Theo ghi nhận của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air trong buổi sáng các ngày 7, 8, 9 của tháng 11, chất lượng không khí vẫn phổ biến ở mức tím, rất có hại cho sức khỏe mọi người.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nhưng điển hình nhất là hệ quả từ hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch. Nguồn phát thải nội sinh lớn từ đốt rơm rạ, cùng với các điều kiện khí tượng đặc trưng của miền Bắc mùa này gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở miền Bắc thường xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khi trời ít mưa và điều kiện nghịch nhiệt xảy ra. Mùa Đông ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, nồng độ bụi PM2.5 rất cao trong nhiều ngày, nhiều đợt vì thế người dân nói đùa là “mùa ô nhiễm”.

TS Hoàng Dương Tùng lý giải, mùa đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm, ví dụ gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Trong khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp những điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.

TS. Nguyễn Công Thành, Trưởng Bộ môn Kinh tế – Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Kinh tế cho biết, ở Hà Nội, theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Môi trường vào tháng 4/2022, thì trong giai đoạn 2016 – 2021, các đợt ô nhiễm không khí nặng chủ yếu xảy ra vào mùa đông, với khoảng 10 – 17 đợt. Mỗi đợt ô nhiễm không khí nặng này kéo dài từ 1 – 6 ngày và nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình giao động từ 61 – 115 μg/m3.

Thực hiện ước tính nhanh với trung bình 14 đợt ô nhiễm không khí nặng trong 7 tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), mỗi tháng người dân Hà Nội phải gánh chịu 2 đợt ô nhiễm không khí nặng.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Theo TS Nguyễn công Thành, “Báo cáo Tác động Ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” được công bố 7/2021 đã ước tính nếu nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội được kiểm soát ở mức 10 μg/m3 (mức khuyến nghị của WHO) thì số ca tử vong sớm tránh được là 4.222 ca trong 1 năm.

Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố mức giới hạn khuyến nghị mới về nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí. Cụ thể là, nồng độ khuyến nghị đối với bụi mịn PM2.5 là 5 μg/m3, giảm so mức khuyến nghị trước đây là 10 μg/m3. Dựa trên kết quả phân tích hơn 500 bài báo khoa học, WHO đã kết luận rằng mức giới hạn khuyến nghị mới chặt chẽ hơn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người. Như vậy với mức giới hạn khuyển nghị mới của WHO, thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của các đợt ô nhiễm không khí nặng trong mùa đông tại Hà Nội là đáng lo ngại hơn rất nhiều.

“Vào mùa đông, nồng độ PM2.5 tăng cao, AQI đỏ thậm chí nâu vào sáng sớm từ 2h đến 6h sáng rất có hại cho sức khỏe. Người dân thường hay nghĩ việc tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm mà ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe”, TS Hoàng Dương Tùng

Theo TS Hoàng Dương Tùng, để kiểm soát ô nhiễm không khí, chúng ta phải kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô tô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường.

Khuyến khích sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng hơn như xe bus, xe điện trên cao, metro. Vấn đề nữa, chúng ta phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.

Người dân phải nâng cao nhận thức và kiến thức về ô nhiễm không khí, tác hại của bụi mịn và thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các app điện thoại, website. Điều này, giúp chúng ta có thể biết được khu vực mình đang sinh sống có ô nhiễm hay không, từ đó có những kế hoạch sinh hoạt phù hợp, hạn chế ra ngoài hay những hoạt động khác ngoài trời như việc tập thể dục buổi sáng vào nhữngthời điểm ô nhiễm không khí.

Tô Hội – Báo SK&CS

Theo Sức khỏe & Đời sống

Ảnh: Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn vào mùa đông.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://suckhoedoisong.vn/o-nhiem-khong-khi-nang-nhat-vao-mua-dong-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-169221110115110841.htm