Ô nhiễm không khí mang tên ‘mù khô’: Không thể lửng lơ giải pháp!

Dư luận đang vô cùng lo lắng với tình trạng ô nhiễm không khí tại TP HCM, hôm 24 tết lại tái diễn tình trạng các tòa nhà cao tầng, nhiều khu dân cư ở TP HCM mất tích trong lớp mù trắng đục, bao phủ từ sáng đến trưa.

Cách đây không lâu, ngày 9-1, TP HCM cũng chìm trong lớp mù trắng. Thông tin trên phương tiện truyền thông Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở TN-MT TP HCM) cho biết đã ghi nhận thủ công ở một số trạm về hiện tượng ô nhiễm không khí này, sau khi có kết quả sẽ đánh giá tổng thể và tìm giải pháp kéo giảm.

Theo các chuyên gia về khí tượng, tình trạng lớp mù trắng đục đó là hiện tượng “mù khô” (tức mù quang hóa). Đây là loại sương mù không phải do độ ẩm không khí gây ra mà là tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác động lên các loại khí thải như khí thải động cơ của các phương tiện giao thông, công nghiệp… tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người.

Điều đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm không khí do nguyên nhân “mù khô” không mới, mà đã xảy ra và kéo dài nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp khắc phục, xử lý hiệu quả, kịp thời.

Chỉ thống kê “nghiệp dư” qua thông tin từ báo chí cũng phải giật mình vì tình trạng ô nhiễm không khí do “mù khô” tại TP HCM đã có từ năm 2015 và kéo dài cho đến nay. Hiện tượng mù quang hóa khi xảy ra làm bầu trời TP bao phủ một lớp “mù khô” trắng xóa trên diện rộng khiến người dân rất khó khăn khi đi đường. Các cao ốc ở quận 2, quận 9, quận 1 và Thủ Thiêm bị che phủ trong sương mù dày đặc.

Mới đây, kết quả đo từ AirVisual xếp TP HCM đứng thứ 6 trong những đô thị ô nhiễm nhất trong danh sách khoảng 90 TP trên thế giới. Điều đặc biệt, tại khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và Thảo Điền (quận 2) vượt mức báo động rất có hại cho sức khỏe.

Trước đó, ngày 14-12-2019 Bộ Y tế đã chính thức đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh Hà Nội và TP HCM liên tiếp có mức độ ô nhiễm không khí ở mức nguy hại. Cụ thể, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Không lẽ người dân đóng phí môi trường qua xăng dầu suốt bao nhiêu năm giờ chỉ nhận được những cảnh báo… vậy thôi sao? Tình trạng này báo chí đã phản ánh từ năm 2015 đến nay nhưng đến giờ này cơ quan chức năng cho biết mới chỉ đo đạc, sẽ đánh giá tổng thể và tìm giải pháp kéo giảm. Như vậy là “phản ứng” quá chậm!

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP HCM cho rằng “mù khô” là hiện tượng có tính chu kỳ xảy ra vào thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí thấp sẽ lưu giữ các chất ô nhiễm lơ lửng trong không khí như khí thải, bụi thải từ phương tiện giao thông, công trình, nhà máy… Vấn đề là bao giờ khống chế được “mù khô”, người dân sẽ phải hít thở không khí ô nhiễm đến khi nào?

Rõ ràng mức sống tại TP HCM đã có nhiều cải thiện nhưng cuộc sống sung túc sẽ không có ý nghĩa nếu tình trạng ô nhiễm không khí không được giải quyết rốt ráo. Bởi sống thì phải hít thở, mà hít mãi không khí ô nhiễm như vậy thì bệnh tật là không thể tránh khỏi.

Rất mong các cơ quan chức năng sớm thực hiện các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của TP HCM. Có như vậy mục tiêu phấn đấu “TP HCM là nơi đáng sống” mới thật sự có ý nghĩa.

Mai Chân – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Các tòa nhà cao tầng, khu dân cư ở TP HCM “mất tích” trong lớp mù trắng đục do ô nhiễm không khí.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/ban-doc/o-nhiem-khong-khi-mang-ten-mu-kho-khong-the-lung-lo-giai-phap-20200119153603953.htm