Ô nhiễm không khí: Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Với điều kiện chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân trên toàn thành phố nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) không nên ra khỏi nhà. Trong trường hợp cần thiết ra ngoài, phải trang bị khẩu trang chuyên dụng chống bụi PM 2.5.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong những ngày qua, chất lượng không khí tại các điểm quan trắc trên địa bàn thành phố liên tục duy trì ở ngưỡng xấu (màu đỏ, mức thang cảnh báo 4/6) và rất xấu (màu tím, mức thang cảnh báo 5/6).

Kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5:00 giờ đến 12:00 giờ) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày. Sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm.

Nguyên nhân chính trong giai đoạn ô nhiễm này chủ yếu bị tác động bởi điều kiện khí tượng. Vào mùa đông bức xạ mặt trời yếu hơn mùa hè, tuy nhiên, vào ban ngày mặt đất bê tông hóa vẫn bị đốt nóng khiến nền nhiệt tăng khá cao.

Vào buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu mặt đất nhanh chóng bị lạnh đi khiến nhiệt độ ở tầng khí quyển sát mặt đất cũng giảm và thấp hơn khối không khí bên trên, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm. Tạo ra một lớp sương phủ kín toàn thành phố. Đồng thời, những ngày này không có gió mùa Đông Bắc tăng cường nên tốc độ gió luôn ở mức thấp gần như là tĩnh gió.

Mặt khác, các hoạt động hàng ngày như phương tiện giao thông, dân sinh, đốt rác tự phát, công trình xây dựng… vẫn diễn ra mỗi ngày và đều đặn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường. Dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, chất lượng không khí suy giảm.

Thời điểm trưa chiều, khi ánh sáng mặt trời đủ mạnh, đốt nóng mặt đất và lớp không khí sát đất, lúc này lớp khí quyển không còn ổn định, các chất thải sẽ được thoát lên cao và pha loãng. Nồng độ bụi trong thời gian này cũng giảm xuống. Tuy nhiên, thời gian này do độ ẩm và nhiệt độ thấp kết hợp với trời không có mưa nên khối không khí này không thể bốc lên quá cao như mùa hè. Do đó, dù có giảm xuống nhưng chất lượng không khí vẫn chạm ngưỡng xấu.

Theo dự báo, trong những ngày tiếp theo, có thể chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức xấu, rất xấu. Vì vậy, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân trên toàn thành phố nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) không nên ra khỏi nhà.

Nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Các trường học không cho các em học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Lưu thông trên đường bằng ô tô hoặc xe bus, đóng kín các cửa sổ trong nhà. Đồng thời, mọi người cần hạn chế tối đa nhất các hoạt động gây ô nhiễm không khí như như đốt rác, đun nấu bếp than tổ ong, các xe vận chuyển phế thải xây dựng, bùn thải phải đảm bảo che chắn không phát tán ô nhiễm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân…

Mạnh Quân – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe trong những ngày Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí. (Ảnh Mạnh Quân)

Xem bài viết gốc tại đây:

http://laodongthudo.vn/o-nhiem-khong-khi-can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-100995.html