Để không khí Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới, báo cáo của WB khuyến nghị Hà Nội cần kết hợp với các tỉnh lân cận thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, từ tháng 8/2019 đến 7/2020, WB đã thu 80 mẫu bụi mịn tại điểm đo ở trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường tại quận Cầu Giấy và Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc tại 559 Nguyễn Văn Cừ (quận Gia Lâm) và mang về Viện Khí tượng Phần Lan phân tích. Kết quả cho thấy lượng bụi PM 2.5 trung bình của hai điểm đo này lần lượt là 46 μm/m3 và 49 μm/m3. Giai đoạn tháng 10/2019 đến tháng 2/2020 tăng lên 150-200 μm/m3.
“Các chỉ số này vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam (25 μm/m3) và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (10 μm/m3). Hơn nữa, phân tích thành phần hóa học của bụi mịn PM2.5 cho thấy trong bụi có kim loại nặng như chì và thiếc. Dự báo nồng độ PM2.5 của Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030”, bà Katelijn Van Den Berg, chuyên gia WB nhận định.
Kiểm kê nguồn phát thải bụi mịn cho thấy, hoạt động công nghiệp tạo ra 29% tổng lượng bụi mịn PM2.5 ở khu vực Hà Nội. Các nguồn thải khác bao gồm đốt rơm rạ, sinh khối ngoài trời tạo ra 26%, bụi đường tạo ra 23% và giao thông (chủ yếu giao thông đường bộ) tạo ra 15%. Ngoài ra còn có các nguồn khác bao gồm từ quá trình đốt từ các hộ gia đình, từ các làng nghề và đốt rác thải. 1/3 lượng bụi mịn PM2.5 đến từ các nguồn thải tại địa bàn Hà Nội, và 2/3 còn lại đến từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, vận chuyển quốc tế và các nguồn tự nhiên.
Ngoài ra, theo kết quả được công bố của Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), vùng ô nhiễm không khí chính do khói bụi nằm ở phía Nam Hà Nội. Trong đó có thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).
Từ kết quả kiểm kê phát thải bụi mịn từ đốt rơm rạ trên địa bàn TP.Hà Nội, PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong vụ Đông Xuân 2021, sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng là 1.936 tấn, tỉ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố vụ này khá cao, lên tới 43,2% với gần 2.000 tấn bụi mịn PM 2.5 phát thải, lớn hơn so với vụ cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người sống cách xa khu vực đốt rơm rạ.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Anh Lê, do ảnh hưởng của Covid-19, người dân ở nhà nhiều, nhu cầu canh tác đồng ruộng tăng lên, làm thêm cả những phần đất trước đây đã bỏ không. Nắng nóng và do nhu cầu giải phóng đồng ruộng cho mùa vụ mới nên phần lớn rơm rạ bị đốt bỏ.
Để tiêu chuẩn không khí Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới, báo cáo của WB khuyến nghị Hà Nội cần kết hợp với các tỉnh lân cận thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, chi phí y tế và phúc lợi xã hội do các bệnh do bụi mịn PM2.5 gây nên chiếm 7,74% tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, thống kê trên 15 tỉnh khu vực phía Bắc, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh khu vực miền núi và Bắc Trung Bộ, chỉ riêng Hà Nội chiếm tới 32% tổng số ca tử vong bởi các bệnh gây ra do tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 lâu ngày, cao thứ hai sau khu vực Đồng bằng sông Hồng (41%).
“Thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở TN&MT để giám sát. Đồng thời, Hà Nội cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí”, PGS.TS Hoàng Anh Lê đề xuất.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong
Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỉ USD mỗi năm.
Cũng theo báo cáo, ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của mỗi người trên Trái Đất. Trong khi thế giới đang ráo riết tìm kiếm vaccine để dập đại dịch Covid-19, ô nhiễm không khí tiếp tục khiến hàng tỉ người toàn cầu giảm thọ và ốm yếu hơn. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo chất lượng không khí mà nhiều người đang hàng ngày hít thở có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hơn so với đại dịch Covid-19. Có đến gần 25% dân số toàn cầu sống ở 4 quốc gia Nam Á trong nhóm nước có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan và tuổi thọ trung bình của những người dân nước này sẽ giảm 5 năm do họ phải sống trong không khí ô nhiễm cao hơn 44% so với 20 năm trước.
Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm không khí có thể gây các triệu chứng hô hấp, và tuần hoàn và cả mạn tính, tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Các tác hại thường được nhắc đến của ô nhiễm không khí như bệnh tim, phổi mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi thực chất không khí ô nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp nhưng có tác động lên toàn cơ thể, phá hoại các cơ quan khác từ đầu đến chân, từ bệnh tim, phổi, hen suyễn cho đến tiểu đường và chứng mất trí nhớ, từ bệnh về gan, ung thư bàng quang cho đến giòn xương và tổn thương da.
Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Ô nhiễm không khí cũng gây hại cho việc sinh đẻ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Hơn nữa, việc tiếp xúc với ô nhiễm về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe hoặc khiến các căn bệnh trầm trọng hơn.
Việt Nam cần ít nhất từ 3-5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng bụi mịn GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. “WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng…”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ. GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào thực sự hoàn chỉnh cho vấn đề bụi mịn. Ông cho rằng, cần phải có một quãng thời gian khá lâu thì chúng ta mới có thể đưa ra được giải pháp tổng thể nhất: “Tôi cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3 -5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay”. |
Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Hoạt động công nghiệp tạo ra 29% tổng lượng bụi mịn PM2.5 ở khu vực Hà Nội. (Ảnh: Zingnews.vn)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/o-nhiem-bui-min-ha-noi-ngay-cang-nghiem-trong-57164.html