Nước sông La nhuốm màu đỏ, hàng nghìn hộ dân bất an, kêu cứu

Nước đập dâng Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) đổ xuống sông La gây nên hiện tượng đỏ đục cả khúc sông dài gần 10 km, gây hoang mang cho hàng vạn hộ dân vùng hạ lưu.

Nước mô… đỏ bằng nước sông La?

Xưa, sáng tác ca khúc “Người con gái Sông La”, nhạc sỹ Doãn Nho từng ví: “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/ Nước mô xanh bằng dòng nước sông La”.

Vậy mà nay, màu xanh của dòng sông La chỉ còn trong hoài niệm. Cả khúc sông dài gần chục km chuyển màu nâu đỏ hàng tháng trời vì nhuốm màu nước từ đập dâng Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Ông Thái Văn Xuân (83 tuổi), trú thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ buồn bã nhìn ra dòng nước đỏ đục lo lắng: “Từ tháng 12/2019, nước sông La đang trong xanh bỗng chuyển màu nâu đỏ trong nhiều tháng liền. Tuy nhiên, thời điểm đó màu nhạt hơn nên vẫn có thể chấp nhận được nhưng hơn một tuần nay, sông La có lúc đỏ như màu máu, rất đáng sợ”.

Theo ông Xuân, từ xa xưa ngoại trừ mùa lũ, còn lại dòng nước sông La trong vắt, mát rượi. Tài nguyên này là niềm tự hào của người dân Trường Sơn nói riêng, Đức Thọ nói chung. Sau khi phát hiện nước sông La chuyển màu bất thường, bà con rất hoang mang, lo lắng vì đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hơn 80% dân số xã Trường Sơn.

Đồng ý kiến, anh Nguyễn Hải Phong, thôn Bến Hầu cho rằng: “Chính quyền cấp trên cần có giải pháp xử lý nguồn nước, trả lại màu xanh cho dòng sông La. Với màu nước đỏ đục như hiện nay, cho dù cơ quan chức năng có kết luận an toàn thì dân cũng không thể an tâm sử dụng”.

Nước sông La vẩn đục, ô nhiễm bấy nhiêu. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Võ Công Hàm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ thông tin, hiện tượng nước sông La nhuốm màu nước đập dâng Ngàn Trươi (Vũ Quang) đã xảy ra nhiều tháng liền.

Hàng vạn hộ dân trên địa bàn các xã Đức Lạng, Đức Đồng, Hòa Lạc, Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ, Trường Sơn, Liên Minh, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Tùng Châu đang kêu trời, vì giữa nắng nóng kéo dài hơn 40 độ C lại thiếu nước sinh hoạt do nước sông La có dấu hiệu ô nhiễm.

“Trước đây khi chưa có đập (hồ Ngàn Trươi) sông La xanh biếc. Nhưng từ ngày nước Ngàn Trươi đổ về cả dòng sông đỏ ngầu, dân rất bất an”, ông Hàm nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, thời gian qua rất nhiều cử tri đã phản ánh vấn đề này đến HĐND cấp xã, huyện, tỉnh. Thậm chí có những công dân sụt sùi bày tỏ: “Ôi dòng sông La, ôi niềm thương nỗi nhớ/ Ai đang nỡ giết chết dòng sông trong xanh và mát dịu”.

Nước máy sau xử lý cấp về đến hộ dân vẫn nâu đỏ, không thể sử dụng. Ảnh: Gia Hưng.

Liên quan đến việc nước sông La chuyển màu đỏ đục hơn một tuần nay (trước đó, sông La trong xanh trở lại được gần 1 tháng), ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh xác nhận, ngày 3/7 công ty tiến hành điều tiết nước từ kênh chính Ngàn Trươi xuống các dòng chảy ra sông La, thông qua hai cống xả cạn ở xã Đức Bồng và Đức Lạc, với lưu lượng xả gần 3,5 triệu m3/ngày đêm.

Biết không an toàn vẫn phải dùng

Theo ông Võ Công Hàm, nhiều năm qua Nhà máy nước Linh Cảm lấy nước từ sông La đem lên bể xử lý trước khi chuyển cho các HTX cấp cho người dân. Sau khi nước sông La có biểu hiện bất thường, các nhà máy tăng cường thau rửa bể lọc, hóa chất xử lý nhằm cấp nước đảm bảo an toàn cho bà con.

Tuy nhiên, tại xã Trường Sơn và một số xã lân cận, nước sau xử lý khi cấp đến hộ gia đình vẫn có màu nâu đỏ, không thể sử dụng.

Hạn hán gay gắt nên người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước đỏ đục để tắm rửa, giặt dũ. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Trần Hữu Phúc, thôn Bến Hầu cho biết, gia đình ông ở ngay cạnh bờ sông La. Trước đây khi nước chưa chuyển màu bất thường, cả gia đình thường xuyên ra sông tắm rửa, giặt giũ, còn nước ăn uống sử dụng nước máy cũng được lấy từ sông La.

“Hơn tuần nay, thấy nước máy cấp về đỏ ngầu nên gia đình không dám ăn. Cứ vài ngày lại đi gần 20 km sang xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mua nước về dùng”, ông Phúc nói, đồng thời cho biết, thực tế thấy nước ở Khánh Sơn trong nên mua về chứ không biết mức độ an toàn đến đâu.

Nước sông La ô nhiễm nên người dân phải sang tận Nghệ An mua nước về sử dụng. Ảnh: Thanh Nga.

Bình quân mỗi ngày gia đình ông Phúc sử dụng hết khoảng 40 lít nước (trên 30.000đ) để ăn uống, còn tắm giặt chuyển sang sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy như trước đây.

Với gia đình có điều kiện đi xa có thể mua được nước rẻ, còn những hộ già cả, hạn hẹp về thời gian, phải mua nước qua tay buôn thì số tiền bỏ ra mỗi ngày còn nhiều hơn cả tiền ăn. Đơn cử, gia đình ông Thái Văn Xuân, mỗi ngày sử dụng hết khoảng 20 lít nước, tương đương 15.000 – 18.000 đ, trong khi tiền ăn có những ngày hai ông bà chỉ hết trên dưới 10.000đ.

Nước chảy từ đập dâng Ngàn Trươi (Vũ Quang) vẫn đang có màu đỏ đục. Ảnh: Thanh Nga.

Đang giặt quần áo trên dòng sông đục ngầu, chị H., xã Trường Sơn thở dài: “Giữa cái nắng hơn 40 độ C chúng tôi còn phải đi mua nước về ăn uống. Đó là chưa kể nước tắm giặt, do gia đình không có giếng khoan nên dù biết sử dụng nước sông La thời điểm này không an toàn nhưng vẫn phải dùng vì không còn nguồn nào khác”.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc HTX môi trường và nước sạch Trường Sơn: “Nhà máy của chúng tôi có nhiệm vụ cấp nước cho 1.500 hộ dân trên địa bàn xã Trường Sơn. Từ trước đến cuối năm 2019 chưa bao giờ xảy ra hiện tượng nước sông La bị đổi màu, trừ mùa mưa lũ. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2020 và mới đây nhất (từ 4/7/2020 đến nay) nhà máy phải tạm ngừng cấp nước nhiều ngày vì nguồn nước sông La (đầu vào) bị đỏ đục, không đảm bảo.

Dù đã thau rửa bể lọc, tăng hóa chất xử lý nhưng nước cấp đến hộ dân vẫn có màu vàng. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã đến lấy mẫu nước đi kiểm tra, đang chờ kết quả”.

Thanh Nga – Báo Nông Nghiệp

Theo Nông Nghiệp

Ảnh: Người dân dọc sông La, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đang hoang mang khi nước sông La chuyển màu đỏ đục. Ảnh: Thanh Nga.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/nuoc-song-la-nhuom-mau-do-hang-nghin-ho-dan-bat-an-keu-cuu-d268227.html