Nước sông La ngầu đỏ, nhà máy nước sạch cũng lắc đầu, bó tay

Thời gian gần đây, nước sông La (đoạn qua huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) bỗng nhiên chuyển màu đỏ đục khiến người dân bất an. Lo ảnh hưởng đến sức khỏe nên họ phải mua nước suối từ Nghệ An về dùng với giá cả rất đắt đỏ.

Từ ngàn xưa đến nay, dòng sông La (đoạn chảy qua huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được xem là dòng sông có nước trong veo, xanh mát, từng đi vào thơ ca như một hiện tượng.

Khung cảnh dọc hai bên bờ sông La như một bãi biển du lịch thu hẹp hết sức sôi động. Hàng trăm người dân ở các xã Trường Sơn, Liên Minh, Tùng Ảnh, Thị trấn Đức Thọ, Bùi La Nhân… tập trung giải nhiệt giữa thời tiết oi bức. Họ thỏa sức ngụp lặn, vẫy vùng trong dòng nước mát để tái tạo lại năng lượng sau một ngày lao động vất vả.

Tuy nhiên, vài tháng nay, nước sông đột ngột chuyển màu đỏ đục khiến cuộc sống của người dân hai bên bờ bị đảo lộn. Họ lo lắng, bất an trước hiện tượng lạ mà chưa nhận được lời giải thích thấu đáo. Thay vì xuống tắm, hiện nay người dân bất lực ngồi trên bờ nhìn xuống dòng sông với bao tiếc nuối.

Bà Trần Thị Bàng (79 tuổi, trú thôn Sâm Văn Hội, xã Trường Sơn) cho biết, hơn 1 tháng nay, gia đình bà phải mua nước từ Khe Kẹp (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) về dùng.

Theo bà Bàng, nước sông La đổi màu khiến nhà máy cấp nước sạch cũng ảnh hưởng. Khoảng 1 tháng nay địa phương khuyến cáo không dùng nước sạch bởi không trong hơn nước sông là bao.

Nước sông Ngàn Sâu tại Cầu Treo (Đức Bồng), thượng nguồn của sông La.

“Con trai tôi phải chạy xe máy với quãng đường khoảng 20km để mua nước, mỗi chuyến chỉ chở được 7 can loại 20 lít. Mỗi can mua tại Khánh Sơn là 5.000 đồng, còn mua tại nhà là 10.000 đồng. Loại nước này chỉ dùng để nấu ăn, còn tắm giặt thì phải chấp nhận dùng nước máy”, bà Bàng nói.

Cùng hoàn cảnh, bà Oanh (60 tuổi, trú thôn Sâm Văn Hội) cũng chia sẻ với PV: “Bình quân mỗi ngày gia đình tôi phải sử dụng 1 can 20 lít do chồng đi mua từ Nam Đàn (Nghệ An) để phục vụ ăn uống và tắm lại cho cháu nhỏ. Việc nước sông chuyển màu khiến cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn”.

Nước sông La (khu vực cầu Chợ Thượng) bị chuyển màu từ nhiều tháng nay khiến người dân phải đi mua nước về dùng.

Gia đình ông Hợi (82 tuổi, cùng trú thôn Sâm Văn Hội) có vợ đau ốm từ nhiều năm nay. Trước đây ông dùng bể lớn để bơm nước sông La phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, lo ảnh hưởng đến sức khỏe nên ông Hợi quyết định sắm thêm cái téc (bình chứa) inox 1000 lít (giá gần 2,5 triệu đồng) để mua nước Khe Kẹp.

Gia đình ông Hợi phải mua thêm téc nước 1000l để trữ nước sạch. Anh Sơn (con trai cụ Hợi) phải liên lạc với bên cung ứng để mua nước cho bố mẹ mình.

“Nước ngoài sông đỏ ngòm không dám dùng nên phải mua thêm cái téc 1000l để đựng nước mua từ Khánh Sơn về ăn. Hai ông bà già yếu rồi, sợ không dám ăn nước sông nữa”, ông Hợi nói.

Gặp chúng tôi khi đang buộc can nhựa lên xe để đi mua nước, anh Hải (48 tuổi, trú thôn Sâm Văn Hội) cho biết: “Từ khi nước sông La chuyển màu đỏ đục, có dấu hiệu bẩn không ăn được, gia đình tôi phải lên tận Khánh Sơn để mua. Mỗi lần chở 7 can, bình quân mỗi ngày dùng 1 can 20 lít”.

Anh Hải (thôn Sâm Văn Hội) đang buộc can nhựa lên xe để đi mua nước.

Bà Đường (76 tuổi, thôn Ngọ Lối, xã Trường Sơn) kể: “Thời gian đầu nước sông như bùn hòa ra, đỏ như nước để nhuộm vải. Giờ vẫn đục nhưng có đỡ hơn. Từ hôm đó đến giờ không ai tắm cả. Tội nhất là con cháu nghỉ hè về nhưng không có nơi tắm. Ai quen rồi thì thôi, những người đi xa về tắm nước này thường bị mẩn ngứa”.

Người dân thôn Ngọ Lối tiếc nuối khi nhớ về dòng sông xưa.

Trao đổi với PV, ông Phan Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn chia sẻ: “Hầu hết mọi nguồn nước thô tại huyện Đức Thọ đều lấy trực tiếp từ dòng sông La. Trong thời gian qua nước sông La chuyển màu đỏ đục khiến HTX cấp nước cũng bị ảnh hưởng.

Mặc dù HTX sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý nước nhưng vẫn không thể đảm bảo yêu cầu an toàn, vệ sinh như trước nên người dân rất lo ngại”.

Bức xúc trước việc nước chuyển màu khiến cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, người dân phải chi số tiền khá lớn để mua nước sạch về dùng, một người dân xã Trường Sơn phản ánh: “Lên đứng tại khu vực bến Tam Soa (Linh Cảm) thì sẽ rõ, nước bên Ngàn Trươi xuống thì đỏ đục, còn nước bên Ngàn Phố sang thì trong veo. Cả một dòng như thế này mà bị đỏ đục thì thử hỏi lượng xả ra bao nhiêu?”.

Đi tìm nguyên nhân

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVII từ 8 – 10/7/2020, trả lời về nguyên nhân nước sông La đổi màu bất thường, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Do khu vực đáy lòng hồ Ngàn Trươi có thành phần sắt sa khoáng, xác thực vật đang phân hủy”.

Tuy nhiên, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) – Bộ NN-PTNT phản bác: “Công bố của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là hẹp, chưa đủ. Ông Sơn công bố gọn đi theo hướng giảm trách nhiệm của tỉnh”.

Theo Bộ NN-PTNT, phạm vi nước bị chuyển màu là đoạn lòng dẫn Ngàn Trươi, từ sau lòng hồ Ngàn Trươi đến đập dâng Vũ Quang. Các nguồn bị ảnh hưởng gồm 2 nguồn chính là hồ Ngàn Trươi và Khe Trươi.

Câu chuyện về nước sông La bị chuyển màu chưa đi đến ngã ngũ giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền Hà Tĩnh. Đây cũng là đề tài không biết khi nào mới dứt tại vùng bị ảnh hưởng dọc hai bên bờ sông, khiến cuộc sống người dân đảo lộn và lo lắng.

Trần Hoàn – Báo Infonet

Theo Infonet

Ảnh: Đập dâng Ngàn Trươi, nơi được cho là nguồn gốc khiến nước sông La chuyển màu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/song-la-nuoc-do-duc-ngau-nguoi-dan-so-benh-do-xo-di-mua-nuoc-khe-hep-258725.html