Nỗi lòng diêm dân xứ Thanh

Nghề muối không thể nuôi sống diêm dân, diện tích làm muối cũng giảm dần, nhường chỗ cho đất làm dự án, công trình kinh tế…

Nặng lòng với nghề muối

Bao đời nay, người dân vùng ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã gắn bó với nghề làm muối, cũng chính nghề này đã giúp diêm dân nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhưng vài năm trở lại đây, hàng chục héc-ta đồng muối đang bị bỏ hoang. Những cánh đồng muối trắng tinh, bạt ngàn trước kia đã thay bằng màu xanh của cỏ dại, nhiều nhà chứa muối bỏ hoang, xiêu vẹo.

Nhiều héc-ta muối đã bị bỏ hoang

Nhiều héc-ta muối đã bị bỏ hoang

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc lợi nhuận mang lại bởi nghề muối giảm sâu, không còn được như trước mà công việc này lại rất vất vả. Số lao động nằm trong độ tuổi đã đi làm công nhân, còn lại người già thì loay hoay kiếm sống.

Có lẽ vì vậy, nhiều người dân nơi đây luôn hoài niệm về khoảng thời gian thịnh vượng của nghề muối. Rồi họ nghĩ đến một viễn cảnh không xa, cánh đồng muối sẽ bị thay thế bởi các khu đô thị, du lịch, cụm công nghiệp hay nhà máy.

Trên ruộng muối ở xã Hòa Lộc, bà Lê Thị Minh (76 tuổi, trú thôn Tam Hòa 1, xã Hòa Lộc) cho biết, hiện bà vẫn đang sản xuất 4 ruộng muối với diện tích khoảng 400m2. Dù nghề này cực nhọc, vất vả, thu nhập rất thấp nhưng bà vẫn cố gắng bám trụ để giữ chút gì đó của cha ông để lại.

“Tôi sinh được 4 người con trai, hiện các cháu đều đã yên bề gia thất cả rồi. Biết tôi vẫn còn làm muối, các cháu khuyên nghỉ để về an dưỡng tuổi già. Miệng thì đồng ý, nhưng tôi bỏ sao được cái nghề đã nuôi sống cả gia đình, nuôi từng đứa con ăn học trong suốt hàng chục năm trời”, bà Minh chia sẻ.

Bà Minh cũng cho biết thêm, khu vực làm muối của gia đình nằm trong Dự án cụm công nghiệp nghề cá xã Hòa Lộc, giữa năm 2023, gia đình bà đã nhận tiền đền bù. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi dự án triển khai bà sẽ phải vĩnh viễn xa rời với nỗi nhọc nhằn gắn suốt cuộc đời.

Có diện tích làm muối nhiều hơn bà Minh, bà Phạm Thị Loan (trú thôn Tam Hòa 2) cho biết, hiện gia đình đang có gần 3.000 m2 đất làm ruộng muối. Năm 2023 vừa qua, muối được giá khi đạt mức 2.500 đồng/kg nên bà cũng kiếm được đồng ra, đồng vào. Tuy nhiên, so về mặt bằng chung, nghề này vẫn quá vất vả khi chỉ làm được trong những tháng có nắng, thu nhập trung bình chỉ đạt mức 100.000 đồng/ngày.

Vất vả là vậy, nhưng ngày công đổi lại rất rẻ mạt, mà chỉ có tiền khi có muối, tức là ngày nào không phơi được muối thì sẽ không có công. Bà Loan tâm sự: “Thấy bố mẹ, ông bà vất vả vẫn không đủ ăn, tụi trẻ tìm hướng đi mới, không theo nghiệp bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa. Từ sâu trong lòng, dù rất tiếc vì không lưu truyền được nghề cha ông để lại nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận”.

Nghề muối chỉ còn trong ký ức?

Theo thống kê của xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc), hiện toàn xã còn hơn 70 ha đất làm muối, tuy nhiên con số này đang giảm theo từng năm. Đến nay, toàn xã đã có 20 ha đất đồng muối đang bỏ hoang.

Cũng theo quy hoạch chung của xã giai đoạn 2021 – 2030 thì khu vực làm muối sẽ gần như bị xóa sổ hoàn toàn để nhường chỗ cho các dự án đất ở, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy hải sản.

Đồng muối bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm

Còn trên địa bàn xã Hòa Lộc, địa phương này đã chuyển đổi 30 ha đất làm muối kém hiệu quả, trong đó, 18 ha chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, cá bống giống, 8 ha dành để xây cụm công nghiệp Hòa Lộc, 3 ha làm công ty giày.

Đối với các khu vực đất làm muối đã chuyển đổi, nhiều người dân cũng rất đồng thuận, ủng hộ khi có các dự án, công ty về để phát triển kinh tế, thay thế cho những cánh đồng muối đã bỏ hoang, xuống cấp.

Một số lao động trung tuổi làm muối thì nay đã vào công ty để làm việc, có thu nhập tốt hơn nhiều. Với các lao động lớn tuổi, một số người đi làm thuê cho các khu nuôi trồng thủy sản, một số nhận tiền đền bù để mở cửa hàng kinh doanh hoặc nghỉ hẳn nghề muối.

Diêm dân vẫn còn nặng lòng với nghề muối nhưng dường như họ đã… bất lực

Ông Trịnh Xuân Hán – Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho hay, việc chuyển đổi này đem lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp địa phương có động lực để phát triển trong tương lai gần. Cùng 1 ha đất, nhưng dùng để nuôi trồng thủy sản, cho doanh thu tới 1 tỷ đồng/năm, còn làm muối chỉ đạt gần 100 triệu đồng.

Chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng của một bộ phận diêm dân muốn giữ lại một phần nghề truyền thống của cha ông để lại, ông Trịnh Xuân Hán khẳng định: “Theo quy hoạch của huyện Hậu Lộc, đến năm 2030, xã vẫn sẽ giữ lại 14 ha đất làm muối vì đây là nghề đặc trưng của xã, đã gắn bó với các lớp thế hệ hàng trăm năm. Nghề này, không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế mà còn chất chưa giá trị văn hóa, tinh thần”.

Diện tích làm muối kém hiệu quả sẽ được thay thế bằng khu đô thị, khu công nghiệp, nhà máy…

Còn ông Nguyễn Ngọc Toản – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hậu Lộc cho biết, năm 2023, tổng sản lượng muối sản xuất trên địa bàn là 9.200 tấn, giá muối tiêu thụ trung bình 2.500 đồng/kg.

Cũng trong năm, huyện đã chuyển đổi thành công 8 ha đất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao thâm canh đạt hiệu quả cao. Trong thời gian tới, UBND huyện Hậu Lộc cũng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để chuyển đất muối sang đất phi nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.

Đối với các diện tích làm muối còn lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với các địa phương có lao động làm nghề muối để lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm dân, hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã củng cố để bao, kênh mương đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện, tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua muối cho diêm dân, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hỗ trợ diêm dân cải thiện cơ sở hạ tầng.

Hoàng Minh – Quốc Huy – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Làm muối vất vả, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến diêm dân không còn mặn mà với nghề

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/noi-long-diem-dan-xu-thanh-308334.html