Nỗi lo ô nhiễm môi trường đằng sau ‘cơn sốt’ điện mặt trời

Với hàng ngàn MW điện mặt trời đã vận hành và hơn 10.000MW đang đề nghị bổ sung quy hoạch, cả nước đã có hàng chục triệu tấm quang điện (pin mặt trời) đang hoạt động. Vậy khi những tấm pin này hết hạn sẽ đi về đâu, giải quyết như thế nào?

Hệ lụy môi trường

Theo Quy hoạch điều chỉnh điện của Bộ Công Thương, mục tiêu điện mặt trời trong năm 2020 sẽ đạt 850 MWp, đến năm 2025 tăng lên 4.000 MWp vào cán mốc 12.000 MWp năm 2030.

Tuy nhiên, ngay khi có Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tính đến 31/12/2020 cả nước có 83 nghìn công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp.

Điều đáng nói, điện mặt trời phát triển như vũ bão khiến không ít người lo ngại đến vấn đề xử lý môi trường chất thải từ các tấm pin năng lượng. Trong đó, trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án kết thúc vẫn chưa có.

Vào cuối năm 2020, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đã đặt ra câu hỏi: Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?

Câu hỏi đó một lần nữa cho thấy nguy cơ ô nhiễm từ pin điện mặt trời là rất cao nếu không có phương án xử lý trong khi nguồn năng lượng này đang phát triển ồ ạt.

Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong các tấm pin mặt trời có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 – 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than. Các tấm panel, tuy không phát thải hằng ngày nhưng với số lượng các dự án điện mặt trời cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 – 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Trên thế giới, thực ra không có nước nào quy định rõ ràng, đầy đủ các quy định về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn. Tuy nhiên ở nước ngoài, họ có nhà máy sản xuất tại chỗ, khi sản xuất các tấm pin này, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng công nghệ khử bỏ lượng kim loại nặng. Đối với các nước phải nhập khẩu, điều kiện khử bỏ kim loại nặng hoặc “ứng trước” chi phí xử lý rác thải thông qua giảm giá thành có thể đã được ràng buộc trong hợp đồng. Trong khi tại Việt Nam hầu hết là lắp ráp, đi mua, không ràng buộc cụ thể các điều kiện này trong hợp đồng mua bán và cũng không kiểm tra lại khi nhập về”, TS Lâm nói.

Cần có quy định rõ ràng

Trao đổi với Báo Lao Động, GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, hiện nay, việc quản lý chất thải rắn và nguy hại đã được Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) ban hành, thông qua nhiều nghị định, thông tư khác nhau. Song, với chất thải là những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn – hiện vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xếp vào dạng chất thải nguy hại hay chất thải rắn thông thường. Cũng bởi chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý vấn đề này còn lúng túng, bị động – trong khi tốc độ phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời đã bùng nổ trong thời gian qua.

“Theo quan điểm của tôi, để xử lý những tấm pin năng lượng mặt trời, tránh gây hại cho môi trường, trước hết là các giải pháp về chính sách. Trong đó, cần quan tâm vấn đề quản lý các tấm pin như thế nào, chính sách thu hồi ra sao? Ngoài ra, chính sách khuyến khích tái sử dụng và tái chế các loại pin này, cũng như các biện pháp để giảm khối lượng chất thải ra cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần đi ngay vào các giải pháp kỹ thuật, làm sao có được đánh giá về các giải pháp công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời, xử lý pin năng lượng mặt trời thải ra, phù hợp nhất với điều kiện môi trường của Việt Nam” – bà Chi nói.

Theo chuyên gia này, trong luật Bảo vệ Môi trường mới được thông qua, không có điều luật nào quy định đối với chất thải là tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng lại có nhiều văn bản và vấn đề liên quan đến việc xử lý các sản phẩm thải bỏ theo hướng tuần hoàn lại chất thải.

“Luật đã ban hành, nhưng việc quản lý chất thải tấm pin năng lượng mặt trời có thể đưa vào các thông tư, nghị định để hướng dẫn thu hồi, xử lý, tái sử dụng ở Việt Nam. Trong luật cũng đã đưa ra vấn đề về kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải thống nhất quản lý, để giảm chất thải, nâng cao việc tái sử dụng, tái chế.

Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu những tấm pin mặt trời; các nhà sản xuất nước ngoài phải có cam kết thu hồi sản phẩm đó. Nhưng, cũng cần xem xét tính khả thi lâu dài, pin này có tuổi thọ rất cao từ 15-25 năm. Vậy không rõ đến thời điểm hết hạn, các nhà sản xuất đó có còn phát triển để cam kết thu hồi hay không? Do đó, chúng ta cần lo trước, cần xử lý pin mặt trời trước khi tin tưởng vào nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ thu hồi” – GS-TS Đặng Thị Kim Chi cho hay.

Sẽ có 1,9 triệu tấn pin mặt trời thải loại vào năm 2045

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, theo Bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW; tương ứng khối lượng tích lũy chất thải pin mặt trời ước tính 404.000 tấn vào năm 2030 và vào khoảng 1.900.000 tấn vào năm 2045. Song, đến nay Việt Nam chưa có cơ chế chính sách gì về việc xử lý chất thải pin mặt trời sau khi hết hạn.

Theo ông Sính, tuổi thọ cơ học của các pin mặt trời có thể đến 25 – 30 năm hoặc hơn nữa. Tuy nhiên, người ta có thể thay thế các pin mặt trời trước khi hỏng do hiệu suất bị giảm, phát ra ít điện hơn. Hoặc các pin mặt trời có thể bị hỏng trong quá trình vận chuyển, lắp đặt hay trường hợp mua phải hàng trôi nổi kém chất lượng… “Cần làm rõ trách nhiệm để làm cơ sở pháp lý cho việc tái chế, tránh vết xe đổ từ nhiệt điện than, sau gần 50 năm xây dựng, mỗi năm thải ra khoảng 18.000.000 tấn tro xỉ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đầy đủ các chính sách, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xử lý tro xỉ”.

Hà Lan – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Hàng triệu tấm pin hết hạn sẽ đi về đâu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/noi-lo-o-nhiem-moi-truong-dang-sau-con-sot-dien-mat-troi-56707.html