Nỗi lo nguồn nước nhiễm vôi ở Sơn Nguyên

Đến vùng cao xã Sơn Nguyên, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) những ngày giữa tháng 8-2020, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi lo của hơn 400 hộ gia đình ở nơi này từ nhiều năm qua đã phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm vôi.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Tạ Văn Hương – trú ở thôn Nguyên Trang, xã Sơn Nguyên cho biết: Gia đình tôi định cư ở nơi này từ năm 1993 và mưu sinh bằng nghề trồng trọt. Thổ nhưỡng ở đây đã giúp cho nhiều gia đình nông dân vượt khó, thoát nghèo từ các loại cây trồng mía, lúa, sắn, ngô…

Nguồn nước sản xuất nông nghiệp tạm ổn, nhưng nước sinh hoạt của người dân luôn là nỗi lo thường trực mỗi ngày, bởi lẽ hầu hết các giếng đào, giếng khoan đều trong tình trạng nhiễm phèn, nhiễm vôi nghiêm trọng… Các vật dụng chứa nước sinh hoạt đều có một lớp vôi lẫn phèn bám dày dưới đáy, tệ hại hơn nữa là xoong, nồi, ấm, chảo chỉ sau một, hai tuần sử dụng đun nấu bằng nước giếng ở các gia đình đều để lại dưới đáy một lớp vôi màu vàng sẻn.

Nghe chúng tôi đề cập đến sức khỏe của người dân khi sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, nhiễm vôi, ông Hương chia sẻ: “Cách đây chừng 4 năm, tôi đến một phòng khám tư nhân ở TP Tuy Hòa để siêu âm tổng quát, bác sĩ kết luận tôi bị sỏi thận nên phải điều trị dài ngày bằng y học cổ truyền. Nghi ngờ thủ phạm là nước giếng bị nhiễm vôi nên từ đó gia đình tôi uống nước lọc đóng trong bình nhựa của các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, nhưng vì tiết giảm chi phí nên vẫn sử dụng nước giếng để nấu ăn”.

Một người dân khác ở thôn Nguyên Trang là bà Ngô Thị Nhuẫn bày tỏ: “Sau một thời gian dài phát hiện nguồn nước từ giếng đào có nhiều phèn và vôi, gia đình tôi thuê nhóm thợ kỹ thuật tạo lập giếng khoan. Nhìn nguồn nước mới bơm lên từ giếng khoan rất trong, nhưng sau một đêm tích trữ trong bể chứa lắng đọng lại một lớp vôi trắng đục dưới đáy. Nếu không thường xuyên tẩy rửa các vật dụng đun nấu nước từ giếng đào đến giếng khoan thì hơn một tuần sẽ nhìn thấy lớp vôi dày bám cứng dưới đáy”.

Theo ông Cao Văn Tài, Phó trưởng thôn Nguyên Trang, toàn thôn có 274 hộ gia đình, nhà nào cũng có giếng đào hoặc giếng khoan để khai thác nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, thế nhưng nhà nào cũng than phiền bởi tình trạng nhiễm phèn lẫn vôi. Một số gia đình đầu tư xây lắp bể lọc nước nhưng không thể nào “dọn” sạch được vôi, vài người mua máy lọc nước nhưng chất vôi tụ lại, buộc phải thay bộ phận lọc nước thường xuyên nên rất tốn kém. Dù chưa có con số thống kê nhưng không ít người mắc bệnh liên quan đến nguồn nước sinh hoạt, đa số bị sỏi thận.

Cùng tình cảnh đó, giếng đào, giếng khoan của 130 hộ gia đình ở thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên cũng nhiễm phèn, nhiễm vôi khá nặng.

Làm việc với UBND xã Sơn Nguyên, chúng tôi được biết, trên địa bàn xã đã có 3 công trình nước sinh hoạt tập trung ở 3 thôn Nguyễn Xuân, Nguyên An và Nguyên Cam được đầu tư xây lắp trong các năm 2009, 2015 với tổng công suất mỗi ngày đêm 790m3 do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sơn Nguyên quản lý và vận hành, chỉ còn 2 thôn Nguyên Trang, Nguyên Hà chưa có công trình nước sinh hoạt tập trung.

Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên từng thu thập mẫu nước từ các giếng đào, giếng khoan ở hai thôn nêu trên để kiểm nghiệm, kết luận nguồn nước bị nhiễm vôi, nhưng chưa có giải pháp hỗ trợ. Ông Đặng Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân ở hai thôn Nguyên Trang, Nguyên Hà vẫn kiến nghị và mong chờ nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung để đảm bảo ổn định đời sống và sức khỏe cho hơn 400 hộ gia đình.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, hiện nay nguồn vốn trong Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đưa vào thực hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh Phú Yên đã phân bổ nguồn vốn đó về các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện nên UBND huyện Sơn Hòa cần sớm xem xét, xác lập kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư công trình cấp nước tập trung ở những thôn, xóm đang có nhu cầu cấp thiết.

Theo định hướng chung trong điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt có danh mục đầu tư thêm công trình nước sinh hoạt tập trung ở xã Sơn Nguyên với công suất mỗi ngày đêm 450m3 từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vì thế UBND huyện Sơn Hòa cần huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp để sớm triển khai đầu tư phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân ở hai thôn Nguyên Trang và Nguyên Hà.

Hữu Toàn – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Vôi bám dày dưới đáy các vật dụng chứa nước tại gia đình ông Tạ Văn Hương.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/noi-lo-nguon-nuoc-nhiem-voi-o-son-nguyen-606919/