Nợ đọng vòng quanh khiến lĩnh vực xây dựng như ‘mớ bòng bong’

Vẫn chưa có thống kê chính thức tình trạng nợ đọng xây dựng (giá trị tuyệt đối hoặc tỷ lệ) là bao nhiêu, nhưng thực tế là hầu hết các nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại gánh chịu các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu. Hiện nay nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thu hẹp sản xuất thậm chí giải thể, phá sản…

Mở đầu bài tham luận tại hội thảo “Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP kỹ thuật công trình Việt Nam (2T), cho rằng mình đến hội thảo với vị thế vừa là chủ nợ, vừa là con nợ.

NHIỀU NHÀ THẦU GÁNH CHỊU CÁC KHOẢN NỢ KHÓ ĐÒI

Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nhà thầu chưa bao giờ thấy tình hình công nợ nghiêm trọng, nợ đồng nần như hiện nay: ông A nợ ông B, ông B nợ ông C, ông C nợ ông A. Việc thu đòi công nợ của nhiều đơn vị đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa giờ đây được coi là công việc quan trọng.

Vốn điều lệ của Công ty CP kỹ thuật công trình Việt Nam là 100 tỷ đồng, nhưng công nợ mà các chủ đầu tư nợ 2T lên tới hơn 200 tỷ đồng.

“Tôi là công dân bình thường nhưng bỗng dưng là chủ của 5-7 căn biệt thự, hàng chục căn hộ condotel. Nhưng những tài sản này chưa hoàn thành hạ tầng hoặc chưa đầy đủ về mặt pháp lý, nên bán cũng không được. Vì thế tôi vừa là con nợ, vừa là ông chủ lớn. Đây là hiện trạng thực sự hiện nay của các nhà thầu xây dựng”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, vẫn chưa có thống kê chính thức tình trạng nợ đọng xây dựng (giá trị tuyệt đối hoặc tỷ lệ) là bao nhiêu, nhưng thực tế là hầu hết các nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại gánh chịu các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu.

Hiện nay nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thu hẹp sản xuất thậm chí giải thể, phá sản.

Nhiều dự án đã bán hết sản phẩm (căn hộ, sàn văn phòng,…1 phần được hình thành từ tài sản của nhà thầu), chủ đầu tư đã thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư dự án khác, nhưng vẫn không trả tiền cho các nhà thầu.

Tuy nhiên, số lượng vụ án được thụ lý tại Tòa hoặc Trung tâm trọng tài Quốc tế rất ít. Việc giải quyết vụ án kéo dài (trung bình từ 3-5 năm, thường phải qua ít nhất là hai cấp xét xử). Việc thi hành án cũng rất khó khăn, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản rất thấp (dưới 30% theo bản án có hiệu lực).

Do đó, các nhà thầu không dám mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thiết bị, sa thải người lao động, thu hẹp phạm vi cung cấp, thậm chí không nhận phần cung cấp thiết bị, vật liệu mà chỉ cung cấp nhân công, làm nhà thầu phụ cho thầu chính hoặc các công ty nước ngoài.

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, theo lãnh đạo 2T là do số lượng dự án, chủ đầu tư ít, nhà thầu lại nhiều. Chủ đầu tư lại là bên chủ động, bên trả tiền- họ nắm đằng chuôi, còn nhà thầu là bên làm thụ động, bên nhận tiền – nắm đằng lưỡi.

Đặc biệt do chế tài trong các quy định pháp lý chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, tại khoản 2 điều 17 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về Hợp đồng Xây dựng có ghi: Trước khi ký kết hợp đồng xây dựng, bên giao thầu phải có bảo đảm thanh toán phù hợp với tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nghiêm cấm bên giao thầu ký kết hợp đồng xây dựng khi chưa có kế hoạch vốn để thanh toán theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng.

Tại khoản d), điều 16 Mẫu hợp đồng xây dựng, Thông tư 02/2023/TT-BXD ngày 03/03/2023 cũng ghi: chủ đầu tư có trách nhiệm “Thanh toán đầy đủ cho Nhà thầu tư vấn theo đúng tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng”.

Nhưng thực tế bên nhà thầu phải đảm bảo giao dịch bằng một loạt các đảm bảo, do ngân hàng phát hành như: Bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh bảo hành, trong khi bên gia thầu hầu như không có đảm bảo/hoặc đảm bảo kém hiệu lực.

“Ngay cả khi trường hợp chủ đầu tư có phát hành bảo lãnh thanh toán, thì nội dung bảo lãnh luôn chỉ là: Ngân hàng sẽ chi trả khi chủ đầu tư không trả được khoản thanh toán/món nợ. Tuy nhiên để hình thành món nợ và chủ đầu tư thừa nhận món nợ thì phải có biên bản quyết toán, tức phải có nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Đối với các chủ đầu tư cố ý trì hoãn nghiệm thu, trì hoãn quyết toán thì Nhà thầu không thể yêu cầu Ngân hàng chi trả, thậm trí khó được Tòa chấp thuận thụ lý vụ án, nếu kiện ra tòa”, ông Minh chia sẻ.

CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH

Để tháo gỡ thực trạng này, ông Minh cho rằng cần những giải pháp giải quyết đồng bộ, bao gồm nâng cao năng lực về công nghệ, kỹ thuật, đội ngũ của nhà thầu. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh.

Như với công tác nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng, tại Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, yêu cầu ngoài các tài liệu như hợp đồng xây dựng; hồ sơ thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị; bản vẽ hoàn công công trình; kết quả kiểm tra chất lượng vật liệu, thiết bị; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng theo ông Minh, cần phải bổ sung thêm biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình giữa Chủ đầu tư (bên giao thầu) và Nhà thầu.

Đối với phát hành bảo lãnh thanh toán, Nghị định Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015, đặc biệt Thông tư 02/2023/TT-BXD ngày 03/03/2023 bổ sung yêu cầu bắt buộc ở điều khoản về trách nhiệm của bên giao thầu (chủ đầu tư) phải có điều khoản về đảm bảo thanh toán.

Cụ thể là bên giao thầu phải phát hành bảo lãnh thanh toán (do Ngân hàng phát hành) có nội dung: Tổ chức bảo lãnh/ngân hàng chi trả toàn bộ số tiền, tương ứng với giá trị vật tư, vật liệu, thiết bị,..nhà thầu đã đưa vào công trường căn cứ Hồ sơ nhập vật tư, thiết bị vào công trường.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng thừa nhận, hiện nay tình trạng nợ vòng quanh giữa chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp… diễn ra phổ biến. Tình trạng này khiến toàn bộ thị trường xây dựng Việt Nam đang như mớ bòng bong.

Nguyên nhân chính là do hành lang pháp lý không rõ ràng. Hành lang pháp lý của các nhà thầu xây dựng hiện nay đang rất mỏng manh và có nhiều chỗ hổng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời giúp các nhà thầu xây dựng phát triển một cách an toàn.

“Nếu để xảy ra rắc rối mà phải “nhờ” đến trọng tài hay tòa án dân sự thì đấy là giải pháp cuối cùng. Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ từ trung tâm trọng tài để các nhà thầu xây dựng yên tâm trong phát triển”, ông Hiệp bày tỏ.

Vũ Khuê/VnEconomy

Theo VnEconomy

Ảnh: Nhiều nhà thầu đã từng hoặc đang gánh chịu các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vneconomy.vn/no-dong-vong-quanh-khien-linh-vuc-xay-dung-nhu-mo-bong-bong.htm